Đằng sau câu chuyện thảm họa chìm phà hiện đang gây sóng gió tại Hàn Quốc, xuất hiện nhiều tình tiết bí ẩn, bất ngờ có thể sẽ khiến cuộc điều tra phải xoay sang hướng khác.
Lý lịch đáng nghi của 2 nhân vật cấp cao
Các nhà điều tra đang tập trung tìm hiểu hai người đứng đầu Hội đồng quản trị Công ty tư vấn quản lý I-One-I sở hữu Công ty hàng hải Chonghaejin – nơi điều hành phà Sewol. Hai người này được biết là anh em ruột trong gia đình có họ Yoo hiện đang nắm giữ tổng cộng 38.88% cổ phần công ty I-One-I.
Hai anh em họ Yoo ban đầu đứng ngoài cuộc điều tra vụ chìm phà, nay bị cấm xuất cảnh trong quá trình các nhân viên điều tra mở rộng phạm vi vụ án trước bối cảnh người dân cực lực đòi điều tra công ty quản lý phà cùng các nhân vật cấp cao tại đó.
Chủ tịch Công ty hàng hải Chonghaejin Kim Han Sik |
Thông tấn xã Hàn Quốc Yonhap đưa tin, cho đến 21:30 tối ngày 21/4, đã có thêm 15 thi thể được vớt lên bờ trong đó có 2 người nước ngoài, nâng tổng số người thiệt mạng lên 80 người. Hiện chưa rõ, trong 2 người nước ngoài này có cô Phan Ngọc Thanh người Cà Mau (Việt Nam) hay không. |
Sau khi mở rộng phạm vi điều tra, cảnh sát phát hiện hai anh em họ Yoo là con trai của ông Yoo Byeong Eon – người có liên quan tới vụ cho vay nặng lãi, sùng bái tôn giáo và tự tử tập thể năm 1987 đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Quay trở lại vụ việc năm 1987, ông Yoo là linh mục của một giáo phái tôn giáo bí mật có liên quan mật thiết với cựu Tổng thống Chun Doo Hwan đồng thời từng làm chủ một công ty điều hành phà hoạt động trên sông Hàn cho đến khi công ty này phá sản. Ông Yoo là một trong những nghi phạm đầu tiên bị thẩm vấn liên quan tới cái chết của 30 thành viên thuộc giáo phái tôn giáo bí mật nơi ông tham gia. Sau này, các nhà điều tra chưa xác định được vụ việc này là tự sát tập thể hay là vụ sát hại hàng loạt. Cuối cùng, vụ án khép lại khi chưa có lời giải đáp, ông Yoo bị tuyên án 4 năm tù giam vì tội gian lận.
Hiện nay, 2 con trai của ông Yoo đang bị cảnh sát điều tra cùng 40 nhân vật quan trọng khác trong đó có ông Kim Han Sik - Chủ tịch Công ty Chonghaejin và nhiều thành viên thủy thủ đoàn.
Viên thuyền trưởng chịu trách nhiệm điều hành phà Sewol ngày xảy ra thảm họa có thể sẽ phải chịu án tù chung thân không chỉ vì tội vô trách nhiệm mà còn vì tội che giấu sự thật.
Rối loạn với hàng loạt báo cáo khác nhau về thời điểm phà chìm
Trong một diễn biến khác, các nhà điều tra đang rối loạn với những thông tin không đồng nhất về thời gian gửi tín hiệu khẩn cấp phà Sewol chuẩn bị chìm.
Theo các báo cáo về thảm họa này, phà Sewol đã gửi tín hiệu cấp cứu vào lúc 8:58 sáng theo giờ địa phương, lúc đó Trung Tâm quản lý giao thông tàu thuyền đảo Jeju chuyển giao vụ việc phà Sewol cho trung tâm tại đảo Jindo để bắt đầu tiến hành công tác cứu hộ.
Tuy nhiên, các bằng chứng thu thập được sau đó cho thấy, lúc 8:29 phút sáng theo giờ địa phương, phi hành đoàn Sewol đã cảm nhận có chuyện xảy ra và thông báo tin tức cho bên thứ ba.
Cục Thủy văn và Hải dương học Hàn Quốc (KHOA) yêu cầu hỗ trợ các tàu thuyền thương mại, tàu đánh cá gần đó tới hiện trường cách thời gian phà báo cáo Trung Tâm quản lý giao thông tàu thuyền đảo Jeju khoảng 30 phút.
Theo báo cáo trên trang web của KHOA, “ngày 16/4, khoảng 8:30 phút sáng, phà Sewol từ Incheon tới đảo Jeju bị đắm gần Jindo, tỉnh Jeolla”.
Theo báo cáo của Văn phòng quận Jindo gửi lên tỉnh Jeolla cũng có viết thời gian xảy ra vụ tai nạn là lúc 8:25 sáng.
Lúc 8:50 sáng, phó hiệu trưởng trường trung học Danwon đã gọi điện về trường báo “tàu đang bị ngập đầy nước”.
Trong khi đó, theo lời khai của người điều khiển phà Sewol, thuyền trường bắt đầu ra lệnh sơ tán hành khách vào lúc 9:30 sáng.
Một người dân đánh cá cũng tham gia vào cuộc cứu hộ cho biết, “tôi khởi hành ra biển lúc 6:30 sáng vì vậy tôi chắc chắn thời điểm tôi nhìn thấy chiếc phà trên biển là khoảng 7 giờ hoặc 7:30 sáng.
Trang Trần (Theo Korea Herald)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận