Những đôi mắt buồn
Chiều tối 25/4, thân nhân những thuyền viên xấu số tập trung trên bến cảng Dung Quất. Họ dõi mắt nhìn về phía cửa biển nơi tàu cứu hộ đang tiến dần vào vùng neo đậu.
Đứng tần ngần trên bến cảng, ông Đặng Văn Nhớ, anh ruột thuyền viên Đặng Văn Nhung di chuyển gấp rút từ huyện Hóc Môn, TP.HCM ra Quảng Ngãi đón em trai. Ông Nhớ cho biết, hôm qua nghe tin em trai gặp nạn tôi không tin vì có bao giờ nghĩ em trai mình vắn số đến vậy.
Khi cơ quan chức năng Quảng Ngãi điện vào báo em tôi gặp nạn, chân tay tôi bủn rủn. giờ chỉ trông tàu cập bến để sớm đưa em về nhà. Mới hôm Tết anh em còn gặp nhau vậy mà giờ chia cách thế này.
"Anh ra đây đón em về với vợ con, cha mẹ đây em Nhung ơi. Về thôi em trai", đôi mắt anh Nhớ đỏ hoe.
Nắng chiều buông xuống, bến cảng PTSC vốn nhộn nhịp trở nên thê lương, bóng dáng những người cha, người anh, những đứa em là thân nhân các thuyền viên xấu số tâm trạng rối bời dẫu họ biết điều tồi tệ đã đến. Không ai nói với ai lời nào, họ nhìn nhau trong nỗi đau tột cùng.
Tàu chở thi thể bốn thuyền viên vừa cập cảng, anh Võ Văn Thoại, cháu ruột thuyền viên Võ Văn Song chạy ào đến, chàng trai trẻ không kìm nén được cảm xúc.
Anh Thoại cho biết, quê ở thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, sau Tết anh đến tỉnh Khánh Hòa làm ăn, nên hai cậu cháu không gặp nhau, vừa hôm rồi nghe tin cậu gặp nạn cả nhà hoang mang vì không tin cậu gặp nạn nơi đất khách quê người.
"Đến giờ, tôi vẫn không tin là cậu mình không còn trên cõi đời này, cháu nhớ cậu lắm cậu ơi", chàng trai trẻ thốt lên.
Chưa nguôi ngoai nỗi đau mất mẹ lại mất em
Sau những thủ tục quan trọng của lực lượng chức năng, thi thể bốn thuyền viên xấu số trên chiếc tàu kéo bị chìm được đưa lên bờ trong hình hài đông cứng sau hơn một ngày được tàu cứu hộ cứu vớt đưa vào tủ cấp đông. Những người thân đứng tần ngần xúc động, họ ôm chầm lấy nhau để vơi đi nỗi buồn.
Những người đàn ông một đời ngang dọc bỗng trở nên yếu mềm. Họ tiến đến gần băng ca xe cứu thương để cố gắng đứng gần người thân của mình nhất trong giây phút trùng phùng đau thương. Thứ cảm xúc ruột thịt dâng trào khiến những người có mặt làm nhiệm vụ cũng không kìm được nước mắt.
Chân tay bủn rủn, chàng thanh niên Đặng Hữu Toàn đứng tần ngần không bước được thêm bước chân nào nữa khi thi thể cha anh - ông Đặng Văn Ước được đưa từ tàu cứu nạn lên bờ. Anh Toàn cố gọi tên cha như thể không cất thành lời. "Cha ơi! Cha hứa đi làm rồi về với mẹ con con mà sao vậy cha".
Không gian cuối ngày trở nên đượm buồn, tiếng còi hụ xe cứu thương từ từ rời bến cảng thẳng tiến về Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn để làm các thủ tục nhằm đảm bảo việc đưa thi thể về quê an toàn để gia đình lo hậu sự.
Trong số 4 thuyền viên xấu số thì câu chuyện của anh Trần Minh Phúc làm ai nấy nghẹn lòng. Dẫu được tìm thấy, cứu vớt đưa lên tàu từ sớm, nhưng không một ai nhận dạng được, bởi lẽ anh Phúc quê ở thị trấn La Hà, Quảng Ngãi và không có tên trong danh sách đăng ký đi tàu.
Anh Trần Quốc Bình, anh ruột thuyền viên Phúc thất thần đón đứa em trai nằm bất động trên băng cáng. Anh Bình cho biết, anh Phúc ra cảng Kỳ Hà lái máy đào thuê cho người ta để kiếm tiền lo cho gia đình. Mấy hôm trước, Phúc còn điện thoại về bảo rằng làm hết tuần rồi về lên mộ thắp hương cho mẹ.
"Em hứa vậy mà không làm được sao Phúc. Mẹ mới mất chưa đầy 50 ngày mà giờ em cũng bỏ anh đi. Phúc ơi!", giọng anh Bình nấc nghẹn
Liên quan đến sự việc chìm sà lan làm nhiều người tử vong và mất tích, chiều 25/4, Công an tỉnh Quảng Ngãi và Viện Kiểm sát đến làm việc với Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, người thân các thuyền viên tử vong và điều tra nguyên nhân vụ việc.
Như tin đã đưa, vào sáng 24/4, tàu kéo LA-06695 kéo theo sà lan LA-06883 chở hàng từ cảng Kỳ Hà (Quảng Nam) ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Khi ra cách đảo khoảng 3 hải lý thì chìm nên tàu kéo phát tín hiệu AIS cầu cứu.
Sau khi nhận được thông tin, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi đã phối hợp với UBND huyện Lý Sơn, Đồn Biên phòng Lý Sơn triển khai hoạt động tìm kiếm cứu nạn thuyền viên và vớt được bốn thi thể trôi gần nơi sà lan bị chìm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận