Bị cáo Vũ Văn Đảo (áo xanh) và Đinh Văn Quyết tại phiên tòa. Ảnh Đ.L |
Ngày 26/11, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” đối với 2 bị cáo Vũ Văn Đảo (Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Séc, trụ sở số 2 Phạm Ngọc Thạch, P.9, TP.Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu) và Đinh Văn Quyết (Giám đốc Công ty cổ phần Vũng Tàu Marina).
Tại toà, 2 ông không thừa nhận hành vi phạm tội. Ông Vũ Văn Đảo cho rằng, hành vi phạm tội quy định tại điều luật là hành vi “Cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy rõ ràng không bảo đảm an toàn” nhưng quyết định khởi tố bị can lại là hành vi “Điều động cano”. Khi xác định không đúng hành vi sẽ dẫn đến xác định sai chủ thể, không thể khởi tố một người tội “buôn lậu” nhưng lại chứng minh hành vi “trộm cắp”.
Chủ thể tội phạm của điều luật này phải là chủ phương tiện hoặc người đăng kiểm phương tiện mới có hành vi “Cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy rõ ràng không bảo đảm an toàn”. Bị can là người sản xuất ra phương tiện đã bán và bàn giao cho Biên phòng đưa vào sử dụng không phải là chủ thể của Điều 214 BLHS.
Điều kiện cần và đủ để cấu thành tội phạm này là phương tiện phải “Rõ ràng không bảo đảm an toàn” là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả vụ tai nạn, nhưng trong tất cả các nguyên nhân mà các cơ quan tố tụng viện dẫn không có nguyên nhân nào do phương tiện rõ ràng không bảo đảm an toàn.
Bên ngoài phòng xử, đông người đến tham dự |
Theo HĐXX, trong vụ án các bị cáo phạm tội độc lập, nhưng bị cáo Quyết có phần nhẹ hơn bị cáo Đảo. Các bị cáo vô ý gây ra vụ tai nạn giao thông gây đau thương mất mát cho gia đình nạn nhân.
Mặc dù các bị cáo đều kêu oan nhưng các bị cáo khai khách quan về các hành vi, diễn biến của sự việc; khi tai nạn xảy ra các bị cáo đã liên hệ các cơ quan chức năng và những người quen biết để ra sức cứu giúp người bị nạn. Hai bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu, đã bồi thường khắc phục hậu quả. Đa số gia đình bị hại xin giảm nhẹ cho các bị cáo, bị cáo Quyết có hoàn cảnh khó khăn là lao động chính có con nhỏ, còn bị cáo Đảo có thành tích trong sản xuất, đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, được nhiều cấp tặng bằng khen trong nhiều năm… Ngoài ra, xét yếu tố nguyên nhân chìm tàu, người điều khiển phương tiện là Phạm Duy Phúc cũng có lỗi, tuy nhiên đã tử vong trong vụ tai nạn trên nên cần xem xét nguyên nhân xảy ra trách nhiệm hình sự xem xét lại đối với từng bị cáo.
Xét các yếu tố trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Đảo, Quyết cùng mức án ba năm tù nhưng cho hưởng án treo. Trong thời gian thử thách nếu các bị cáo được giao về những nơi giám sát quản lý giáo dục, chấp hành tốt, được quyền đề nghị rút ngắn thời gian thử thách.
Cũng theo HĐXX, xét về thủ tục tố tụng có một số vi phạm như phê chuẩn chậm, quá thời hạn gia hạn điều tra... cần rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, những sai sót này không ảnh hưởng đến bản chất nội dung vụ án.
Sau phiên tòa, ông Vũ Văn Đảo cho biết: “Tôi chưa tâm phục khẩu phục về bản án tại phiên tòa hôm nay. Nếu cơ quan tố tụng chứng minh được bị cáo có hành vi phạm tội thì phải xử lý nhanh chứ không thể để kéo dài một vụ án giao thông tới hơn 5 năm nay mới xử lý. Kết quả này phần nào cũng là hài lòng để chúng tôi tiếp tục công việc. Tuy nhiên điều mà hôm nay chúng tôi muốn nói cho các cơ quan tố tụng làm sao để tránh đi những vụ án oan sai. Tai nạn đó không phải do công nghệ vật liệu mới kém chất lượng cũng không phải do chúng tôi đưa vào sử dụng vì chúng tôi không có quyền đưa vào sử dụng phương tiện…”.
Hiện trường vụ tai nạn chìm ca nô làm chết 9 người tại Cần Giờ năm 2013 |
Theo cáo trạng, công ty của ông Vũ Văn Đảo tổ chức đóng tàu thuyền bằng vật liệu PPC khi VN chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sử dụng cho việc thiết kế, đóng và đăng kiểm phương tiện này. Tháng 3/2013, Vũ Văn Đảo ký hợp đồng bán cho Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 2 tàu, trong đó có tàu BP 12-04-02.
Tháng 6/2013, các bên làm lễ bàn giao tàu nhưng thực tế phương tiện vẫn được neo đậu tại cầu phao của Công ty Việt Séc với lý do để lắp đặt thêm thiết bị.
Cuối tháng 7/2013, Công ty CP sản xuất ống thép dầu khí VN (Công ty PV PIPE, trụ sở Tiền Giang) liên hệ với Quyết bàn về việc đưa hơn 70 cán bộ, nhân viên công ty này đi liên hoan vui chơi vào đêm 2.8.2013 tại Khu du lịch Đảo Xanh - Vũng Tàu (trực thuộc Công ty Vũng Tàu Marina). Quyết báo cho Đảo và được Đảo chỉ đạo sử dụng 2 tàu và hỏi mượn tàu BP 12-04-02 của Biên phòng Bà Rịa-Vũng Tàu để đưa đón người.
Đến 19h ngày 2/8/2013, khi tàu BP 12-04-02 đi ngang vùng biển thuộc địa phận xã Long Hòa, H.Cần Giờ (TP.HCM) thì bị lật, làm 9 người thiệt mạng, trong đó có tài công Phạm Duy Phúc. Phạm Duy Phúc là người trực tiếp điều khiển tàu gây tai nạn đã cấu thành tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy quy định tại Điều 212 BLHS 1999. Sau tai nạn, Phúc đã chết nên cơ quan CSĐT không khởi tố là có căn cứ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận