Thời sự Quốc tế

Vụ chìm tàu du lịch Nhật Bản: Dần hé lộ những sai phạm nghiêm trọng

28/04/2022, 11:18

Vụ tai nạn tàu du lịch Nhật Bản xảy ra ở ngoài khơi đảo Hokkaido hồi cuối tuần qua khiến 11 người thiệt mạng và 15 người mất tích.

Lời xin lỗi muộn màng

Tại cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi tàu du lịch “Kazu I” nặng 19 tấn bị chìm hồi cuối tuần trước, Chủ tịch công ty Shiretoko Yuransen – ông Seiichi Katsurada cho biết: “Tôi đã đưa ra quyết định cuối cùng để tàu khởi hành với điều kiện thuyền trưởng có thể quyết định quay trở lại nếu biển động. Nhưng phán đoán của tôi đã sai lầm”.

Theo ông Katsurada, ông và thuyền trưởng Noriyuki Toyoda, 54 tuổi đã gặp nhau vào buổi sáng ngày diễn ra thảm kịch và cả hai quyết định biển vẫn khá lặng, đủ để tàu khởi hành vào lúc 10 giờ sáng.

Cuối cùng con tàu gặp nạn khiến 26 người trên tàu mất tích. Sau nhiều ngày, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại Nhật Bản mới tìm kiếm được 11 người và xác nhận tất cả đều thiệt mạng trong khi chưa rõ tung tích 15 người còn lại.

img

Ông Seiichi Katsurada, lãnh đạo công ty tàu du lịch Shiretoko Yuransen cúi rạp xin lỗi tại cuộc họp báo về vụ tai nạn tàu khiến 11 người thiệt mạng, 15 người mất tích. Ảnh - Mainichi

Ông Katsurada cho biết, công ty này sẽ tiếp tục làm hết sức có thể hợp tác với các cơ quan điều tra để làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Gặp gỡ 60 thân nhân của các nạn nhân trước thềm cuộc họp, ông Katsurada đã 2 lần phủ phục dưới đất, xin lỗi người thân, bạn bè của các nạn nhân xấu số bằng giọng nói run rẩy.

Ông cũng quỳ gối, cúi đầu chạm sàn để xin lỗi 3 lần trong suốt cuộc họp báo kéo dài 2,5 tiếng.

Tuy nhiên, cha của một nạn nhân cho biết, lời xin lỗi đưa ra lúc này (sau 4 ngày kể từ khi xảy ra tai nạn) chỉ là “màn trình diễn” và “quá muộn”.

“Nếu chân thành, ông đã phải xin lỗi ngay lập tức khi vụ việc xảy ra”, cha nạn nhân chia sẻ.

Lộ nhiều sai phạm nghiêm trọng

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đang điều tra vụ việc, thu thập bằng chứng với khả năng có thể cáo buộc công ty vận hành con tàu này vì thiếu trách nhiệm trong nghiệp vụ dẫn tới tai nạn nghiêm trọng và chết người.

Sau sự việc, rất nhiều nhân viên từng làm việc ở công ty đã lên tiếng, chỉ ra những vấn đề liên quan tới an toàn tại công ty này.

Một người 61 tuổi từng làm việc tại đây cho biết: “Ông Katsurada chẳng biết gì về biển hay tàu thuyền. Kể cả trong điều kiện thời tiết xấu, ông ấy vẫn ra lệnh cho chúng tôi đưa tàu ra khơi chỉ vì doanh thu”.

img

Ông Seiichi Katsurada phát biểu tại cuộc họp báo tổ chức ở thị trấn Shari, đảo Hokkaido. Ảnh - Mainichi

Trong vụ tai nạn này cũng vậy, tại thời điểm xảy ra sự việc, trong khi tất cả tàu đánh cá địa phương đều ở tại cảng vì sóng to, gió lớn, nhiều người quen cũng cảnh báo thuyền trưởng không nên đưa tàu ra khơi nhưng họ vẫn quyết định đưa tàu lên đường.

Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cho biết, trong quy định quản lý an toàn của bộ, không tồn tại khái niệm cho phép tàu khởi hành trong điều kiện xấu một cách có điều kiện như ông Katsurada nêu trên.

Ngoài ra, một nguồn tin thân cận cho biết, trong 2 năm qua đã có hơn một nửa nhân viên công ty Shiretoko Yuransen bao gồm thủy thủ đoàn đã nghỉ việc, tới nay chỉ còn 3 người.

Một người đã nghỉ việc, chuyển sang công ty du lịch khác kể lại, công ty Katsurada đã cắt giảm chi phí bằng cách để nhân viên có kinh nghiệm ra đi và thuê người non tay nghề để giảm chi phí.

Vụ tai nạn thương tâm trên xảy ra ngay trước Tuần lễ Vàng về Du lịch tại Nhật Bản.

Tàu Kazu I là con tàu du lịch đầu tiên vận hành trong khu vực cảng ở thị trấn Shari, đảo Hokkaido để tới một địa điểm là Di sản Tự nhiên Thế giới, nơi có rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm.

Trước khi xảy ra thảm kịch trên, theo Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch, tàu “Kazu I” đã có 2 lần gặp sự cố trong năm ngoái, một lần vào tháng 5 khi va chạm với vật thể nổi khiến 3 người bị thương và một lần khác vào tháng 6 khi mắc cạn ở vùng nước nông ngay sau khi rời cảng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.