Triệu tập hơn 100 cá nhân, 116 luật sư tham gia tố tụng
Ngày mai (11/7), TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm hai nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, Vũ Hồng Nam cùng 52 bị cáo khác trong vụ chuyến bay giải cứu.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao cáo buộc, từ tháng 9/2020 - 12/2022, có 48 cá nhân đã lợi dụng chính sách đưa công dân hồi hương, đưa - nhận hối lộ hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại tổng số tiền hơn 393 tỷ đồng.
Bốn cá nhân khác môi giới hối lộ với tổng số tiền trên 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt hơn 24 tỷ đồng.
Đến nay, nhiều bị can đã nộp khắc phục tổng số tiền trên 53 tỷ đồng, riêng bị can Nguyễn Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Công an Hà Nội) được gia đình nộp khắc phục 460.000 USD.
Hai nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng (bìa trái) và Vũ Hồng Nam.
Theo quyết định xét xử ban hành cuối tháng 6, TAND TP Hà Nội đã tiến hành triệu tập đại diện 19 doanh nghiệp, 46 cá nhân có quyền nghĩa vụ liên quan, 3 bị hại và 33 người làm chứng. Ngoài ra, có 116 luật sư đăng ký tham gia phiên xử.
Hội đồng xét xử (HĐXX) gồm 5 thành viên, do thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ tọa, tòa án dự kiến làm việc liên tục trong 30 ngày.
Theo cáo trạng, VKSND tối cao truy tố 18 bị can về tội nhận hối lộ, khung hình phạt gồm phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Trong đó, có hai nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng và Vũ Hồng Nam, ông Phạm Trung Kiên (cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế), ông Nguyễn Quang Linh (cựu trợ lý nguyên Phó thủ tướng Phạm Bình Minh)…
19 người bị truy tố về tội đưa hối lộ, khung hình phạt tù từ 12-20 năm. 16 bị can khác bị truy tố về một trong các tội danh nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Riêng bị can Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty xây dựng Thái Hòa) bị truy tố về 2 tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đưa hối lộ.
Ai nhận hối lộ số tiền lớn nhất?
Tháng 4/2020, nhu cầu về nước của công dân Việt Nam ở nước ngoài không ngừng tăng sau khi Covid-19 lan rộng trên toàn thế giới. Với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", Chính phủ cho phép thực hiện các chuyến bay giải cứu công dân và thành lập Tổ công tác 5 bộ (Ngoại giao, Y tế, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng) để thực hiện chủ trương này.
Tại Bộ Y tế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên được phân công làm Phó trưởng ban chỉ đạo, thành viên Tổ công tác 5 bộ. Theo phân công, những dự thảo văn bản trả lời Bộ Ngoại giao hay các đơn vị chức năng xin ý kiến về chuyến bay giải cứu, combo… sẽ gửi qua bị can Phạm Trung Kiên. Từ đó, Kiên trình ông Đỗ Xuân Tuyên duyệt ký văn bản trả lời.
Cáo trạng xác định khi làm công việc được giao, bị can Phạm Trung Kiên đã yêu cầu, thỏa thuận với những đại diện doanh nghiệp tham gia chuyến bay giải cứu và các cá nhân phải chi từ 50-200 triệu đồng/chuyến bay, hoặc từ 0,5-2 triệu đồng/khách. Bị can Kiên còn yêu cầu, gợi ý doanh nghiệp bỏ ra từ 7-15 triệu đồng/khách để được Bộ Y tế chấp thuận cho hồi hương.
Viện Kiểm sát cáo buộc từ tháng 9/2021 đến đầu năm 2022, bị can Kiên có hơn 250 lần nhận tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng của 18 cá nhân. Trong đó, 20 lần bị can này nhận tiền ngay tại trụ sở Bộ Y tế. Lần nhận hối lộ số tiền lớn nhất với 1,35 tỷ đồng, các lần khác Kiên nhận từ 20 triệu đến 1,2 tỷ đồng.
Phạm Trung Kiên là bị can được xác định nhận hối lộ số tiền lớn nhất trong vụ án.
Một số bị can thuộc Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Hai nguyên Thứ trưởng Ngoại giao nhận hối lộ bao nhiêu?
Trong Tổ công tác 5 bộ, Bộ Ngoại giao được coi là "mắt xích" quan trọng khi tham gia thực hiện các chuyến bay giải cứu.
Tại cơ quan này, Cục Lãnh sự (do nguyên Thứ trưởng Tô Anh Dũng phụ trách) được giao tập hợp, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt tổ chức thực hiện 772 chuyến bay đưa công dân hồi hương tránh dịch.
VKSND xác định, khi biết được vai trò của ông Tô Anh Dũng, từ tháng 5/2020-1/2022, có 13 cá nhân là đại diện doanh nghiệp đã móc nối, đặt vấn đề để ông Dũng giải quyết thủ tục cấp phép chuyến bay theo thẩm quyền.
Quá trình gặp gỡ, ông Dũng và những cá nhân này mặc dù không thỏa thuận về việc chi tiền, nhưng họ đều hiểu rằng doanh nghiệp sẽ phải chi tiền "cảm ơn".
Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian trên, nguyên Thứ trưởng Tô Anh Dũng có 37 lần nhận hối lộ tổng số tiền 21,5 tỷ đồng từ các doanh nghiệp tham gia chuyến bay giải cứu. Ngoài các lần nhận tiền tại văn phòng làm việc trong trụ sở Bộ Ngoại giao, ông Dũng còn bị cáo buộc tiếp xúc với đại diện doanh nghiệp thông qua vợ là bà Trần Phi Nga.
Một nguyên Thứ trưởng khác của Bộ Ngoại giao là ông Vũ Hồng Nam cũng bị cáo buộc có hai lần nhận tổng số tiền trên 1,8 tỷ đồng khi tham gia giúp doanh nghiệp giải quyết các thủ tục liên quan những chuyến bay giải cứu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận