Pháp đình

Vụ chuyến bay giải cứu: Vì sao cựu nữ cục trưởng phải nhận án chung thân?

28/07/2023, 21:58
image

HĐXX đánh giá hành vi của Nguyễn Thị Hương Lan và một số bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, vi phạm luật hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng.

Nhận hối lộ hàng trăm tỷ đồng có hệ thống

Chiều 28/7, bản án hình sự sơ thẩm dành cho 54 bị cáo vụ chuyến bay giải cứu được chủ tọa Vũ Quang Huy thay mặt Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND Hà Nội công bố trong khoảng thời gian gần bốn giờ. Tại buổi tuyên án, nhiều bất ngờ đã diễn ra sau khi tòa nêu mức án.

Một trong những diễn biến đó là việc bốn bị cáo lĩnh án tù chung thân. Trong đó, Phạm Trung Kiên (cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế) từng bị Viện kiểm sát (VKS) đề nghị tử hình về tội nhận hối lộ nhưng lĩnh mức án thấp hơn đề nghị này.

img

54 bị cáo nghe tòa tuyên án.

Cùng tội danh trên, hai người khác bị phạt mức án cao hơn đề nghị gồm: Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, bị đề nghị tối đa 19 năm tù); Vũ Anh Tuấn (cựu Phó phòng thuộc Cục Quản lý XNC Bộ Công an, bị đề nghị đến 20 năm tù). Còn Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng thuộc Cục An ninh điều tra, Bộ Công an) bị đề nghị 19-20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong bản án sơ thẩm, HĐXX kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra những vấn đề đã được nêu tại kết luận điều tra và cáo trạng trong giai đoạn hai.

Trước đó, khi luận tội, VKS thấy cần kiến nghị điều tra làm rõ hành vi và trách nhiệm của ông Đỗ Xuân Tuyên (Thứ trưởng Bộ Y tế); điều tra làm rõ dấu hiệu rửa tiền liên quan một số cá nhân.

Đưa ra nhận định, HĐXX nêu rõ đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của 54 bị cáo có tính chất nguy hiểm, lợi dụng chính sách nhân đạo của Nhà nước để trục lợi, gây bức xúc cho xã hội và nhân dân.

Đặc biệt, việc nhận hối lộ xảy ra ở nhiều địa phương và hàng loạt bộ, ngành, cho thấy các bị cáo tạo ra nhũng nhiễu, cơ chế xin - cho buộc doanh nghiệp phải chi tiền "bôi trơn".

Trong vụ án, Nguyễn Thị Hương Lan cùng các cựu cán bộ Cục Lãnh sự nhận tiền nhiều lần, số tiền rất lớn. Sai phạm của họ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Bộ Ngoại giao và một số cơ quan khác, gây bức xúc trong nhân dân, nên HĐXX tuyên mức án nghiêm khắc để răn đe và phòng ngừa chung.

Đối với bà Lan, bị cáo là người đứng đầu Cục Lãnh sự, có thẩm quyền và chức vụ nhưng lại để xảy ra việc nhận hối lộ có hệ thống. Hành vi của bà Lan cùng nhiều người khác, theo tòa sơ thẩm, nguy hiểm cho xã hội, vi phạm luật hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng.

Tại tòa, nữ bị cáo thành khẩn khai báo, tác động gia đình nộp khắc phục hậu quả. Tính đến ngày tuyên án, bà Lan cùng gia đình nộp được 1,2 tỷ đồng trong tổng số tiền bà này nhận hối lộ là 25 tỷ đồng.

Vì sao Phạm Trung Kiên thoát án tử hình?

Đối với Phạm Trung Kiên, bản luận tội của VKS nêu bị cáo này đã gây khó khăn cho đại diện các doanh nghiệp tham gia chuyến bay cũng như doanh nghiệp xin cho công nhân, người lao động về nước. Từ đó, họ phải chi cho Kiên theo mức tiền mà bị cáo yêu cầu để được Bộ Y tế đồng ý xét duyệt các chuyến bay.

img

Phạm Trung Kiên nộp khắc phục hơn 42 tỷ đồng trước ngày tuyên án.

Trong vụ án, Phạm Trung Kiên nhận hối lộ số lần nhiều nhất, với tổng số tiền lớn nhất và thủ đoạn cũng trắng trợn nhất trong số các bị cáo. Do đó, VKS đề nghị tòa tuyên Phạm Trung Kiên tử hình tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi.

Tuy nhiên, HĐXX thấy rằng hành vi, lời khai tại tòa cho thấy người này đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Trong giai đoạn điều tra, bị cáo tự nguyện trả lại tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng cho các đại diện doanh nghiệp. Đến khi xét xử, Kiên tiếp tục tác động gia đình nộp thêm hơn 30 tỷ đồng.

>> Video HĐXX nêu căn cứ trước khi tuyên án Phạm Trung Kiên

"Bị cáo có nhiều thành tích khi công tác, có bố đẻ và bố vợ đều là thương binh, gia đình có công với cách mạng", HĐXX công bố và cho biết trên cơ sở chính sách nhân đạo của pháp luật cùng những quy định khác, không cần áp dụng hình phạt loại trừ vĩnh viễn ra khỏi đời sống vẫn có thể giáo dục, đủ sức răn đe với bị cáo.

Ngoài ra, việc tuyên mức án đối với Phạm Trung Kiên thấp hơn đề nghị còn giúp khuyến khích những người có hành vi tham nhũng thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác và nộp lại số tiền hưởng lợi bất chính.

Ngoài phần tuyên án, HĐXX nêu rõ hồ sơ vụ án không có thông tin, tài liệu về những cá nhân đã mua vé máy bay của các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay.

Đến nay, vụ án cũng không có thông tin về số tiền khách hàng bỏ ra để mua vé, bao gồm chi phí vé máy bay, phí cách ly và chi phí hợp lý khác của doanh nghiệp. Do đó, tòa sơ thẩm không có cơ sở xem xét giải quyết.

"Hội đồng xét xử dành quyền cho các công dân đã mua vé yêu cầu doanh nghiệp giải quyết quyền lợi của mình theo quy định pháp luật", chủ tọa công bố.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.