Pháp đình

Vụ chuyến bay giải cứu: Vì sao người nhận hối lộ 253 lần bị đề nghị y án chung thân?

26/12/2023, 09:49

Phạm Trung Kiên đã có hành vi vòi vĩnh, nhận hối lộ nhiều lần nhất (253 lần) với số tiền đặc biệt lớn, lên đến gần 42,6 tỷ đồng.

Nữ cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự được đề nghị giảm án

Sáng 26/12, sau một ngày xét hỏi, đại diện Viện kiểm sát (VKS) cấp cao tại Hà Nội bắt đầu luận tội, nêu quan điểm giải quyết đối với kháng cáo của 21 bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu.

Theo đó, VKS đề nghị giữ nguyên mức án chung thân đối với Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế). Cơ quan tố tụng lập luận trong vụ án này, Phạm Trung Kiên dù không có chức năng, nhiệm vụ phê duyệt chuyến bay giải cứu, song bị cáo đã lợi dụng chức vụ được giao gây khó khăn để các doanh nghiệp phải đưa tiền.

Phạm Trung Kiên đã có hành vi vòi vĩnh, nhận hối lộ nhiều lần nhất (253 lần) với số tiền đặc biệt lớn lên đến gần 42,6 tỷ đồng.

Chuyến bay giải cứu: Vì sao Phạm Trung Kiên bị đề nghị y án chung thân? - Ảnh 1.

Bị cáo Phạm Trung Kiên tại phiên tòa phúc thẩm.

VKS cũng khẳng định, tòa cấp sơ thẩm tuyên bị cáo Kiên tù chung thân là phù hợp. Tại phiên phúc thẩm, Kiên và gia đình nộp thêm hơn 400 triệu tiền khắc phục hậu quả, đã hoàn thành xong số tiền mà cấp sơ thẩm đề nghị.

"Tuy nhiên, hành vi bị cáo là người vòi vĩnh, gây khó dễ cho doanh nghiệp thực hiện chuyến bay và phạm tội nhiều lần, nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo", đại diện VKS nói.

Đối với bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), tòa sơ thẩm tuyên người này mức án chung thân sau khi nhận hối lộ hơn 20 tỷ đồng.

Đến phiên phúc thẩm, bị cáo và gia đình đã cung cấp thêm một số tình tiết giảm nhẹ như gia đình có công với cách mạng, có văn bản của Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo cũng thành khẩn nhận tội.

Ngoài ra, VKS đánh giá khi phạm tội, bà Lan được các doanh nghiệp tự nguyện đưa tiền. Từ đó, kiểm sát viên đề nghị tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bị cáo, đề nghị giảm án từ chung thân còn 20 năm tù.

Chuyến bay giải cứu: Vì sao Phạm Trung Kiên bị đề nghị y án chung thân? - Ảnh 2.

Bị cáo Hoàng Văn Hưng xin giảm nhẹ hình phạt.

Còn với cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng, cơ quan công tố ghi nhận tại phiên phúc thẩm, bị cáo Dũng đã đưa ra được các tình tiết giảm nhẹ. Trong đó, ông Dũng được Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại có văn bản mong tòa giảm nhẹ hình phạt.

"Bản thân bị cáo có nhiều bằng khen, giấy khen và đã thực hiện xong nghĩa vụ mà cấp sơ thẩm tuyên", VKS phân tích và đề nghị chấp nhận kháng cáo, giảm từ 16 năm tù còn 12-13 năm tù.

Hoàng Văn Hưng được đề nghị thoát án chung thân

Với cựu công an Hoàng Văn Hưng, VKS cho biết, quá trình xét hỏi và diễn biến tố tụng đủ cơ sở xác định bị cáo Hưng đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như bản án sơ thẩm tuyên.

Sau bản án sơ thẩm, bị cáo Hưng có đơn kháng cáo kêu oan. Tuy nhiên, trước phiên xét xử phúc thẩm, người này đã suy nghĩ và nhận tội, thừa nhận lừa đảo 18,8 tỷ đồng. 

Ngày 28/11, Hoàng Văn Hưng đã có đơn gửi cơ quan xét xử thừa nhận hành vi phạm tội, chấp nhận bản án sơ thẩm và nội dung như cáo trạng quy kết. 

Tại phiên phúc thẩm, Hưng cung cấp thêm một số tình tiết giảm nhẹ như có hai bác ruột là liệt sĩ, bị cáo đang điều trị bệnh rối loạn tiền đình. 

"Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hưng đã thừa nhận hành vi của mình, thể hiện sự ăn năn hối cải", kiểm sát viên nói và đề nghị tòa chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, giảm án cho Hưng từ chung thân còn 20 năm tù

Một số bị cáo khác cũng được VKS đề nghị giảm án, như: Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) được đề nghị giảm 2-3 năm tù so với án sơ thẩm 12 năm tù); Trần Văn Tân (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) được đề nghị giảm 1 năm so với án sơ thẩm 6 năm tù.

Theo bản án sơ thẩm, từ tháng 4/2020, do ảnh hưởng của Covid-19 nên Chính phủ cho phép thực hiện các chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương. Người dân chỉ cần trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó, các chuyến bay combo được thực hiện với việc người dân tự trả toàn bộ chi phí.

Quá trình thực hiện, các bị cáo đã lợi dụng vị trí công tác nhũng nhiễu, gây khó khăn, tạo ra cơ chế xin - cho, buộc doanh nghiệp chi tiền bôi trơn.

Từ năm 2020-2021, có 372 chuyến bay combo đã được tổ chức. Để được cấp phép chuyến bay, 20 doanh nghiệp đã đưa và nhận hối lộ tổng cộng 515 lần, với tổng số tiền 165 tỷ đồng.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.