Xã hội

Vụ công nhân điện lực tử vong: Điều bất thường của bản hợp đồng

12/08/2019, 19:54

Sau khi nghiên cứu hợp đồng dịch vụ bán lẻ điện năng giữa Điện lực Kim Bôi và nạn nhân, luật sư cho rằng đây là một dạng hợp đồng lao động.

img
Hiện tại Điện lực Hòa Bình có khoảng 10 lao động có hợp đồng dịch vụ bán lẻ điện năng.

Để tìm hiểu về chức năng, nhiệm vụ của anh Bùi Văn Lộc (nạn nhân vụ tai nạn điện giật xảy ra ngày 15/7) khi làm việc tại Điện lực Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, PV Báo Giao thông đã có buổi làm việc với ông Ngô Đình Quang - Giám đốc Điện lực Kim Bôi. Ông Quang cho biết: “Anh Lộc bắt đầu ký hợp đồng dịch vụ với Điện lực Kim Bôi từ khoảng năm 2010, với mức lương từ 3 triệu đến 4 triệu đồng một tháng. Theo quy định chung, hợp đồng dịch vụ không được đóng bảo hiểm, những người lao động hợp đồng dịch vụ không bắt buộc phải mặc quần áo của ngành, vì không phải người của điện lực, hiện tại Điện lực Kim Bôi có 10 lao động hợp đồng dịch vụ tương tự anh Lộc”.

Theo hợp đồng dịch vụ bán lẻ điện năng giữa Điện Lực Kim Bôi và anh Bùi Văn Lộc được ủy quyền của Tổng công ty điện lực Miền Bắc. Bên thuê dịch vụ (bên A) Điện Lực Kim Bôi đại diện là ông Ngô Đình Quang chức vụ Giám đốc. Bên nhận làm dịch vụ (bên B) đại diện là ông Bùi Văn Lộc trú tại xóm Bôi Câu, xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi (Hòa Bình). Nội dung công việc thuê và nhận làm dịch vụ như sau: Ghi chỉ số công tơ điện theo bảng kê khách hàng do bên A giao theo lịch trình và quy trình của bên A. Thu nộp tiền điện và thanh quyết toán hóa đơn tiền điện theo bảng kê khách hàng do bên A và theo lịch trình của bên A.

Tùy thuộc vào tình hình thực tế, bên A có thể thuê bên B làm dịch vụ thực hiện một số nội dung của công tác DVKH và quản lý vận hành lưới điện hạ áp, phụ việc cho nhóm trèo tháo công tơ định kỳ, cháy kẹt, kiểm tra phát quang hành lang, lưới điện áp. Phụ việc cho nhóm công tác thay thế, đấu nối cho các phần dây hạ thế trước công tơ, lắp đặt điện mới, xử lý sự cố nhỏ gây mất điện của khách hàng sử dụng điện. Tham gia tháo lắp, thay thế sứ hạ áp và các phụ kiện, lắp xà bị nghiêng, lệch, thay thế đấu nối đường trục hạ áp đạt yêu cầu để đóng điện, gia cố cột, móng cột, lắp và bổ sung tiếp địa của lưới hạ áp.

Địa bàn thực hiện công việc tại các xã bán lẻ điện năng trên địa bàn huyện Kim Bôi, phần khối lượng cụ thể do phòng kinh doanh tổng hợp Điện lực Kim Bôi giao bằng văn bản. Hợp đồng có hiệu lực trong thời hạn 2 năm kể từ ngày 16/9/2018 đến ngày 16/9/2020.

img
Những người đã và đang làm hợp đồng dịch vụ bán lẻ điện năng tại Điện lực Kim Bôi

Một số người đang làm hợp đồng dịch vụ bán lẻ điện năng với Điện Lực Kim Bôi chia sẻ: “Ngày xưa chúng tôi được ký một hợp đồng lao động 2,5 tháng/1 lần, đến năm 2018 thì được ký hợp đồng dịch vụ bán lẻ điện năng nhưng ký có một bản chúng tôi không được giữ. Công việc trực tiếp làm cho điện lực như chốt số, thu tiền, thay đường dây, thay công tơ, trèo cột... nhiều khi nghĩ cũng bức xúc anh em hợp đồng toàn phải làm việc ở chỗ nguy hiểm, lương thấp, chế độ bảo hiểm không có, thậm chí bảo hiểm thân thể cũng không có".

Để hiểu rõ bản chất của sự việc, PV đã liên hệ với luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn Luật sư TP.HCM, qua việc nghiên cứu Hợp đồng dịch vụ bán lẻ điện năng giữa Điện lực Kim Bôi và anh Bùi Văn Lộc, luật sư Bình cho biết: "Đây là một dạng hợp đồng lao động chứ không phải là Hợp đồng dịch vụ bán lẻ điện năng. Bởi lẽ, hoạt động điện lực là hoạt động của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực, phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện lực, bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực và những hoạt động khác có liên quan. Bán lẻ điện là bán lẻ điện chứ không có cái gọi là dịch vụ bán lẻ điện.

Luật Điện lực hiện hành cũng định nghĩa rõ, bán lẻ điện là hoạt động bán điện của đơn vị điện lực cho khách hàng sử dụng điện. Khách hàng sử dụng điện là tổ chức, cá nhân mua điện để sử dụng, không bán lại cho tổ chức, cá nhân khác.

Như vậy, có thể nhận thấy rõ trong trường hợp này, anh Bùi Văn Lộc không phải là người mua điện để sử dụng, anh Lộc cũng không phải là người bán điện lại cho các tổ chức, cá nhân khác bởi nếu anh bán thì chính anh phải là người xuất hóa đơn cho khách hàng sử dụng điện và chứ không phải là Điện lực Kim Bôi cũng như thu nhập của anh là từ hoạt động bán điện này. Trong hợp đồng này, chúng ta không hề thấy bất cứ hoạt động "bán điện" nào giữa bên mua và bên bán mà cụ thể là bên bán Điện lực Kim Bôi cho bên mua là anh Lộc”.

img
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng VPLS Tinh thông luật, Đoàn Luật sư TP.HCM

“Như vậy có thể nhận định, Hợp đồng dịch vụ bán lẻ điện là giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo (Điều 124 BLDS 2015) nhằm che giấu một giao dịch khác, đó là mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Che giấu việc người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm cũng như phải bồi thường các thiệt hại cho khách hàng, cho người lao động.

Theo Bộ luật dân sự, giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan. Trong trường hợp này giữa anh Lộc và Điện lực Kim Bôi có mối quan hệ lao động. Việc anh Lộc bị điện giật là một tai nạn lao động do đó Điện lực Kim Bôi phải có trách nhiệm giải quyết.

Về vấn đề này thì Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động. Do vậy, nếu Điện lực Kim Bôi từ chối trách nhiệm thì gia đình có thể yêu cầu Tòa án giải quyết để bảo đảm quyền lợi”, luật sư Bình khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.