Đã 4 ngày sau khi xảy ra sự cố xe container đâm sập dầm cầu vượt đi bộ trên Xa lộ Hà Nội, cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra nguyên nhân chính thức. Hiện tại, Công an Q. Thủ Đức (TP.HCM) đã vào cuộc điều tra làm rõ theo quy định pháp luật...
Chiều 16/11, PV Báo Giao thông đã quay trở lại hiện trường vụ xe container va chạm kéo sập dầm cầu bộ hành trước cổng Suối Tiên thuộc phường Linh Trung (quận Thủ Đức). Theo quan sát, tại hiện trường vẫn còn nhiều cán bộ thuộc các đơn vị tư vấn cùng thiết bị máy móc làm việc khảo sát đo đạc để xác định các thông số kỹ thuật về mặt đường và cao độ của cầu vượt đang thi công.
Tại đây, thùng container sau khi được cơ quan công an khám nghiệm xong hiện trường đã được trùm bạt đặt cách chân cầu vượt hiện hữu khoảng 10m. Để tiếp tục tìm hiểu và giải đáp dư luận về nguyên nhân vụ tai nạn, chúng tôi đã dùng thước dây (dùng trong xây dựng) để đo chiều cao thùng container này.
Chúng tôi đã tiến hành đo phần đuôi thùng container, kéo thước đo từ chốt khóa thùng đến chốt gù gắn vào rơ-moóc. Kết quả cho thấy chiều dài đo được dao động từ 2,7 - 2,8m. Dĩ nhiên đây là kết quả không thể chính xác hoàn toàn do phần giữa thùng container bị bẹp dúm, biến dạng sau khi thanh dầm nặng hàng chục tấn đè vào.
Tuy vậy, thông số mà PV Báo Giao thông đo đạc khá khớp với thông số mà cơ quan chức năng đã đo. Nguồn tin của Báo Giao thông cho biết, sau khi xảy ra sự cố, cơ quan chức năng đã đo đạc chiều cao của chiếc xe container, theo đó thùng container có chiều cao 2,896m.
Chiếc sơ-mi rơ-moóc biển số 51R-23262, có điểm cao nhất đầu rơ-moóc đo từ mặt đất là 1,67m; điểm cao nhất phía đuôi rơ-móc từ mặt đất lên là 1,37m. Như vậy, tổng chiều cao của sơ-mi rơ-moóc và cả thùng container ở phía đầu rơ móc là 4,566m, còn phía đuôi là 4,256m.
Nguồn tin của Báo Giao thông cũng cho biết, số liệu đo của cơ quan chức năng sau khi xảy ra sự cố, chiều cao từ mặt đường lên đáy dầm điểm cao nhất là 4,45m.
Như vậy đã rõ. Tĩnh không của cầu chỉ cao 4,45m, chiều cao của xe container chở theo rơ-moóc cao 4,566m. Vì vậy, khi xe đi qua cầu đã dẫn đến va chạm khiến dầm cầu bị rơi.
Theo thông tin tư vấn từ một cán bộ đăng kiểm ở TP.HCM, theo tiêu chuẩn quy định một xe sơ-mi rơ-moóc thông thường có chiều từ dưới bánh xe lên khung rơ-moóc tối đa tổng thể là 1,530m.
Đối với thùng container 40 feet theo tiêu chuẩn loại phổ thông có chiều cao 2,6m. Loại này hiện chiếm khoảng 80% thị trường Việt Nam. Có một số loại có thể đạt chiều cao đạt 2,895m, loại này chiếm khoảng 20% thị trường. Cộng cả thùng container và rơ móc theo tiêu chuẩn đạt khoảng 4,126m, xê dịch có thể cao đến 4,3m.
Khi được hỏi về khả năng thùng container có thể độ chế cao thêm hay không, vị cán bộ này cho hay: “Khả năng này rất khó nhưng không ngoại trừ. Cũng có trường hợp chủ hàng hoặc chủ xe chở hàng rời can thiệp kỹ thuật để nâng độ cao của thùng nhưng cũng rất khó xảy ra việc này!?”, vị này nói.
Vị trí cầu mới ở hướng dốc đường
Theo thiết kế, chiều cao tĩnh không của cầu vượt đi bộ là 4,75m, nhưng thực tế chỉ đạt 4,45m. Ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Xa lộ Hà Nội, khẳng định Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc thi công cầu vượt đi bộ Suối Tiên làm đúng thiết kế.
Ông Nam cũng cho biết, cầu vượt bộ hành này trước đây được thiết kế ở một vị trí khác, trong đó, đơn vị thiết kế là Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam đã có thiết kế chi tiết và được Sở GTVT phê duyệt.
Trong quá trình xây dựng, do vị trí cầu nằm trước nhà dân, nên UBND quận Thủ Đức đã yêu cầu dời vị trí cầu này dịch đi hơn 8,95m về hướng Đồng Nai. Vị trí mới được dịch chuyển này nằm theo hướng đi lên dốc đường.
Đơn vị tư vấn thiết kế đã làm lại hồ sơ thiết kế nhưng không biết có cập nhật yếu tố này để nâng tĩnh không cầu lên không. Bởi khi đường đi lên dốc thì tĩnh không cầu sẽ bị thu hẹp. Hồ sơ thiết kế này cũng đã được Sở GTVT thẩm định phê duyệt.
Thêm vào đó, tuyến đường song hành Xa lộ Hà Nội được Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 thi công và hoàn thành bàn giao từ năm 2016. Nguồn tin này cũng cho biết, cao độ hoàn công của đường song hành này cao hơn thiết kế. Cộng cả 2 yếu tố đó vào khiến tĩnh không của cầu bị giảm đi.
Ông Nguyễn Thành Nam cho biết đang nghiêng về giả thiết tĩnh không bị thu hẹp khi đường đi lên dốc, và cao độ mặt đường. “Tuy nhiên các đơn vị đang đo lại cao độ của đường, cầu một cách chính xác. Đồng thời rà soát lại hồ sơ của các hạng mục để có kết luận chính xác nhất”, ông Nam nói.
Trước đó, vào khoảng 4h sáng 13/11, xe đầu kéo 51D-364.34 kéo rơ-moóc biển số 51R-232.62 chở container do tài xế Phan Quang Hưng (35 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) điều khiển lưu thông trên quốc lộ 1, hướng từ Đồng Nai về TP.HCM. Khi xe container đi đến trước trụ điện số 65/13 quốc lộ 1 (khu phố 6, phường Linh Trung, Q.Thủ Đức) thùng container va chạm khiến dầm cầu vượt đi bộ Suối Tiên bị rớt xuống.
Thanh dầm này đã được đơn vị thi công gác hoàn thành vào lúc 1h sáng, các xe sau đó chạy qua bên dưới bình thường. Vụ va chạm làm hư hỏng hai dầm cầu, trong đó có một dầm cầu sập xuống đè trúng thùng container và rất may không xảy ra thiệt hại về người.
Sở GTVT TP.HCM cho biết trong tuần tới sẽ có kết luận chính thức về nguyên nhân sự cố này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận