Trao đổi với PV, anh Lê Hữu Hiếu (SN 1992, quê TP.Huế, Thừa Thiên-Huế), tài xế điều khiển xe tải 75C-096.23 xác nhận: trong ngày 17/5 đã gửi đơn khiếu nại và yêu cầu xử lý vụ việc công an đánh người gây thương tích lên Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh, Viện KSND, cùng các cơ quan chức năng, báo chí về vụ việc.
Trong đơn, anh Hiếu tiếp tục tường trình việc bị nhóm người mặc sắc phục CSGT đánh đấm vào người ở phía sau xe khi đưa xe về dừng trước khu vực cổng trạm CSGT. “Người thì đấm, người thì đá, sau đó 2, 3 người đè tôi để cho một người tên M. dùng mũi giày đạp liên tiếp vào ngực bên trái của tôi. Một người khác thì đạp lên vùng bụng bên phải… Quá hoảng loạn và đau đớn, tôi la hét kêu cứu thì nhóm người đó kéo tôi vào trụ sở của Trạm SGT Hải Lăng để tôi nằm giữa nền nhà”, nội dung đơn nêu.
Tài xế Hiếu nhập viện cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 khuya 14/5
Theo anh Hiếu, khi gặp tổ TTKS tôi điện thoại cho chủ xe để hỏi giấy tờ nhưng không được, mãi đến khoảng 17h mới gọi điện được nên đưa xuống cho CSGT. Thời điểm này trời mưa rất to nên tôi có ngồi trong cabin. Lúc sau vì sợ tổ TTKS nói mình chống đối nên tôi có đội mưa đi xuống và ngồi ở phía bên đường rày (giáp QL1, trước trạm CSGT-NV) khoảng 30 phút, chứ không cố tình bỏ đi khỏi hiện trường như thông tin CSGT cung cấp.
“Tôi có sai thì sẽ chịu pháp luật xử lý. CSGT quy kết tôi không chấp hành hiệu lệnh, chống đối và đã lập biên bản, nhưng không hiểu sao lại cố tình đánh tôi đến gãy xương như thế? Ngay cả khi tôi liên tục kêu đau cũng không được hỗ trợ y tế, để mặc ngồi dưới nền nhà”, anh Hiếu kiến nghị.
Trao đổi với PV, Luật sư Duyên Trần (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) cho hay, về nguyên tắc công an có nghĩa vụ phục vụ nhân dân. Nên trước các nhu cầu chính đáng, cần thiết (trong trường hợp này là đề nghị hỗ trợ y tế cho người bị gãy, rạn xương sườn) không chỉ là tinh thần, thái độ, trách nhiệm của lực lượng chức năng mà cả những người khác có mặt ở đó nên đưa tài xế đi cấp cứu kịp thời.
Theo thông tin trên báo chí và nội dung đơn của tài xế Lê Hữu Hiếu, căn cứ quy định pháp luật hiện hành, hành vi đánh người gây thương tích, làm tổn hại đến sức khỏe của người khác (nếu có) là vi phạm pháp luật. Do đó, để xác định cụ thể trách nhiệm pháp lý của người gây thương tích, tài xế xe tải cần trình báo, tố giác hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan điều tra công an có thẩm quyền tại nơi xảy ra hành vi phạm tội.
>>> Video: Hiện trường tài xế ở Trạm CSGT, "tố" bị CSGT đánh (clip do nhà xe cung cấp)
Theo khoản 3 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan công an có thể tiến hành các hoạt động cần thiết để để kiểm tra, xác minh nguồn tin tố giác như thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, lấy lời khai người tố giác, người bị tố giác, người làm chứng; thu thập, trích xuất dữ liệu camera giám sát tại vị trí xảy ra sự việc; giám định thương tích của tài xế xe tải… Đây là các nguồn chứng cứ quan trọng làm cơ sở để xác định có hành vi vi phạm hay không, từ đó cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố hay không khởi tố đối với hành vi vi phạm nêu trên.
Theo Luật sư Duyên Trần, trường hợp nếu xác định được nhóm CSGT đánh tài xế thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể của người khác. Tuỳ theo tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính 5- 8 triệu đồng (Điều 7 Nghị định 144/2022/NĐ-CP) hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích quy định tại Điều 134 hoặc Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 137 Bộ luật hình sự hiện hành, đồng thời phải bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra.
Luật sư Duyên Trần (Đoàn Luật sư Đà Nẵng)
Đối chiếu với thông tư 22/2019/TT-BYT quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, trường hợp tài xế bị tổn thương một xương sườn thì tỷ lệ thương tật là 3-5%. Bên cạnh đó, cần điều tra làm rõ các cán bộ CSGT có đánh người hay không, hành vi đánh người (nếu có) có thuộc một trong những trường hợp luật định như phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ quyền hạn, có tính chất côn đồ… thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này có dấu hiệu Tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Do đó, trong vụ việc này bên cạnh việc xác định chủ thể có hành vi vi phạm còn cần phải làm rõ nguyên nhân của hành vi, mức độ, tính chất và việc có hay không có sự tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật. Đồng thời tài xế xe tải cần yêu cầu cơ quan giám định tiến hành giám định kết quả thương tật cho mình để xác định chính xác mức độ thương tật, làm cơ sở giải quyết vụ án.
“Tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân được pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo 2018. Đồng thời, người tố cáo cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với những gì mình đã tố cáo bằng việc trình bày trung thực về nội dung tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được. Trách nhiệm thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng”, Luật sư Duyên Trần phân tích.
Việc đấu tranh, lập các biên vi phạm kích thước thành thùng, không chấp hành hiệu lệnh cân tải trọng, tạm giữ phương tiện, phạt cả tài xế và chủ xe 75C-096.23 ở sự việc trên cho thấy sự quyết liệt công tác xử lý vi phạm tải trọng, đảm bảo pháp luật giao thông trên địa bàn Quảng Trị trong cao điểm cả nước tăng cường xử lý xe quá tải, cơi nới thành thùng.... Tuy nhiên, thông tin tài xế nhập viện cấp cứu sau khi gặp tổ TTKS Trạm CSGT Hải Lăng này cũng dấy lên dư luận trái chiều, bất thường.
Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Phòng CSGT (Công an Quảng Trị) xác nhận tài xế không chấp hành, không xuất trình giấy tờ và “khóa cửa xe, bỏ đi”, đồng thời phủ nhận việc CSGT đánh người vì “không có bằng chứng”. Thời điểm tài xế làm việc ở Trạm CSGT mang áo phông màu xám bị rách một chỗ, trên cơ thể không có dấu hiệu bị thương.
Trong một diễn biến khác, phía chủ xe 75C-096.23 cung cấp thêm nhiều tư liệu, clip hiện trường cho thấy tài xế Hiếu ngồi dưới nền nhà, liên tục kêu đau và chỉ về phía các “sếp” (CSGT, đang ngồi trên bàn ghi biên bản) để đối chất chuyện bị đánh, nhưng không ai có biểu hiện bác bỏ. Nhiều CSGT đẩy phía người nhà, chủ xe ra khỏi trụ sở CSGT, ngăn ghi hình, không đồng ý hỗ trợ y tế (gọi xe cấp cứu)… không có trong thông tin, báo cáo từ phía CSGT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận