Chủ toạ cho biết đã bố trí bác sĩ sản nhi để hỗ trợ bị cáo Bùi Thị Kim Loan khi cần và cho phép được về phòng riêng. |
Sáng nay (8/5), TAND TP.HCM bắt đầu xét xử vụ Hứa Thị Phấn và đồng phạm trong vụ rút ruột, sử dụng và gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín (Trustbank) hơn 6.300 tỷ đồng.
Trong phần kiểm tra tư cách bị cáo, những người liên quan, ngoài bị cáo Hứa Thị Phấn không đến tòa vì lí do sức khỏe, đáng chú ý có bị cáo Bùi Thị Kim Loan, kế toán Công ty Phú Mỹ, thư ký của bà Phấn là trợ thủ đắc lực cho bà Phấn đến tòa trễ, trùm khăn kín và bế theo con. Bị cáo Loan khai trước tòa mới sinh con ngày 17/4/2018 (tức được 3 tuần tuổi). Chủ tọa cho biết tòa đã bố trí bác sĩ sản nhi để hỗ trợ bị cáo Loan khi cần và cho phép bị cáo Loan được về phòng riêng.
Đề cập tới trường hợp của bị cáo Bùi Thị Kim Loan, luật sư Lê Công Hoan, đoàn luật sư TP.HCM cho biết, theo quy định tất cả những người có giấy triệu tập của tòa án thì đều phải có mặt. Nếu bản thân bị cáo Loan xét thấy mình không thể đến tòa được thì cần làm đơn xin vắng mặt. Tuy nhiên bị cáo Loan vẫn tự nguyện đến tòa và tòa đã bố trí điều kiện chăm sóc sức khỏe để hỗ trợ bị cáo.
Theo cáo trạng, bị cáo Bùi Thị Kim Loan, sinh năm 1978, kế toán công ty Phú Mỹ, giúp việc cho bị cáo Phấn khai nhận: Theo chỉ đạo của bị cáo Phấn, Loan đến ngân hàng Đại Tín CN Sài Gòn và Lam Giang yêu cầu nhân viên ngân hàng lập 163 chứng từ thu, gồm 86 giấy nộp tiền và 77 phiếu thu.
Cụ thể yêu cầu ngân hàng Đại Tín CN Sài Gòn và Lam Giang lập 86 giấy nộp tiền với tổng số tiền hơn 2.502 tỷ đồng. Trong đó có 28 giấy nộp tiền với tổng số tiền hơn 951 tỷ đồng do Loan trực tiếp ký nộp tiền vào tài khoản của Loan, 5 cá nhân và 1 công ty. 58 giấy nộp tiền còn lại với tổng số tiền hơn 1.550 tỷ đồng do 19 cá nhân khác thuộc nhóm Phú Mỹ ký nộp tiền vào tài khoản của chính các cá nhân này gồm bị cáo Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn, Hồ Hứa Thùy Trang, Hồ Hứa Thùy Anh, Hồ Văn Tân, Huỳnh Thị Xuân Hương, Hứa Thị Bích Hạnh, Hứa Xường, Lâm Hồng Trinh, Lâm Kim Dũng, Ngô Kim Huệ, Ngô Nguyễn Đoan Trang, Ngô Thị Ngân, Nguyễn Kim Thanh, Nguyễn Thị Đoan Trang, Nguyễn Thị Đỗ Anh, Nguyễn Thị Kim Loan, Nguyễn Văn Ngành Và Phạm Hồng Hảo.
Loan cũng yêu cầu ngân hàng Đại Tín CN Sài Gòn và Lam Giang lập 77 phiếu thu với tổng số tiền hơn 1.673 tỷ đồng. Trong đó có 10 phiếu thu hơn 403 tỷ đồng do Loan trực tiếp ký nộp tiền trên phiếu thu, để tất toán gốc 402 tỷ đồng và lãi gần 1,8 tỷ đồng của 7 khoản vay do Loan đứng tên vay cho bị cáo Phấn. 67 phiếu thu còn lại với tổng số tiền hơn 1.269 tỷ đồng do 19 cá nhân khác thuộc nhóm Phú Mỹ. 30 khoản vay của 19 cá nhân này, chủ yếu đứng tên vay cho bị cáo Phấn.
Như vậy bị cáo Loan tổng cộng đã yêu cầu ngân hàng Đại Tín CN Sài Gòn và Lam Giang lập 163 chứng từ thu hơn 4.175 tỷ đồng; Loan khẳng định không nộp hơn 4.175 tỷ đồng bằng tiền mặt thực tế trên 163 chứng từ thu và bảng kê thu như trên. Loan và các cá nhân trên chỉ ký tên trên chứng từ mà không nộp tiền mặt thực tế.
Mặc dù đã có chứng cứ rõ ràng nhưng đến thời điểm hiện tại, Loan vẫn không thừa nhận việc yêu cầu 2 chi nhánh lập và hạch toán khống 163 chứng từ thu. Loan còn chỉ đạo NH chi khống tiền giải ngân của công ty Phương Trang để cấn trừ 163 chứng từ thu khống trên, che giấu hành vi phạm tội, đẩy dư nợ cho công ty Phương Trang với số tiền lên đến hơn 5.200 tỷ đồng gây thiệt hại cho ngân hàng. Đây là lí do vì sao, tại thời điểm khởi tố, dù đang mang bầu con thứ 3 CQĐT buộc phải thay đổi biện pháp ngăn chặn từ “cho tại ngoại” sang bắt tạm giam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận