Chuyện dọc đường

Vụ dâm ô và Khoa Pug: Khi đám đông “cả giận mất khôn”

13/04/2019, 06:23

Đó là khi đám đông giận giữ trở nên mất kiểm soát, ảo tưởng sức mạnh song lại vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết pháp luật...

img
Nhà của ông Nguyễn Hữu Linh bị bôi bẩn

Tuần qua, cộng đồng được chứng kiến những cơn cuồng nộ của đám đông liên quan đến hai vụ việc: Nguyên Phó viện trưởng VKSND Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh dính nghi án dâm ô bé gái trong thang máy ở TP HCM và Khoa Pug - một gương mặt khá nổi tiếng trên mạng xã hội - tố resort cao cấp Aroma ở Phan Thiết “lừa tiền phòng” rồi “gọi bảo vệ lại đánh” anh này.

Dù là hai vụ việc hoàn toàn khác nhau, kể cả về tính chất, mức độ, nhưng có chung một mặt trái: Đám đông giận giữ trở nên mất kiểm soát, dồn dập tấn công những người vô can, vô tội!

Đó là gia đình, người thân của ông Nguyễn Hữu Linh. Đám đông từ việc kéo tới cổng căn nhà của ông này “check-in”, chụp ảnh, gán ghép đủ hình ảnh thiếu văn hóa, sử dụng câu chữ tục tĩu, đến xịt sơn viết lên cánh cổng những thông điệp nhục mạ, thậm chí đổ chất bẩn vào nhà…

Tôi tin rằng, người thân của ông Linh, đặc biệt là người vợ hẳn đã đủ đau đớn, tủi nhục vì người chồng đầu gối tay ấp của mình bỗng dưng “giở chứng”. Và nỗi đau ấy một lần nữa nhân lên trước “đòn oan” trừng phạt của cộng đồng.

Kẻ dâm ô trẻ em phải bị trừng phạt thích đáng, nhưng xin đừng bắt những người thân của họ cũng phải trả giá bằng được! Đừng bám chấp vào những thành ngữ như "đời cha ăn mặn, đời con khát nước", hay “một người làm quan cả họ nhờ"... để biện hộ những hành động "ném đá cho chết" kiểu trung cổ! Một số quan niệm của cha ông không phải là chân lý, nhất là trong thời hiện đại, chúng ta đang cố gắng sống và ứng xử văn minh, thượng tôn pháp luật...

Người vô tội trong vụ “Aroma và Khoa Pug”, đó là những khách sạn, nhà hàng, chuỗi dịch vụ “không may” trùng tên với resort kia. Chưa mổ xẻ đúng, sai của cả Aroma lẫn Khoa Pug, nhưng phản ứng của đám đông trong vụ việc là không thể chấp nhận! Không chỉ chửi bới, nhục mạ, đánh giá 1 sao cho chất lượng dịch vụ của resort Aroma Phan Thiết (dù đại đa số họ chưa một ngày đặt chân tới, trải nghiệm dịch vụ), đám đông hung hăng ấy còn kéo nhau đi “đánh” các khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, trung tâm ngoại ngữ có tên “Aroma”, thậm chí tên na ná cũng bị “dính đòn”. Phong trào “tận diệt Aroma” cũng không dừng ở Phan Thiết, mà còn kéo nhau ra Nha Trang, lên Sapa, thậm chí sang cả… Nhật Bản!

Cực kỳ vô lý nữa là khi TripAdvisor - ứng dụng chuyên đánh giá các dịch vụ liên quan đến du lịch quyết định khóa bình luận, bình chọn liên quan đến Aroma do nhận thấy có dấu hiệu bất thường, đám đông lập tức chuyển hướng tấn công TripAdvisor bằng cách ồ ạt bình chọn 1 sao cho ứng dụng này trên kho ứng dụng của Apple.

Tôi hoàn toàn ủng hộ việc lên án, phản kháng với cái sai, cái ác. Trong không ít vụ như vụ hiếp dâm bé gái 9 tuổi ở Hà Nội mới đây, tiếng nói của cộng đồng mạng đã góp phần gây sức ép khiến cơ quan điều tra phải khởi tố, bắt giam tên “yêu râu xanh”.

Tôi cũng chia sẻ sự bức xúc, giận dữ của cộng đồng với vụ dâm ô bé gái trong thang máy, nhất là khi thủ phạm lại từng là lãnh đạo một cơ quan bảo vệ pháp luật.

Song, một người từ mục tiêu phản kháng sai trái, rất dễ trở nên hành động sai trái, khi sự giận dữ trở nên mất kiểm soát, khi a dua theo đám đông, ảo tưởng sức mạnh song lại vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết pháp luật. Hành động của đám đông trong hai trường hợp nói trên là ví dụ điển hình.

Người làm kinh doanh đều thấm thía hành trình xây dựng thương hiệu phải mất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Ấy vậy mà một loạt doanh nghiệp trong và ngoài nước đột nhiên bị thiệt hại lớn do bị đánh tụt xếp hạng bởi một đám đông chưa từng trải nghiệm dịch vụ. Đây rõ ràng là một hành vi phá hoại, xuất phát từ suy nghĩ, nhận thức, hành động bột phát, bốc đồng trong khi hành lang pháp lý còn lỏng lẻo.

Review sản phẩm, dịch vụ là một kênh thông tin khá hữu ích, giúp người chưa trải nghiệm dịch vụ có thể rút tỉa gì đó cho mình để có thể tối ưu hóa sự lựa chọn. Nhưng người tiêu dùng thông mình cũng cần tỉnh táo, coi các review chỉ mang tính chất tham khảo, tránh để cuốn theo phong trào, nhất là của một đám đông thiếu lý trí, thừa sự giận dữ. Chưa kể không loại trừ, có trường hợp đám đông đã bị kích động, lợi dụng để triệt hạ đối thủ khi cần.

Trong những vụ việc như thế này, các “bị hại” hoàn toàn có thể kiện ra tòa, nếu chứng minh được thiệt hại. Trên cơ sở đó, cơ quan bảo vệ pháp luật cần điều tra, xử lý vi phạm, để bớt đi những trường hợp vô cớ bị đòn oan bởi cơn “cả giận mất khôn” của đám đông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.