Ngày 23/2, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức toạ đàm: "Bài học kinh nghiệm rút ra từ đấu giá đất Thủ Thiêm và những khuyến nghị về thể chế".
Cần thẩm định năng lực đơn vị tham gia đấu giá và tăng chế tài xử phạt nhằm hạn chế bỏ cọc
Các chuyên gia chia sẻ cuộc đấu giá vừa qua không thất bại về mặt tài chính vì TP.HCM không mất đất mà còn được tiền cọc; nhưng thất bại về thị trường vì gây ra xáo trộn về giá đất. Thực tế sau mức đấu giá "khủng" lô đất tại Thủ Thiêm, toàn thị trường bất động sản TP.HCM "đứng im" vì người bán và người mua đều sợ lỗ.
Chuyên gia cũng cho rằng, vụ việc làm mất đi tính nghiêm trang của buổi đấu giá, giảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư của TP.HCM khi giá đất bị đẩy lên cao.
Cũng tại toạ đàm, các chuyên gia tại tọa đàm đều thống nhất 2 giải pháp mà thành phố cần làm là thẩm định năng lực người tham gia đấu giá và tăng chế tài xử phạt nhằm hạn chế bỏ cọc. Ngoài ra các chuyên gia đề nghị bổ sung các quy định về đấu giá.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hoài (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) đề nghị bổ sung quy định để đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư trong việc đấu giá, cũng như triển khai thực hiện dự án trên cơ sở thu thập thông tin minh bạch, độc lập về nhà đầu tư.
Đồng thời, cần yêu cầu nhà đầu tư ký quỹ căn cứ giá thị trường của khu đất, dự án chứ không phải theo giá tham chiếu. "Về hình thức đấu giá nên là trực tiếp, công khai trước công chúng, để công chúng giám sát, hạn chế được việc nhà đầu tư bỏ cọc, chơi chiêu, làm giá…", ông Hoài kiến nghị.
Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cuộc đấu giá là thất bại không mong muốn của TP.HCM. Trong khi đó, doanh nghiệp tham gia đấu giá trên bề mặt là "lỗ", nhưng nhìn sâu xa có thể thu lời từ việc đánh bóng giá trị thương hiệu, đánh bóng cổ phiếu được hưởng lợi trong kỳ mua đất hoặc phát hành trái phiếu để huy động vốn xã hội. Ông Châu gọi đây là hành động "móc tiền túi của dân" thông qua ngân hàng.
Ngoài những mất mát, cái được của chính quyền sau vụ việc này là nhìn ra lỗ hổng trong hệ thống pháp luật.
Cũng theo ông Châu, luật đấu giá hiện hành chưa phân biệt tài sản đấu giá mà áp dụng chung cho đấu giá lô xe vi phạm, bình gốm cổ, bức tranh quý, căn hộ, đất dự án, đất công...
Ông Châu cho rằng cần phân loại tài sản riêng lẻ với tài sản (đất đai) có quy mô lớn, giá trị lớn để tổ chức đấu giá cho phù hợp. Đồng thời, cần bổ sung quy định đánh giá chặt chẽ năng lực của nhà đầu tư tham gia đấu giá.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận