Hỏi - Đáp

Vụ diễn viên lộ clip "nóng": Khi nào công an được giữ điện thoại của dân?

31/05/2021, 16:50

Các luật sư cho biết, việc giữ điện thoại của công dân thì phải có căn cứ chứng minh điện thoại đó là công cụ phạm tội hoặc vi phạm hành chính.

img

Dư luận xôn xao trước clip "nóng" của diễn viên A.T. với bạn trai bị lan truyền trên mạng internet

Vừa qua, dư luận xôn xao khi clip "nóng" của diễn viên A.T. (trú tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) với bạn trai được lan truyền trên mạng internet.

Trao đổi với với báo chí, A.T. cho biết, 2 ngày trước khi đoạn clip "nóng" xuất hiện trên mạng, cô cùng nhóm bạn tụ tập tại nhà sau đó bị công an mời về trụ sở rồi giữ điện thoại và yêu cầu cung cấp mật khẩu.

Hiện tại lực lượng chức năng đang vào cuộc để làm rõ đối tượng nào đã phát tán clip "nóng" của diễn viên A.T. với bạn trai. Đồng thời, thông tin Công an phường thu giữ điện thoại của nữ diễn viên trước thời điểm clip bị phát tán cũng đang được điều tra, làm rõ.

Về băn khoăn của dư luận: "Khi nào thì lực lượng chức năng, đặc biệt là công an được thu giữ điện thoại của người dân? Và việc thu giữ này được thực hiện theo trình tự như thế nào?", trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, điện thoại thuộc sở hữu của cá nhân, là nơi lưu trữ thông tin cá nhân, bí mật riêng tư.

Theo quy định tại Điều 38 Bộ luật dân sự 2015, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ

"Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Cá nhân có toàn quyền bảo vệ thông tin riêng tư được lưu trữ trong điện thoại khỏi sự xâm phạm của cá nhân, tổ chức khác. Tuy nhiên, quyền này sẽ bị hạn chế trong một số trường hợp, trong đó có trường hợp bị cơ quan có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra điện thoại", luật sư Bình nói.

img

Luật sư Diệp Năng Bình

Tuy nhiên, luật sư Bình cho biết, trên thực tế, không phải lực lượng công an nào cũng có thẩm quyền kiểm tra điện thoại. Theo quy định của pháp luật, có hai lực lượng chính thực hiện nhiệm vụ kiểm tra điện thoại. Thứ nhất là lực lượng công an điều tra, quy định tại Khoản 1 Điều 197 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Thứ hai là lực lượng công an có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

"Theo Điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, việc khám xét đồ vật, dữ liệu điện tử chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án", luật sư Bình nói và cho biết, mọi trường hợp khám xét đều phải lập thành biên bản theo quy định của pháp luật, giao cho chủ sở hữu đồ vật và đưa vào hồ sơ vụ án.

Còn đối với sự việc hành chính thì Khoản 3 Điều 128 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định Trưởng Công an phường, Trưởng công an cấp huyện được khám đồ vật theo thủ tục hành chính khi có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì tang vật vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy.

"Khi tiến hành khám đồ vật phải có sự có mặt của chủ sở hữu đồ vật đó; trong trường hợp chủ phương tiện, đồ vật hoặc người điều khiển phương tiện vắng mặt thì phải có 2 người chứng kiến. Mọi trường hợp khám đồ vật phải được lập thành biên bản và giao cho chủ đồ vật 1 bản", luật sư Bình nói.

Từ những phân tích trên, luật sư Diệp Năng Bình khẳng định, công an có quyền kiểm tra điện thoại của cá nhân trong trường hợp có căn cứ cho rằng điện thoại đó có chứa thông tin liên quan đến vụ án hình sự đang được cơ quan công an điều tra hoặc điện thoại đó được dùng để vi phạm hành chính.

Mọi trường hợp bị yêu cầu kiểm tra phải được lập thành văn bản và có yêu cầu của cơ quan cấp trên có thẩm quyền ra quyết định kiểm tra, khám xét.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.