Thứ trưởng Lê Đình Thọ vừa ký Công văn giao Tổng cục Đường bộ VN phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu do Sở GTVT làm chủ đầu tư trong năm 2021.
Đồng thời, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN đôn đốc, chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ (QLĐB) và Sở GTVT được giao quản lý quốc lộ thực hiện đúng quy định của pháp luật về tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với công tác bảo trì hệ thống quốc lộ.
Kết quả kiểm tra báo cáo về Bộ GTVT trong tháng 12/2021- công văn nêu rõ.
Đoạn tuyến Km 3+200- Km 3+350 trên QL14D vừa hoàn thành sửa chữa nền, mặt đường nhưng không đảm bảo bằng phẳng mặt đường, đọng nước... (ảnh hiện trường cuối tháng 11/2021, PV phản ánh lên Sở GTVT Quảng Nam nhưng chưa được hồi đáp)
Trước đó, Bộ GTVT nhận được báo cáo của Sở GTVT Quảng Nam gửi UBND tỉnh Quảng Nam và Báo Giao thông về các nội dung phản ánh công tác lựa chọn nhà thầu và chất lượng một số công trình thi công xây lắp sửa chữa các công trình giao thông do Sở GTVT Quảng Nam làm chủ đầu tư (trong đó có một số công trình trên quốc lộ được Tổng cục Đường bộ VN giao Sở GTVT Quảng Nam quản lý).
Trao đổi vấn đề này, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Xuân Cường cho biết, Tổng cục vừa có văn bản gửi Sở GTVT Quảng Nam, Cục QLĐB III báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu và chất lượng bảo trì công trình các đoạn tuyến quốc lộ được Tổng cục Đường bộ VN ủy quyền quản lý.
Theo đó, Tổng cục Đường bộ VN yêu cầu Sở GTVT Quảng Nam (chủ đầu tư các công trình sửa chữa định kỳ) làm rõ các nội dung được Báo Giao thông điện tử phản ánh về chất lượng một số công trình thi công xây lắp phát sinh hư hỏng, bong bật; chuẩn bị hồ sơ tài liệu và tổng hợp kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu xây lắp công trình năm 2021 trên các đoạn tuyến quốc lộ được Tổng cục Đường bộ VN ủy thác quản lý.
"Trong đó lưu ý làm rõ về chất lượng bảo dưỡng thường xuyên và chất lượng sửa chữa định kỳ", công văn nêu rõ.
Đồng thời, Tổng cục Đường bộ VN giao Cục QLĐB III (Tổng cục Đường bộ VN) chủ trì, phối hợp các đơn vị chức năng kiểm tra công tác lựa chọn nhà thầu và chất lượng một số công trình thi công xây lắp theo phản ánh của Báo Giao thông trong thời gian qua. Báo cáo kết quả về Tổng cục Đường bộ VN trước ngày 30/12 tới.
Theo báo cáo của Sở GTVT Quảng Nam, đơn vị được UBND tỉnh giao quản lý 25 tuyến đường ĐT, chiều dài hơn 500km và 13 tuyến đường thủy nội địa. Tổng cục Đường bộ VN ủy quyền quản lý, bảo trì 6 tuyến quốc lộ với chiều dài hơn 420km. Nguồn vốn bảo trì kết cấu hạ tầng trong năm 2021 hơn 250 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách địa phương hơn 80 tỷ đồng, còn lại gần 170 tỷ đồng vốn bảo trì trung ương.
Đáng nói, theo tìm hiểu của PV, trong 33 gói thầu do Sở GTVT Quảng Nam làm chủ đầu tư được đấu thầu qua mạng năm 2021 đến nay đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu, thi công 32 công trình.
Nhưng trong số này có đến 31 gói thầu chỉ có 1 "nhà thầu độc diễn" (Báo Giao thông vừa có loạt bài phản ánh), với tỷ lệ tiết kiệm siêu nhỏ cho ngân sách nhà nước, chưa đáp ứng được mục tiêu của đấu thầu qua mạng (tiết kiệm ngân sách, thời gian...).
Đá mi bị bong bật khỏi mặt đường, để lại các vệt ổ gà lỗ chỗ trên QL14D
Tại buổi làm việc với các cơ quan truyền thông, báo chí, ông Võ Công Phúc, Trưởng phòng quản lý và kết cấu hạ tầng (Sở GTVT Quảng Nam) thừa nhận "bức tranh đầu thấu của Sở đang có màu tối".
Nhưng theo Báo cáo mới đây gửi Bộ GTVT, các đơn vị chức năng, Sở GTVT Quảng Nam cho rằng, kết quả lựa chọn nhà thầu này đúng quy định, quy trình của pháp luật về đấu thầu.
Việc tỷ lệ giảm giá dự thầu thấp hay cao của doanh nghiệp không thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và bên mời thầu.
Các nhà thầu có toàn quyền quyết định về giá dự thầu. Họ giảm giá nhiều hay ít phuộc thuộc vào nhiều yếu tố như tính chất kỹ thuật công trình, thế mạnh về thiết bị, khả năng huy động thiếu bị, nguồn vật liệu, nhân công, mục tiêu kinh doanh, các yếu tố rủi ro...
Dưới góc độ chuyên môn, Sở GTVT Quảng Nam nhận định, việc nhà thầu "độc diễn", các gói thầu do Sở này làm chủ đầu tư có ít nhà thầu tham dự vì thị trường vật liệu xây dựng biến động lớn về giá; tình hình dịch bệnh phức tạp; các công trình sửa chữa, bảo trì đường bộ có quy mô nhỏ với giá gói thầu chỉ từ 1 tỷ đến 14 tỷ đồng, nhưng có yêu cầu kỹ thuật tương đối cao nên rất khó thực hiện; công trình sửa chữa, bảo trì đường bộ triển khai thi công trên tuyến đường đang khai thác nên yêu cầu nhà thầu phải có kinh nghiệm, tổ chức thi công và đảm bảo giao thông nên phát sinh chi phí...
Về hiện tượng các đơn vị trúng thầu chủ yếu là nhà thầu Quảng Nam, thậm chí có đơn vị liên tiếp trúng 3-5 gói thầu, Sở GTVT Quảng Nam cho rằng, đơn giá nhân công trên địa bàn tỉnh còn thấp. Trong khi đó, giá thuê ngoài thị trường lại cao, nhất là khu vực miền núi; các nhà thầu không có sẵn nguồn nhân lực sẽ khó khăn để huy động nhân công cho gói thầu.
Trao đổi vấn đề này, nhiều chuyên gia, đơn vị kinh nghệm trong đấu thầu cho biết, căn cứ trên bảng thống kê 32 gói thầu đã lựa chọn được nhà thầu của Sở GTVT Quảng Nam cho thấy, sự quan tâm của các đơn vị, nhà thầu khác nhau là có, nhưng điều lạ các đơn vị này đều không cùng tham gia hay "đấu chung" ở bất kỳ gói thầu nào.
Do đó, để tăng hiệu quả, đáp ứng mục tiêu công tác đấu thầu qua mạng, chủ đầu tư và các đơn vị chức năng cần có giải pháp hữu hiệu tăng cường thông tin mời thầu, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm dự thầu, tạo sự cạnh tranh về giá, chất lượng cao nhất cho các gói thầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận