Pháp đình

Vụ đòi đất hy hữu ở Bạc Liêu

16/01/2023, 19:00

Vụ việc đã được Ban Nội chính Tỉnh ủy Bạc Liêu vào cuộc.

Ngày 16/1, ông Lê Kim Sơn (SN 1963, ngụ phường 2, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, ông vừa nhận được văn bản trả lời đơn tố cáo của TAND tỉnh Bạc Liêu.

img

Phần đất tranh chấp liên quan đến vụ án.

Đơn tố cáo này liên quan đến bản án số 191 của TAND TP Bạc Liêu, xét xử vụ tranh chấp đất đai tại phường 2, TP Bạc Liêu. Đây là vụ án “đòi đất ông cố” hy hữu tại tỉnh này.

Theo TAND tỉnh Bạc Liêu, những nội dung ông Sơn không đồng ý với thành viên hội đồng định giá, kết quả định giá đất và các vấn đề khác có liên quan sẽ được HĐXX phúc thẩm của TAND tỉnh này xem xét theo quy định của pháp luật.

Không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất

Theo hồ sơ tố tụng và các văn bản liên quan, vụ án tranh chấp đất đai này có nguyên đơn là ông Nguyễn Thanh Bạch (SN 1953, ngụ Cà Mau, đã qua đời) và bị đơn Lê Kim Sơn.

Vụ việc đã được TAND TP Bạc Liêu xét xử sơ thẩm ngày 3/10/2022 (bản án số 191), gây xôn xao dư luận và Ban Nội chính Tỉnh ủy Bạc Liêu phải vào cuộc để làm rõ sự thật khách quan.

Theo kết luận của Ban Nội chính Tỉnh ủy Bạc Liêu, nguồn gốc đất liên quan đến vụ án là do ông Sơn quản lý, sử dụng ổn định từ năm 1984. Ông Sơn có kê khai nộp thuế sử dụng đất mỗi năm (từ 1992 đến nay). Năm 1992, ông Bạch ở trên phần đất khác và không kê khai, không nộp thuế sử dụng đất.

Căn cứ Điều 100, 101, 102 Luật Đất đai năm 2013, ông Sơn đủ điều kiện để Nhà nước công nhận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cụ thể, nguồn gốc khu đất tranh chấp (2.320 m2) là của ông Nguyễn Ngọc Đường (Cả Đường) bỏ hoang, không có người quản lý. Năm 1968, ông Lê Văn Lô (cha ông Sơn) từ Rạch Giá về Bạc Liêu sinh sống, khai hoang khu đất này vào năm 1977.

Sau nhiều năm sử dụng khu đất này, năm 1994, cha mẹ ông Sơn về Cà Mau ở, giao khu đất này cho ông Sơn quản lý đến nay.

Năm 1992, ông Sơn đã kê khai và nộp thuế sử dụng đất hàng năm. Năm 2006, Nhà nước thu hồi 195,5 m2 để thực hiện dự án xây dựng hệ thống cấp thoát nước và vệ sinh môi trường (kênh hở), đã cho trả tiền bồi thường cho ông Sơn.

Năm 2008, ông Sơn làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất thì xảy ra tranh chấp với ông Bạch.

Theo ông Bạch, khu đất tranh chấp là của “ông cố” Nguyễn Ngọc Đường. Tuy nhiên, ông Bạch không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh ông Bạch có mối quan hệ thân tộc với ông Đường.

Ngày 28/2/2011, UBND TP Bạc Liêu ra quyết định số 41, bác đơn của ông Bạch về việc yêu cầu ông Sơn trả diện tích đất 2.848,54 m2 (chưa trừ hành lang kênh hở) vì ông Bạch không có một loại giấy tờ nào để chứng minh phần đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của mình.

Sau khi có quyết số 41 của UBND TP Bạc Liêu, ngày 2/12/2013, ông Sơn có văn bản thỏa thuận cho một doanh nghiệp thuê 2.848 m2 đất, thời hạn 20 năm. Doanh nghiệp này đã trả một lần tiền thuê đất cho ông Sơn là 1,92 tỷ đồng.

Sửa chữa bản án 2 lần

Mặc dù UBND TP Bạc Liêu từng công nhận phần đất tranh chấp là của ông Sơn, nhưng ngày 3/10/2022, TAND TP Bạc Liêu tuyên án cho ông Bạch thắng kiện.

Bản án số 191 cho rằng UBND phường 2 (TP Bạc Liêu) xác định nguồn gốc đất trước năm 1975 thuộc quyền sử dụng của ông bà chủ Đường. Bản án còn ghi ông bà chủ Đường là ông bà của ông Bạch.

“Sau năm 1975, ông Nguyễn Thanh Bạch là người trực tiếp sử dụng đất, đến năm 1992, ông Bạch về Cà Mau sinh sống, để lại đất cho cha vợ là ông Lê Văn Lô ở.

Đến khi ông Lô qua đời thì để lại cho ông Lê Kim Sơn tiếp tục quản lý cho đến nay”, bản án 191 nêu và tuyên buộc ông Sơn giao trả giá trị quyền sử dụng đất cho phía ông Bạch hơn 10,3 tỷ đồng (1 m2 đất giá 5 triệu đồng).

Sau 2 tuần xét xử, TAND TP Bạc Liêu có quyết định sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm lần thứ nhất với nội dung chỉnh ngày tháng và bỏ phần công bồi đắp phần đất tranh chấp. Đến ngày 1/11/2022, TAND TP Bạc Liêu ra quyết định sửa chữa, bổ sung họ tên một trong những người liên quan.

Trao đổi với PV, một luật sư ở TP Cần Thơ khẳng định không có giấy tờ nào chứng minh ông Bạch là cháu ông Chủ Đường.

Không chỉ vậy, ông Chủ Đường đã bỏ hoang đất trước năm 1975 và người sử dụng đất hợp pháp trước khi Luật Đất đai ra đời năm 1993 là ông Sơn.

Một luật sư ở Bạc Liêu cũng cho rằng tòa án cấp sơ thẩm xác định nguồn gốc đất không đúng pháp luật.

Cụ thể là không xác định được quyền của ông Sơn, trong khi ông này đã đăng ký vào sổ mục kê trước khi có Luật Đất đai ra đời vào năm 1993.

“Ông Sơn đã đóng thuế mấy chục năm nay. Vì vậy, về nguồn gốc đất chỉ có cơ quan Nhà nước làm sổ đỏ cho Ngô Kim Sơn. Nhưng vì có tranh chấp, nên cơ quan quản lý đất đai không thể trình ủy ban để làm sổ đỏ cho ông Sơn, mà phải giải quyết qua tòa án.

Khi qua tòa án, luật quy định phải xử đúng nguồn gốc đất đai, bên nào vi phạm thì đã được các cơ quan chức năng xử lý trước theo pháp luật”, vị luật sư chia sẻ.

Theo luật sư này, khi làm kênh hở, UBND TP Bạc Liêu đã bồi thường tiền đất cho ông Sơn. Như vậy, có đủ căn cứ cho rằng các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước đã chấp nhận quyền của ông Sơn, mặc dù chưa có sổ đỏ.

“Thứ hai là phó chủ tịch phường đã ký vào hợp đồng mà ông Sơn cho ông Tường thuê đất.

Vì vậy, những căn cứ này đã xác định đất do ông Sơn quản lý, sử dụng, không thể xác định đất thuộc quyền của ông Bạch. Do đó, bản án sơ thẩm xử không đúng pháp luật”, luật sư nói thêm.

Liên quan vụ việc, Phòng Tài chính - Kế hoạch TP Bạc Liêu đã kiểm điểm việc làm chưa đúng của hai nhân viên liên quan đến việc định giá đất tại khóm 4, phường 2 là bà Lý Thị Diệu Bạch và Nguyễn Thị Kiều Diễm.

Hai người này đã nhận sai sót trong quá trình thẩm định giá và xin rút lại các văn bản đã ký, trong đó có biên bản định giá đất ngày 25/7/2022.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.