Chiều 19/4, trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Nguyễn Doãn Hải, Giám đốc Công ty Luật hợp Danh Nam Việt Luật (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương) cho rằng: Vụ tài xế “điên” ép ngã xe đặc chủng, làm 1 CSGT tử vong ở Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phải chờ giám định sức khỏe xong mới làm tiếp.
Vẫn bị truy cứu nếu người tâm thần bị hạn chế khả năng nhận thức
Luật sư cũng đồng tình với phân tích của một số luật sư TP.HCM về vụ án này. Theo Điều 21 Văn bản hợp nhất (VBHN) Bộ luật hình sự (BLHS) 2017 quy định: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp người bị bệnh tâm thần đều không phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo tinh thần của Điều 21 VBHN BLHS 2017, người bị bệnh tâm thần chỉ được miễn trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh.
Đồng thời, tình trạng bệnh ở mức làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi. Nếu tình trạng bệnh chỉ ở mức làm cho người bệnh hạn chế khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi thì người này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Khi xét xử vụ án, HĐXX sẽ xem xét đây là một tình tiết giảm nhẹ.
Trong vụ việc này, Huỳnh Văn Chủng gây tai nạn dẫn đến chết người và gia đình cho rằng ông Chủng bị tâm thần, thì cơ quan điều tra phải đưa ông Chủng đi giám định pháp y về tâm thần, từ có cơ sở để giải quyết vụ án. Sau khi có kết luận giám định pháp y tâm thần thì sẽ xảy ra hai trường hợp. Nếu ông Chủng bị tâm thần (mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi) cả trước, trong và sau gây án thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho ông Chủng, đồng thời đưa ông này vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh theo quy định tại khoản 1 Điều 49 VBHN BLHS 2017.
Trường hợp thứ hai, nếu ông Chủng được xác định là mắc bệnh sau khi gây án. Trước và trong khi gây án vẫn có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình thì căn cứ kết luận giám định Pháp y và giám định Pháp y tâm thần, cơ quan tiến hành tố tụng có quyền quyết định đưa vào cơ sở điều trị, bắt buộc chữa bệnh, sau khi khỏi bệnh vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự (Khoản 2 Điều 49 VBHN BLHS 2017).
Các trung tâm khám sức khỏe khó phát hiện những trường hợp bị tâm thần dạng nhẹ
Lãnh đạo Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (Sở GTVT TP.HCM) cho biết, bằng lái hạng C do Sở cấp cho ông Huỳnh Văn Chủng là bằng thật. Theo hồ sơ, ông Chủng được cấp bằng lái chuyên nghiệp (hạng từ B2 trở lên) từ năm 1998. Từ đó, đến tháng 11/2018, ông Chủng đã qua hai lần gia hạn, đổi bằng và lên hạng. Bằng lái hạng C của ông Chủng được cấp tháng 11/2018 có thời hạn đến 30/11/2023 (5 năm).
Lần đổi bằng lên hạng C cuối năm 2018, ông Chủng bị quá hạn nên phải khám lại sức khỏe và thi lại lý thuyết. Trích xuất dữ liệu kỳ sát hạch lý thuyết đó có ông Chủng tham dự bình thường. Còn về giấy chứng nhận khám sức khỏe sau khi kiểm tra, có xác nhận của phòng khám đủ tiêu chuẩn quy định thì Sở GTVT chỉ ghi vào hồ sơ, không lưu giữ giấy đó.
Một bác sĩ đang làm việc tại một trung tâm y tế ở TP.HCM cho rằng, việc ông Chủng bị tâm thần (dạng nhẹ) nếu đến các trung tâm khám sức khỏe thì rất khó phát hiện. Trung tâm cũng không có chuyên môn sâu và thiết bị để khám bệnh tâm thần…
Bác sĩ Ngô Thành Phong, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết, sáng 18/4, Bệnh viện đã hội chẩn sức khỏe tài xế Huỳnh Văn Chủng và sẽ đề xuất công an đưa lên Bệnh viện Tâm thần TW2 (ở Biên Hòa, Đồng Nai) tiếp tục theo dõi để biết chính xác bệnh tình.
Theo ông Phong, qua hồ sơ gia đình giao nộp cho công an, Bệnh viện có lưu lại nhưng có một số vấn đề cần xem xét lại bởi sổ điều trị bệnh ngoại trú của Chủng thể hiện việc điều trị kết thúc từ năm 2006, 2007. Ngoài ra gia đình không xuất trình giấy tờ gì thêm. Họ nói sau đó có đi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần TW2 mấy lần nhưng không có giấy tờ.
Theo BS Châu Đức - người trực tiếp thăm khám cho Chủng, từ khi vào bệnh viện Chủng nói liên tục không nghỉ. Gia đình nói 6 tháng nay Chủng không uống thuốc điều trị. Một tuần gần đây có đi khám lấy thuốc uống nhưng uống không đều.
Như Báo Giao thông đưa tin, chiều 17/4, Đại tá Lê Văn Ninh, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đang tạm giữ đối tượng gây TNGT liên hoàn từ tỉnh Đồng Nai qua Bà Rịa - Vũng Tàu, còn ép ngã xe CSGT làm nhiệm vụ khiến một cán bộ bị thương nặng.
Trước đó, vào khoảng 8h30 sáng cùng ngày, tài xế Huỳnh Văn Chủng (43 tuổi, ngụ TP.HCM) điều khiển xe bán tải gây tai nạn liên hoàn với nhiều ô tô trên QL 51 (thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai) nhưng không dừng lại giải quyết.
Khi bị người đi đường chặn lại, Chủng lấy búa và mã tấu trên xe tấn công khiến một người bị thương rồi chạy tốc độ cao về hướng Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nhận được tin báo, lãnh đạo Phòng CSGT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo Đội tuần tra trên QL 51 dùng mô tô truy đuổi, đến gần ngã ba cảng Cái Mép (TX. Phú Mỹ), xe CSGT bị ô tô bán tải của Chủng ép ngã khiến một chiến sĩ CSGT chấn thương nặng và chiến sĩ Cảnh sát cơ động bị trầy xước. Người đàn ông này tiếp tục lái chiếc ô tô bị nổ lốp chạy hơn 10 km thì chết máy.
Tại trụ sở Công an Bà Rịa - Vũng Tàu, tài xế Chủng nói năng lung tung, lực lượng chức năng kiểm tra không phát hiện đối tượng sử dụng ma túy. Tuy nhiên, khi khám xét chiếc xe bán tải, cảnh sát tìm thấy cuốn sổ theo dõi điều trị ngoại trú của Bệnh viện tâm thần TP.HCM.
Chiều tối 17/4, Đại úy CSGT Chu Quang Sáng (35 tuổi) người điều khiển xe đặc chủng bị đối tượng vi phạm ép té xe đã không qua khỏi. Đại úy Sáng bị đa chấn thương, gãy tay, xương sườn, xương chậu, dập phổi, xuất huyết nội... Mặc dù được các bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa hết lòng cứu chữa nhưng do vết thương quá nặng, anh đã qua đời.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận