Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh |
Tại phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13/9, nhiều ĐB cho rằng, vụ Formosa là bài học về việc kiểm soát nhập khẩu công nghệ khi thảo luận dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng, Việt Nam vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2 - 3 thế hệ... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Vì thế, luật cần đưa ra những quy định khắc phục tình trạng không kiểm soát được công nghệ và máy móc, thiết bị nhập khẩu, có thể biến Việt Nam thành một “bãi rác công nghệ”, đẩy lùi sự phát triển của đất nước.
Góp ý kiến, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu thực trạng đất nước ta đang đứng trước thử thách lớn về thực trạng tiếp nhận công nghệ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu. “Điển hình từ vụ Formosa, không những ảnh hưởng đến môi trường, mà thực tế đã cho thấy còn có tác động đến cả tình hình ANTT, đời sống, an sinh và lao động, sản xuất của người dân”, ông Lưu nói và cho rằng, luật cần quy định rõ các điều cấm như lĩnh vực nào, công nghệ nào cấm nhập khẩu, cấm lưu hành ở Việt Nam.
Đồng tình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh, qua vụ Formosa chúng ta phải nghĩ đến công nghệ xử lý môi trường. Từ đó phải đặt ra vấn đề quản lý, kiểm soát công nghệ, vai trò và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước. “Tất cả những gì cụ thể hóa được trong luật thì phải cụ thể hóa”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý và yêu cầu ban soạn thảo phải trả lời được câu hỏi “Luật ra đời có khắc phục được thực trạng Việt Nam đã và đang trở thành "bãi rác công nghệ" hay không?”.
Trước đó, trình bày tờ trình dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, một trong những vấn đề mới là Nhà nước cần dành sự quan tâm đặc biệt đến hệ thống thống kê, giám sát và quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ thay vì các phương thức truyền thống. “Qua vụ Formosa thì hàng loạt vấn đề phải xem xét. Ví dụ Luật Đầu tư chúng ta mở ra và quy định hậu kiểm, Luật Bảo vệ môi trường quy định đánh giá tác động môi trường thì chúng ta phải xem xét lại”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nêu ý kiến.
Kết luận lại nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, các ý kiến thống nhất rằng dự án luật này chưa đáp ứng được những vấn đề đặt ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện để trình xin ý kiến Quốc hội xem xét tại hai kỳ họp chứ không thể vội vàng thông qua.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận