Địa chỉ chữa trị “ma”
Theo ghi nhận của PV, tại địa chỉ số 54/39 đường Phan Chu Trinh (thuộc tổ dân phố 4B, phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng), nhiều người dân địa phương cho hay, khoảng đầu tháng 6 vừa qua, ông Lê Minh Q. (thường trụ tại phường Xuân Phú, TP Huế) đã trả nhà chuyển đi đâu không rõ. Hiện, căn nhà này đã được một gia đình khác thuê lại ở.
Ông Q. đã trả nhà và đi nơi khác.
Trước đây, người dân xung quanh chỉ biết người đàn ông thuê nhà tên Q. và bị tật 2 chân, đi tập tễnh. Ban đầu, người đàn ông này ở cùng với một người phụ nữ khoảng 40 tuổi và 1 bé trai (khoảng 5 - 6 tuổi) đều không rõ lai lịch.
Hàng ngày, cả 3 người này thường xuyên rời nhà từ sáng sớm và trở về nhà khi trời tối và không nói chuyện với bất kì ai trong xóm. Sau khoảng 1 tháng thì người phụ nữ và đứa trẻ không còn lui tới căn nhà trên.
Sau đó, có 1 người phụ nữ đang mang thai đến ở cùng ông Q.. Theo người dân địa phương, thì người này là vợ ông Q. và có thêm vài đứa trẻ đến ở cùng. Khoảng một thời gian sau thì không thấy những người này nữa.
Cũng theo người dân địa phương, do ông Q. sống khép kín và không tiếp xúc với những người dân xung quanh nên người dân cũng không quan tâm đến công việc cũng như cuộc sống của ông này.
“Hàng ngày, căn nhà này, thường xuyên đóng cửa nên người dân không phát hiện những vấn đề bất thường. Mọi việc ở bên trong căn nhà của ông Q., người dân cũng không hề hay biết”, một người dân cho hay.
Người dân địa phương cho hay, ông Q. sống khép kín và không quan hệ với ai. Ảnh: N.H
Theo ông Huỳnh Văn Lợi, Chủ tịch UBND phường Lộc Tiến, căn nhà trên do bà N.T.B. làm chủ, từ đầu tháng giêng năm 2022, bà B. cho ông Q. thuê lại để ở.
Trong thời gian ông Q. thuê ở, Công an phường Lộc Tiến đã 2 lần đến yêu cầu người này thực hiện các quy định đăng ký tạm trú. Tuy nhiên, ông Q. thường xuyên vắng nhà nên chưa thực hiện các quy định đăng ký tạm trú.
Cũng theo ông Lợi, tại căn nhà ông Q. thuê ở không có các hồ sơ, thủ tục đăng ký khám chữa bệnh và không hề gắn bảng hiệu liên quan. Đối với thông tin cháu Ng.L.M.Q. (SN 2019) tử vong do Covid-19 là không có cơ sở.
Địa phương đã xác minh, trong thời gian từ đầu năm 2022 đến nay, không có trường hợp nào mắc Covid-19 hay tử vong do Covid-19 khai báo tại cơ quan y tế hoặc chính quyền địa phương như trên. Mọi thông tin liên quan đến trường hợp cháu Q. tử vong, địa phương đều không nắm được.
Còn nhiều uẩn khúc
Theo anh N.H.N. (SN 1977, trú TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, bố đứa trẻ) cách đây vài năm, anh có quen Lê Minh Q. (SN 1977, trú 11 đường Nguyễn Bính, phường Xuân Phú, TP Huế, tỉnh Thừa thiên - Huế, hiện sống tại tỉnh Lâm Đồng). Thời điểm đó, ông Q. giới thiệu từng chữa khỏi bệnh cho nhiều em nhỏ bị chậm phát triển.
Ông Q. và người phụ nữ mang hũ tro cốt của cháu Q. đến giao cho gia đình. Ảnh: N.H
Đầu năm 2022, con trai anh có dấu hiệu của bệnh chậm phát triển (chậm biết nói và biết đi). Do đó, anh N. liên hệ với ông Quang và người này nói rằng con của anh chắc chắn bị bệnh, cần chữa trị sớm.
Ông Q. khẳng định, trong 2 năm sẽ chữa khỏi bệnh cho bé trai anh nhưng phải đưa đến cơ sở điều trị nội trú ở TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Mức phí chữa bệnh mà gia đình phải trả cho ông Q. là 200 triệu đồng/tháng, ứng trước 600 triệu đồng.
Sau đó, ông Q. cho biết cháu Q. sẽ được điều trị ở khu điều trị nội trú là căn biệt thự độc lập, có bể bơi riêng và ê-kip riêng chăm sóc, bao gồm 1 tài xế riêng, 1 ôtô để chở cháu đi lại, 1 cô chuyên về nấu ăn dinh dưỡng, 1 trợ lý chăm sóc. Bé được bảo vệ an toàn 24/24, kể cả lúc ngủ.
Trong thời gian cháu bé điều trị, gia đình không được tìm gặp con và ông Q. cũng bảo mật luôn nơi mà người này gọi là cơ sở chữa bệnh. Mọi giao dịch giữa gia đình và ông Q. đều diễn ra tại khách sạn hoặc qua mạng xã hội. Ngày 3/3/2022, anh N. giao con trai cho ông Q. chữa trị. Cuộc gặp cũng diễn ra tại một khách sạn ở TP Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Vài ngày sau, ông Q. thông báo cho vợ chồng anh N. là cháu bé bị mắc Covid-19, đang phải điều trị. Tiếp đó, ông thông báo cháu Q. đã khoẻ lại, gia đình chuẩn bị gửi quần áo mới lên vì con lên cân, cần trang phục cỡ lớn hơn.
Thế nhưng, khoảng 11h ngày 27/3/2022, vợ chồng ông Q. ra Huế giao cho vợ chồng anh N. hũ tro cốt, nói là của con trai. Ông Q. cũng xin chịu mọi chi phí lo hậu sự, mai táng cho cháu Q. và xin trả lại cho gia đình ông Nghĩa số tiền 600 triệu đồng đã nhận trước đó.
Từ ngày ông Q. thuê, ngôi nhà thường xuyên đóng của nên hàng xóm không biết bên trong căn nhà diễn ra hoạt động gì. Ảnh: N.H
Để tư nhân điều trị, tiền mất tật mang
Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: “Bé chậm nói, tự kỷ là một dạng của khuyến tật và gọi là hội chứng tự kỷ. Để giúp các bé bị hội chứng trên, mục tiêu của mình hòa nhập thì các bé tiến bộ lên. Những cháu đó phải được can thiệp mới ra hòa nhập được.
Khi các cháu mắc bệnh, phụ huynh có thể đưa vào các trường chuyên biệt hoặc trung tâm để hỗ trợ các cháu. Cụ thể phải có trường có lớp, có kế hoạch, có chương trình để giảng dạy các cháu. Cuộc sống của các cháu đã quá thiệt thòi rồi nhưng đưa vào các cơ sở cá nhân, cơ sở không được cấp phép thì ai quản lý họ”.
“Đưa các cháu vào dạy biệt lập như vậy đâu có được. Cho dù đưa vào môi trường can thiệp cho cháu tích cực, một cô một trò cũng phải có những giờ giao lưu cho cháu. Ở đây, người ta nhốt bé như nhốt tù như vậy đâu có được. Hơn nữa, can thiệp với mức phí vài trăm triệu như vậy thì không biết họ can thiệp với bé kiểu gì”, bà Tuyết nhấn mạnh
Bà Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: N.H
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk, tâm lý của phụ huynh có con bị tự kỷ là muốn cho con nhanh lành bệnh, nhanh trở lại bình thường nên bỏ vài trăm triệu đồng để chữa cho con cũng là điều dễ hiểu. Nhưng hội chứng tự kỷ không phải một bệnh bình thường, không phải cứ bác sĩ cho uống thuốc là khỏi. Điều trị phải có cả một quá trình và có những trường hợp cả đời cũng không thể trở lại bình thường được mà chỉ giảm nhẹ phần nào.
Đối với phụ huynh có con tự kỷ, nên đưa các cháu đến các trung tâm, cơ sở được cấp phép, có uy tín, nơi có chương trình giáo dục bài bản để can thiệp, hỗ trợ cho bé. Ngoài can thiệp, các cơ sở đó còn có tư vấn hỗ trợ cho phụ huynh cách giúp cho các bé cải thiện hơn về nhận thức. Chứ đưa và các cơ sở cá nhân, có thể sẽ làm mất thời gian của bé vì "giai đoạn vàng" là quan trọng”, với gần 25 kinh nghiệm trong môi trường chăm sóc các cháu tự kỷ bà Tuyết khuyên.
Được biết, tại Trung tâm Hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk, một năm có 70 cháu vừa khuyến tật trí tuệ vừa tự kỷ. Quá trình can thiệp, trung tâm luôn có rất nhiều hình thức để các cháu được giao lưu, khuyến khích các cháu tương tác, không biệt lập các cháu. Mục tiêu là giúp các cháu hòa nhập, sẽ tự lập được cuộc sống về sau.
Chiều 12/9, tại Hội nghị giao ban báo chí, Đại tá Đinh Xuân Huy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết Cơ quan điều tra đã tiếp nhận thông tin và tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật về vụ việc 1 cháu bé 3 tuổi ở TP Huế, được gia đình đưa vào chữa bệnh tự kỷ tại TP Bảo Lộc (Lâm Đồng), sau đó gia đình bất ngờ nhận được hũ tro cốt của cháu.
Cũng theo Đại tá Đinh Xuân Huy, hiện nay cơ quan chức năng đã khôi phục việc giải quyết tin báo tố giác. Công an tỉnh Lâm Đồng đang điều tra theo trình tự. Ngày 9/9, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng nhận được mẫu tro cốt cùng mẫu tóc của người mẹ từ gia đình để giám định pháp y, phục vụ công tác điều tra. Đến khi nào có kết luận cuối cùng mới có căn cứ khởi tố hay không khởi tố vụ án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận