Qua nghiên cứu cụ thể các tình tiết trong vụ việc hai PV Báo Giao thông bị hành hung, các luật sư cho rằng hành vi vừa đánh, vừa cướp tài sản của nhóm côn đồ có nhiều tình tiết tăng nặng, bên cạnh tội danh “Cướp tài sản” mà Cơ quan điều tra đã khởi tố, cần thêm tội “Cố ý gây thương tích”.
Nhiều tình tiết tăng nặng
Luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn Luật sư TP Hà Nội). |
Theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự, người nào có hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, dù tỷ lệ thương tật dưới 11%, nhưng thuộc một trong các trường hợp sau: Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; có tổ chức; có tính chất côn đồ; để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích”. Ở đây, những đối tượng trên đã thỏa mãn tất cả những dấu hiệu nêu trên, đặc biệt là việc gây gổ, đánh PV rõ ràng nhằm mục đích cản trở hành vi công vụ của nạn nhân. Do vậy, đủ căn cứ để khởi tố những đối tượng này về tội “Cố ý gây thương tích”.
Trong sự việc cụ thể hai PV Báo Giao thông bị hành hung có nhiều tình tiết tăng nặng như: Cản trở hoạt động công vụ cá nhân, phạm tội nhiều lần, có tính chất nguy hiểm vì cố ý gây thương tích cho nhiều người, cố tình tấn công vào vùng đầu, ngực, là những vùng nhạy cảm nguy hiểm đến tính mạng.
Tù đến 3 năm, phạt đến 30 triệu
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM). |
Qua diễn biến vụ việc, có thể nhận định: Thứ nhất, về xử lý hành chính: Điều 7 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản thì đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên thì cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng. Đối với một trong các hành vi uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên; Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên; Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên thì cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.
Thứ hai, về xử lý hình sự, đối với các hành vi tấn công, hành hung nhà báo đang trong quá trình tác nghiệp mà gây ra thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhà báo với tỷ lệ thương tật từ 11 - 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp như: Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; Có tổ chức… thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận