Luật sư cho rằng muốn xác định rõ trách nhiệm trong việc bổ nhiệm hotgirl Quỳnh Anh thì phải xem xét kỹ các văn bản trong hồ sơ bổ nhiệm |
UBND tỉnh Thanh Hoá vừa thanh tra việc bổ nhiệm, cử đi học và việc kê khai tài sản đối với “hotgirl xứ Thanh” Trần Vũ Quỳnh Anh (SN 1986), nguyên Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Thanh Hóa. Trước đó, một số báo chí đã đưa tin phản ánh về nghi vấn bà Quỳnh Anh được bổ nhiệm thần tốc và sở hữu khối tài sản khủng.
Ngay sau khi tỉnh Thanh Hoá công bố kết luận thanh tra, nhiều ý kiến trong dư luận cũng băn khoăn về việc bản kết luận thanh tra này chưa làm rõ được các nghi vấn mà báo chí và dư luận nêu, cũng chưa chỉ rõ được sai phạm cụ thể của từng cá nhân, tổ chức liên quan, đồng thời đưa ra các biện pháp xử lý sai phạm.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Quốc Việt – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Tâm (Luật Đại Tâm) đã phân tích làm rõ hơn một số băn khoăn này.
Quản lý hồ sơ công chức sai quy định
Về các nội dung công bố về kết luận thanh tra, luật sư Việt cho rằng đã thể hiện đầy đủ các nội dung theo quy định gồm: Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Xây dựng. Đồng thời kết luận về việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo thuộc thẩm quyền của Sở, trong đó nêu được việc Sở đã bổ nhiệm thừa 6 phó phòng, bổ nhiệm một số trưởng phòng, phó phòng chưa có trình độ trung cấp lý luận chính trị.
Đáng lưu ý, kết luận thanh tra cho thấy việc tuyển dụng bà Trần Vũ Quỳnh Anh vào công chức là đúng quy định, nhưng bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh giữ chức phó phòng, trưởng phòng khi chưa đủ tiêu chuẩn là sai; Việc cho bà Trần Vũ Quỳnh Anh nghỉ việc là đúng quy định, nhưng việc quản lý hồ sơ công chức của bà Trần Vũ Quỳnh Anh là không đúng quy định.
Về băn khoăn kết luận thanh tra chưa nêu rõ biện pháp xử lý đối với các nội dung vi phạm, luật sư phân tích: Theo quy định của Chương IX Luật cán bộ công chức và các quy định tại nghị định 34/2011 thì việc xử lý vi phạm đối với cán bộ công chức cần được xem xét (mức độ, hậu quả và thời hiệu) và thực hiện theo các trình tự thủ tục (tổ chức kiểm điểm, thành lập hội đồng kỷ luật) sau khi phát hiện vi phạm. Do đó việc nội dung thông báo kết luận thanh tra chưa có nội dung về biện pháp xử lý cuối cùng – hình thức kỷ luật đến các cá nhân, tổ chức có liên quan đến các vi phạm đã được kết luận là có thể chấp nhận được vì quá trình thanh kiểm tra là khẩn trương và việc công bố kết luận điều tra chỉ sau 6 ngày (không kể ngày nghỉ).
Đồng thời, các vi phạm có liên quan đến nhiều cá nhân và tổ chức (quy trình bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ do nhiều cá nhân tổ chức thuộc nhiều cấp cùng tham gia xem xét quyết định) nên cần xem xét đánh giá một cách thấu đáo đầy đủ để xử lý chính xác. Theo quy định của luật công chức và nghị định 34 thời hạn xử lý kỷ luật tối đa là không quá 2 tháng kể từ ngày phát hiện vi phạm (có kết luận thanh tra).
Luật sư cũng dẫn chứng, theo quy định của Luật cán bộ công chức và Nghị đinh 157 về trách nhiệm của người đứng đầu (theo kết luận thanh tra là giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa giai đoạn 2010-2015), thì hình thức xử lý kỷ luật sẽ phải chịu cao hơn một mức so với những người trong tập thể lãnh đạo Sở. “Tuy nhiên, để đánh giá chính xác trách nhiệm trong quy trình bổ nhiệm đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh cần xem xét thêm các văn bản có trong hồ sơ bổ nhiệm và quy định về thẩm quyền quyết định, phê duyệt quyết định mới có thể đánh giá đúng và xem xét trách nhiệm đối với từng cấp và cá nhân có liên quan” – ông Việt phân tích.
Phải truy rõ trách nhiệm từng cá nhân
Luật sư Nguyễn Quốc Việt cũng đánh giá, trong sự việc này, tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng chỉ đạo thực hiện quá trình thanh kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quy trình thực hiện của cấp dưới ngay khi nắm được thông tin có dấu hiệu vi phạm liên quan đến quy trình tuyển chọn quản lý sử dụng cán bộ và quá trình kết nạp, đào tạo quy hoạch đối với đảng viên là lãnh đạo. Việc thanh tra này được tiến hành trước khi báo chí có thông tin phản ánh về sự việc.
Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hoá |
ĐBQH Lê Thanh Vân - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách, thành viên đoàn giám sát của Quốc hội vừa qua đã trực tiếp làm việc tại tỉnh Thanh Hoá cũng giá cao việc Thanh Hóa kiểm điểm nghiêm túc, có thái độ thẳng thắn về một số dấu hiệu sai phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ tại địa phương, đặc biệt là trường hợp bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở sở Xây dựng.
"Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát, các câu hỏi của thành viên Đoàn giám sát được ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy giải trình một cách cụ thể. Riêng những câu hỏi liên quan đến việc bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh, vị Phó Bí thư Tỉnh ủy cho biết sẽ công bố kết quả thanh tra, kiểm tra vào ngày 30/3 và UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã thực hiện đúng cam kết với Đoàn giám sát của Quốc hội" - ông Vân nói và nhấn mạnh trong việc này cần xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức sai phạm, không để trường hợp tương tự xảy ra.
"Tôi tin Thanh Hóa sẽ xử lý nghiêm minh với vụ việc bổ nhiệm sai phạm bà Trần Vũ Quỳnh Anh, cũng như một số vụ việc khác. Tôi đề nghị Thanh Hóa cần truy rõ trách nhiệm của từng cá nhân, trong đó có người đứng đầu để xảy ra sai phạm" - ông Vân nêu quan điểm.
Để không xảy ra các sự việc sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ tương tự như sự việc bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh, ĐB Lê Thanh Vân cho rằng cần xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ khách quan, minh bạch để rà soát năng lực chuyên môn, năng lực điều hành, phẩm chất đạo đức từng người. Theo đó, tất cả các chức vụ bổ nhiệm phải được thi tuyển sát hạch nghiêm ngặt về trình độ chuyên môn, lý luận, sát hạch vấn đáp; mở rộng thành phần chấm điểm, đưa các tình huống xử lý cụ thể để đánh giá ứng xử…
Trong thi tuyển chức vụ lãnh đạo cần có cạnh tranh, không nhất thiết phải là cán bộ thuộc diện quy hoạch. Ngoài ra, cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Người có thẩm quyền bổ nhiệm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bổ nhiệm. Trách nhiệm liên đới thuộc các cơ quan tham mưu về tổ chức.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận