Vẽ phương án mở rộng sân phơi để khai thác khoáng sản trái phép
Nhằm xác minh thêm thông tin liên quan đến vụ Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang được cấp phép khai thác quặng Barit tại núi Am, khu vực Lăng Cao, xã Cao Xá, huyện Tân Yên, Bắc Giang nhưng đã huy động máy móc, phương tiện múc đất, vận chuyển đi bán, san lấp mặt bằng, PV đã có buổi làm việc với doanh nghiệp.
Máy móc, phương tiện khai thác, vận chuyển đất tại khu vực khai thác hầm lò của Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang.
Theo đó, ông Hà Văn Hòe, Tổng Giám đốc Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang cho biết, Công ty được Bộ TN&MT cấp phép khai thác khoáng sản Barit bằng phương pháp hầm lò tại núi Am từ ngày 11/1/2011, diện tích là 1,1 ha; thời hạn khai thác là 24 năm.
Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn trong công tác nổ mìn, khai thác hầm lò, Công ty đã thuê thêm diện tích xung quanh với tổng diện tích khoảng 3,1 ha tại khu vực này.
Ông Hà Văn Hòe khẳng định: "Chúng tôi không chỉ khai thác hầm lò, không khai thác lộ thiên và vận chuyển đất ra ngoài khu vực mỏ này như phản ánh. Nếu có chuyện này thì có thể là do nhà thầu thi công là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Nguyễn Tuấn (Công ty Nguyễn Tuấn) được chúng tôi ký hợp đồng thuê san gạt mặt bằng tự ý thực hiện".
Cả khu vực khai thác hầm lò rộng lớn đã bị khai thác nham nhở bằng phương pháp lộ thiên.
Cụ thể, ngày 20/8/2021, ông Hà Văn Hòe ký ban hành Quyết định số 195/QĐ-TGĐ về việc phê duyệt phương án san gạt mặt bằng mở rộng sân công nghiệp khu vực núi Am, mỏ Barit Lăng Cao. Theo đó, khối lượng đất đào, đắp là khoảng 40.000 m3.
Sau đó, Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang đã ban hành văn bản số 214/BC-KS, ngày 30/8/2021 gửi đến UBND xã Cao Xá thông báo thời gian san lấp từ ngày 1/9 đến 1/12/2021; tổng diện tích đào đắp, san lấp là 27.715 m2.
Nhiều vị trí từng là cửa lò khai thác quạng Barit nay đã bị múc sâu thành ao chứa nước.
Tuy nhiên, tại Hợp đồng thi công san lấp số 28/2021/HĐNT/KSBG-NT về việc thi công san gạt mặt bằng giữa Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang và Công ty Nguyễn Tuấn lại thể hiện thời gian thi công, thực hiện trong 12 tháng, từ ngày 5/8/2021 đến ngày 5/8/2022.
“Chúng tôi chỉ cho phép đào đất tại chỗ, không được phép vận chuyển ra ngoài. Toàn bộ khối lượng đất, đá khai thác tại đây đều đã được dùng để san lấp diện tích ao dưới chân núi Am. Nếu có việc Công ty Nguyễn Tuấn tự ý vận chuyển đất đi bán là vi phạm hợp đồng, chúng tôi sẽ kiểm tra, xử lý”, ông Hà Văn Hòe thông tin.
Cửa lò khai thác Barit còn sót lại sau khi khai thác lộ thiên.
Trên thực tế, theo người dân địa phương, danh nghĩa là san gạt, mở rộng sân công nghiệp để phơi, nghiền quặng Barit khai thác hầm lò nhưng Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang đã tổ chức khai thác quặng và đất san lấp mặt bằng bằng phương pháp lộ thiên.
Theo đó, toàn bộ khu vực núi Am và hầm lò trước đây đã được múc sâu hàng chục mét, hiện chỉ còn trơ lại đá, toàn bộ quặng Barit và đất đá đào được đều đã được vận chuyển ra khỏi khu vực khai thác.
Một phần diện tích ao cá dưới chân núi Am bị san lấp do gia đình anh Trần Văn Thụ, thôn Ngọc Yên Trong quản lý, sử dụng.
“Quá trình đào núi, múc đất san gạt tại đây chúng tôi gặp nhiều vỉa quặng Barit lớn. Số lượng quặng này được Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang cho người đến phân loại, vận chuyển về công ty để chế biến”, ông Nguyễn Tuấn Dậu, Giám đốc Công ty Nguyễn Tuấn khẳng định.
Rầm rập khai thác, vận chuyển đất
Trước thông tin Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang biện minh việc khai thác đất tại mỏ của mình nhằm san lấp diện tích ao dưới chân núi Am, anh Trần Văn Thụ, thôn Ngọc Yên Trong, xã Cao Xá khẳng định: "Diện tích này được gia đình tôi quản lý, sử dụng nhiều đời nay. Năm 2013, tôi đã đào ao nuôi vịt, thả cá đến nay.
Khoảng 1 tháng trước, tôi có phạt hiện Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang tự ý đổ khoảng 10 xe đất, lấp mất 10 cây bạch đàn và 50 m2 ao nên đã ra ngăn cản, xác định rõ mốc giới thi công. Sau đó, ông Hà Văn Hòe đã nhiều lần đến thương lượng, muốn mua lại diện tích này nhưng gia đình chưa đồng ý".
Núi Am, nơi Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang được cấp phép khai thác quặng Barit bằng phương pháp hầm lò nay chỉ còn trơ đá nham nhở.
“Thực tế, từ năm 2020 đến nay, mỗi ngày họ đều huy động từ 3 đến 5 máy múc công suất lớn và hàng chục ô tô vận chuyển đất ra hướng đường tỉnh 298. Nhiều thời điểm máy móc làm cả ngày lẫn đêm, tiếng xe lên dốc, máy múc ngoạm đất cứ ầm ầm, người dân chúng tôi đã phản ánh đến nhiều nơi nhưng không thấy ai đến kiểm tra, xử lý”, anh Trần Văn Thụ nói.
Sống ngay cạnh điểm mỏ trên, anh Giáp Văn Dũng, thôn Ngọc Yên Trong cho biết: "Hơn 1 năm nay, hầu như ngày nào người dân chúng tôi cũng không được yên thân vì máy móc ô tô cứ khai thác, vận chuyển đất rầm rầm. Nhiều thời điểm người trong nhà nói chuyện mà cứ phải gào lên như cãi nhau, loa ti vi mở hết công suất cũng chỉ nghe thấy tiếng máy múc, ô tô gầm rú, khai thác, vận chuyển đất. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ, có phương án bảo đảm cuộc sống người dân".
Trước đó, ngày 19/11, Báo Giao thông đã đăng tải bài viết: “Được cấp phép khai thác quặng Barit hầm lò nhưng lại đào núi đem đất đi bán”, phản ánh việc Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang được cấp phép khai thác quặng Barit bằng phương pháp hầm lò nhưng doanh nghiệp đã huy động phương tiện khai thác, vận chuyển đất đi bán.
Clip ghi nhận thực tế quá trình khai thác, vận chuyển đất đá tại mo Barit Lăng Cao.
Đại tá Bùi Huy Nam, Trưởng Công an huyện Tân Yên cho biết: "Công an huyện Tân Yên đã nắm được thông tin phản ánh trên và chỉ đạo điều tra, làm rõ. Bước đầu xác định Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang đã tự ý khai thác đất đá trên diện tích rộng vài ha tại núi Am. Hiện, Công an huyện đang lấy lời khai, có văn bản đề nghị Công an tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp cung cấp thông tin liên quan, làm rõ diện tích, khối lượng khoáng sản đã khai thác, vận chuyển ra khỏi khu vực khai thác trên".
Trao đổi với PV, ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng khẳng định UBND tỉnh Bắc Giang đã nắm được thông tin phản ánh của Báo Giao thông, UBND tỉnh Bắc Giang sẽ chỉ đạo Sở TN&MT vào cuộc phối hợp cùng các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận