An ninh hình sự

“Vũ khí” mạnh nhất ngăn người vi phạm tấn công CSGT

10/06/2021, 08:08

CSGT phải hiểu và thực hiện hết quyền hạn của mình mà pháp luật cho phép mới có thể hạn chế được người vi phạm tấn công...

img

Nguyễn Văn Nghị cầm gạch tấn công chiến sĩ Đội CSGT số 7, sau đó bị khống chế, bắt giữ

Liên tiếp các vụ việc người vi phạm giao thông liều lĩnh tấn công CSGT xảy ra gần đây khiến dư luận bức xúc. Theo chuyên gia tội phạm học, CSGT phải hiểu và thực hiện hết quyền hạn của mình mà pháp luật cho phép mới có thể hạn chế được tình trạng này. Pháp luật chính là “vũ khí” mạnh nhất.

Đủ kiểu chống đối, tấn công CSGT

Sáng 20/5, Tổ công tác Đội CSGT số 7, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội gồm Đại úy Bùi Duy Ngọc, Thượng úy Vũ Đình Thanh làm nhiệm vụ tại ngã tư Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến phát hiện xe máy SH BKS 18G1-394.77 do Nguyễn Văn Nghị (SN 1982, trú huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) điều khiển có hành vi vượt đèn đỏ.

Thượng úy Thanh ra hiệu lệnh và yêu cầu Nghị xuống xe, tuy nhiên người này đã phi thẳng xe lên vỉa hè, miệng liên tục chửi bới, lăng mạ Thượng uý Thanh. Khi thấy Đại úy Ngọc đến hỗ trợ đồng đội, Nghị chạy ra nhặt viên gạch lao vào định hành hung hai CSGT. Sau khi bị khống chế, Nghị được test nhanh và kết quả dương tính với ma tuý.

Phải xử lý nghiêm những người có hành vi mượn danh “giám sát CSGT” để ghi hình hoạt động của CSGT, đăng tải lên mạng xã hội với mục đích khiêu khích, giễu cợt, làm xấu hình ảnh lực lượng CAND... Hành vi này cổ vũ cho thái độ bất tuân pháp luật, kích động sự chống đối cơ quan thực thi pháp luật, làm lây lan thói quen, lối hành xử coi thường pháp luật. Hành vi sai trái này được phổ biến thường xuyên, liên tục, được nhiều nhóm xã hội tán thưởng, cổ vũ... sẽ tạo cảm giác hành vi đó là đúng, tạo thành nhận thức lệch lạc rằng việc chống lại CSGT là đương nhiên, cần thiết.
Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu


Đại uý Bùi Duy Ngọc cho biết, thời điểm xảy ra vụ việc, CSGT mới ra hiệu lệnh dừng xe, chưa kịp tiếp xúc thì người vi phạm đã chống đối.

Trước đó, khoảng 20h ngày 8/5, tại khu vực vòng xoay An Sương (TP HCM), CSGT dừng xe máy BKS 52F-6881 do Nguyễn Hồng Tư (48 tuổi, trú quận 12, TP HCM) để kiểm tra.

Kết quả, tài xế này vi phạm nồng độ cồn nên bị lập biên bản, tạm giữ xe máy và các loại giấy tờ liên quan.

Do người vi phạm không ký tên vào biên bản, CSGT đã cho 2 nhân chứng ký tên.

Chỉ nửa tiếng sau, Tư quay lại, dùng dao tấn công, rất may các chiến sĩ tránh được và cùng người dân khống chế, bắt giữ đối tượng.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều các vụ CSGT người vi phạm tấn công xảy ra thời gian gần đây.

Trung tá Phạm Đức Đông, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT (Bộ Công an) bày tỏ lo ngại khi tình trạng chống người thi hành công vụ nói chung, đặc biệt là CSGT ngày càng manh động.

“Có những người xin xỏ bỏ qua vi phạm, khi không được liền quay ra tấn công CSGT. Nhưng cũng có những vụ, CSGT mới ra hiệu lệnh dừng xe, người vi phạm đã lao vào tấn công, dù không có mâu thuẫn hay bức xúc gì với CSGT”, Trung tá Đông nói.

Cách nào bảo vệ CSGT?

img

CSGT cùng người dân khống chế tài xế đi xe máy SH tấn công CSGT

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Hội Luật gia TP HCM, Bộ luật Hình sự đã quy định rất rõ về tội chống người thi hành công vụ.

Theo đó, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật thì tùy vào mức độ hành vi vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.

Hành vi chống người thi hành công vụ nếu gây thương tích hoặc làm chết người, thì bị truy cứu về tội cố ý gây thương tích, tội giết người.

Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) cho rằng, hành vi chống đối CSGT thể hiện sự coi thường pháp luật của người vi phạm.

Để ngăn chặn, cần giải quyết từ cả hai phía là người dân và CSGT. Trong đó, người dân cần được tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật để hiểu biết, nâng cao ý thức, không vi phạm pháp luật.

“Với lực lượng CSGT, “vũ khí” mạnh nhất để trấn áp tội phạm chống người thi hành công vụ chính là luật pháp. CSGT phải hiểu và thực hiện hết quyền hạn của mình mà pháp luật cho phép. Khi CSGT làm nhiệm vụ hiểu rõ các yếu tố cấu thành tội chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng… thì sẽ ngay lập tức nhận diện được hành vi đó đã cấu thành tội gì, để kịp thời có biện pháp trấn áp tương ứng. Tuyệt đối không được đứng im hoặc xử lý lóng ngóng, không dứt khoát…”, ông Hiếu cho hay.

Ngoài ra, ông Hiếu, còn một yếu tố quan trọng khác đến từ chỉ huy các đơn vị CSGT. Để cán bộ, chiến sĩ tự tin và mạnh dạn thực hiện hết các quyền hạn mà pháp luật quy định, người chỉ huy cũng cần phải bản lĩnh, bênh vực cán bộ trong những tình huống cưỡng chế người vi phạm hoặc bị đưa lên mạng xã hội (mà phần đúng thuộc về CSGT).

Bởi thực tế có những chiến sĩ ngại va chạm, không dám mạnh tay trấn áp do sợ bị kỷ luật, phải giải trình, kiểm điểm, ảnh hưởng đến công tác, sự nghiệp…

Theo Trung tá Phạm Đức Đông, để hạn chế các vụ việc chống người thi hành công vụ, Cục CSGT đã chỉ đạo lực lượng CSGT các tỉnh, thành phố đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến người tham gia giao thông để mọi người nâng cao ý thức chấp hành.

Cục cũng sẽ tập huấn để cán bộ, chiến sỹ CSGT phải có nghiệp vụ giỏi, tư thế, tác phong đúng mực, kỹ năng xử lý tình huống đúng pháp luật, ứng xử có văn hóa khi tiếp xúc với nhân dân. Đồng thời, tăng cường áp dụng công nghệ để phạt nguội, sử dụng camera giám sát để ghi lại quá trình làm nhiệm vụ của CSGT để vừa kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, chiến sỹ, vừa ghi lại hình ảnh chống đối của người vi phạm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.