Thế giới giao thông

Vụ máy bay mất tích, lộ lỗ hổng an ninh hàng không

13/03/2014, 11:14

Chuyến bay số hiệu MH370 của Malaysia mất tích một cách bí ẩn khiến hàng không khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đặt trước những vấn đề lớn về an ninh an toàn.

Dữ liệu hộ chiếu mất cắp của Inerpol không được các hãng hàng không châu Á tận dụng
Dữ liệu hộ chiếu mất cắp của Inerpol không được các hãng hàng không châu Á
tận dụng

Thủ tục an ninh lỏng lẻo


Đến nay vẫn chưa rõ tại sao máy bay chở khách của Malaysia bị mất tích trên đường bay từ Kuala Lumpur đến Trung Quốc ngày 8/3. Trước đó, hai hành khách người Iran đã mua lại hai hộ chiếu đánh cắp và dùng chúng để lên máy bay. Cho dù một trong hai người đó đã được xác định là không phải khủng bố song, vụ việc này khiến các chuyên gia cho rằng an ninh hàng không trong khu vực đang có vấn đề.


Ông Rohan Gunaratna, một chuyên gia về khủng bố làm việc ở Singapore nói với Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc rằng Malaysia Airlines đã phạm phải nhiều “thiếu sót trong bảo đảm an toàn” và cho rằng “nếu như đây là một tai nạn do sự cố kỹ thuật hay do lỗi của phi công, thì Malaysia Airlines phải chịu trách nhiệm. Còn nếu như đây là một vụ khủng bố thì đó là trách nhiệm của các giới chức an ninh Malaysia”.


Theo thống kê của Cảnh sát quốc tế (Interpol), năm ngoái, hơn 1 tỷ lượt hành khách lên máy bay mà hộ chiếu không được đối chiếu với cơ sở dữ liệu an ninh do tổ chức này lập ra. Hàng năm, tổ chức này đều đặn đưa ra những danh sách cấm bay, cao điểm nhất, năm 2011, hơn 3.600 danh sách kiểu này được đưa ra.


CNN dẫn lời Giám đốc Viện An ninh, Tình báo, Khủng bố tại Đại học Hàng không Embry-Riddle - ông Richard Bloom rằng, nếu các hãng hàng không đối chiếu giấy tờ của hành khách với dữ liệu giấy tờ du lịch bị thất lạc và bị đánh cắp của Interpol thì hành khách dùng hộ chiếu giả, hộ chiếu đánh cắp rất khó qua mặt các lớp an ninh. Theo Intepol, cho đến khi sự cố MH370 xảy ra, không nước nào kiểm tra hộ chiếu bị mất với dữ liệu Interpol đang có.

Dữ liệu hộ chiếu bị đánh cắp


Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, các thị trường phát triển nhanh nhất đối với các đường bay quốc tế trong giai đoạn 2009-2014 sẽ là Trung Quốc, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, Việt Nam, Malaysia và Sri Lanka. Trong 20 năm tới, các hãng hàng không ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ cần thêm gần 13.000 máy bay, với trị giá lên tới 1.900 tỷ USD. 


Các mối đe dọa khủng bố hàng không ở châu Á từ trước tới nay vẫn được coi là thấp so với những đe dọa ở châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, theo ông Gunaratna, sự mất tích của chuyến bay MH370 từ Malaysia đến Trung Quốc có thể khiến hệ số an toàn trước khủng bố của các hãng hàng không trong khu vực sụt giảm và sẽ dẫn đến những thay đổi lớn về an ninh hàng không theo Tom Fuentes - Cựu trợ lý Giám đốc của FBI. 


Sau các vụ chiếm máy bay để tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ, Interpol đã thiết lập một cơ sở dữ liệu để thông báo cho 190 quốc gia thành viên khi một hộ chiếu bị mất hay đánh cắp nhằm giúp các nước thắt chặt an ninh biên giới. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nước không có đủ khả năng kỹ thuật và nguồn lực để tiếp cận hệ thống đó.


Ông Gunaratna nói, đây là một kho dữ liệu rất quan trọng đối với các chính phủ cũng như an ninh hàng không. “Nếu không sử dụng kho dữ liệu này, và không đưa dữ liệu vào đó thì có nghĩa công tác an toàn đã không được thực hiện một cách tốt nhất”, ông Gunaratna nói. 

Ngọc Tiến
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.