Tàu cá vỏ thép QNa-94679 liên tiếp nằm bờ vì máy tàu hư hỏng - Ảnh: Nguyễn Tú (TN) |
Trước đó, tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án “kinh doanh thương mại” vào tháng 8/2017 giữa ngư dân Trần Văn Liên (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) - chủ tàu QNa-94679 với Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy (Đà Nẵng, đơn vị đóng thân tàu) và Công ty CP Tập đoàn Liên Á (đơn vị bán máy tàu, phụ trách lắp ráp máy tàu), TAND TP Tam Kỳ (Quảng Nam) tuyên ông Liên thắng kiện, phán quyết phía Bảo Duy phải bồi thường tiền máy tàu hư hỏng.
Ngay sau đó, Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy phát đơn kháng án lên TAND tỉnh Quảng Nam. Trong quá trình chờ xử phúc thẩm, Bảo Duy đã chấp nhận tạm ứng 2,5 tỷ đồng tiền mua và thuê nhân công thay máy mới, hiện đã hoàn tất, bàn giao tàu cho ông Liên để ra khơi.
Tháng 7/2017, Báo Giao thông có bài Nhà cung cấp máy tàu tháo chạy, ngư dân khốn đốn phản ánh việc hư hỏng máy tàu QNa-94679, nhằm phản ánh diễn biến vụ việc, đốc thúc các bên thực hiện trách nhiệm của mình, đẩy nhanh tiến độ khắc phục để tàu cá vươn khơi, giảm thiệt hại. Tuy nhiên, phía Liên Á cho rằng, Báo Giao thông thông tin không khách quan, đúng sự thật và theo kiện vụ việc để đẩy trách nhiệm sang phía Bảo Duy. Với phán quyết của TAND tỉnh Quảng Nam tại phiên xét xử sơ thẩm, phía Liên Á phải bồi hoàn số tiền gần 1,6 tỷ đồng trong tổng giá trị hợp đồng cung cấp máy (2,8 tỷ đồng) cho ông Liên (đã trừ 250 triệu đồng tiền hộp số, 900 triệu đồng chưa được ngân hàng giải ngân theo cơ chế vay vốn ưu đãi đóng tàu cá-NV). |
Đại diện Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy cho hay: Tại các hợp đồng kinh tế Bảo Duy đã ký kết với chủ tàu nêu rõ chỉ đóng thân vỏ, phần máy ông Liên tự mua của Công ty CP Tập đoàn Liên Á nên phía CP Đóng tàu Bảo Duy không phải chịu trách nhiệm liên quan đến vấn đề hư hỏng máy tàu.
Theo hồ sơ kháng án, tàu QNa-94679 có trị giá 17,1 tỷ đồng, đóng mới từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ theo Nghị định 67. Trong đó, phần máy tàu được ông Liên ký hợp đồng kinh tế, mua bán với Công ty CP Tập đoàn Liên Á trị giá hơn 2,8 tỷ đồng. Tháng 3/2016, tàu cá vỏ thép này hạ thủy được xác định là tàu cá vỏ thép công suất lớn nhất Đà Nẵng lúc bấy giờ với 940CV.
Tuy nhiên, tối 29/3/2016, khi tàu này tổ chức chạy thử bất ngờ bị hỏng máy. Theo biên bản cuộc họp ngày 26/5/2016, Công ty CP Tập đoàn Liên Á đánh giá máy hỏng nhiều bộ phận, đề xuất thay mới nhưng không phát hiện vỏ máy bị nứt. Để khắc phục tình hình, Ban Nghị định 67 tỉnh Quảng Nam đã kêu gọi đóng góp để mua số phụ tùng trị giá 700 triệu đồng. Trong đó, Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy hỗ trợ ông Liên 600 triệu đồng để Công ty CP Tập đoàn Liên Á mua phụ tùng. Nhưng do Công ty CP Tập đoàn Liên Á không phát hiện nứt vỏ máy, nên sau khi thay thế máy tàu vẫn hỏng. Các bên thống nhất mời Công ty CP Giám định Thái Dương giám định độc lập, kết luận nguyên nhân tổn thất do lỗi chế tạo và nhà sản xuất.
Đại diện TAND tỉnh Quảng Nam cho hay: Đơn vị tiếp nhận đơn kháng án và đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Qua đó, TAND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Công ty CP Tập đoàn Liên Á nhận lại máy cũ đã hư hỏng và hoàn trả lại số tiền cho ngư dân Trần Văn Liên để mua máy mới lắp vào tàu. Về khởi kiện của ông Liên bắt Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy chịu chi phí do chậm bàn giao tàu, HĐXX xác định công ty này không gây hư hỏng máy nên không phải chịu trách nhiệm vấn đề này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận