Ông Trần Phương Bình - cựu TGĐ Ngân hàng Đông Á tại tòa |
Chiều 29/11, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trần Phương Bình, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, nguyên Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng Đông Á - Dongabank (DAB). Hội đồng xét xử tiếp tục phần thẩm vấn.
Trong phần xét hỏi bị cáo Nguyễn Thị Cúc, nguyên Trưởng Ban kiểm soát DAB, đồng thời nguyên là Thành viên HĐQT CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) để làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của Ban kiểm soát ngân hàng này.
Bị cáo Cúc khai khi về làm Trưởng Ban kiểm soát không chuyên trách tại DAB từ tháng 6/2004 đến tháng 7/2015.
“Nhiệm vụ của Ban kiểm soát là gì”, chủ tọa hỏi?
“Nhiệm vụ kiểm tra tình hình hoạt động của Ngân hàng, giám sát HĐQT, Ban điều hành thực hiện Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông…”, bà Cúc khai.
Chủ tọa ngắt lời: “Tóm lại kiểm soát toàn bộ Ngân hàng phải không”? Bị cáo Cúc trả lời vâng.
Chủ tọa nêu, trong thời kỳ bị cáo làm Trưởng Ban kiểm soát mặc dù vai trò là không chuyên trách HĐXX sẽ xem xét, lẽ ra theo quy định của pháp luật kiểm soát toàn bộ hoạt động của Ngân hàng Đông Á nhưng trên thực tế Ngân hàng Đông Á trong giai đoạn này đã bị thiệt hại bởi một loạt hành vi phạm tội liên tục trong 10 năm liền, cụ thể là ở vụ án này là hơn 3.600 tỷ đồng.
“Vậy tại sao trong quá trình kiểm soát có phát hiện sai phạm gì không mà để đến khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án mới phát hiện hành vi phạm tội?”, chủ tọa hỏi.
Bị cáo Cúc trả lời: Ban kiểm soát là 3 người, bản thân bị cáo là Trưởng ban không chuyên trách, hàng năm bị cáo họp với Trưởng ban kiểm toán nội bộ đánh giá rủi ro và nếu thấy hoạt động tín dụng rủi ro cao thì lên kế hoạch kiểm tra 7-10 chi nhánh về hoạt động tín dụng, hạch toán đúng hay sai của từng chi nhánh. Thực tế Ban Kiểm soát không hề biết “cái hoạt động ngân quỹ…”.
Chủ tọa: Bị cáo Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Kim Xuyến chỉ đạo rất nhiều hoạt động tín dụng, điều vốn… thực hiện một loạt hoạt động tín dụng không có thật để rút tiền. Nhiều hoạt động điều chuyển vốn để lấp quỹ âm nhưng thực tế không có. Vậy các bị cáo kiểm tra cách nào?
Bị cáo Cúc: Bản thân bị cáo không trực tiếp kiểm tra mà nhận báo cáo từ Phòng kiểm soát, Ban kiểm soát nội bộ. Đầu năm 2012 thấy dấu hiệu nợ xấu không thực, bị cáo làm văn bản gửi HĐQT, Ban điều hành ngân hàng đề nghị xử lý nợ xấu của toàn ngân hàng, đề nghị sắp xếp lại toàn bộ các khoản nợ xấu thực. Năm 2012 nợ xấu ngân hàng báo cáo lên NH Nhà nước bị cáo nhớ không rõ con số.
Bị cáo chỉ nhớ đi kiểm tra 7 đến 10 chi nhánh như hàng năm, chạy phần mềm toàn bộ số liệu tín dụng của toàn hệ thống thì thấy nợ xấu lên tới hơn 30%. Bị cáo có làm văn bản gửi chủ tịch Trần Phương Bình đề nghị kiểm tra toàn hồ sơ tín dụng, tài sản thế chấp và hướng xử lý.
Chủ tọa cắt lời, bị cáo Bình che giấu âm quỹ bằng cách điều chuyển tiền, che đậy bằng các hợp đồng tín dụng không có thật. Bị cáo thấy trách nhiệm của mình chưa?
Bị cáo Cúc: Với nhân sự 3 người, bị cáo không thể kiểm tra toàn diện ngân hàng, hàng năm chỉ có thể kiểm tra 5, 7 đến 10 chi nhánh, kiểm tra tới đâu thì gửi báo cáo tới ban lãnh đạo để xử lý. Bị cáo làm Trưởng ban kiểm soát không chuyên trách nhưng không nhận lương.
Trước khi vụ án được xét xử, bị cáo Cúc từ nhiệm thành viên HĐQT PNJ vì lý do cá nhân (tháng 6/2018). Phía PNJ khi đó phát đi thông tin rằng việc lãnh đạo PNJ liên quan tới vụ án không ảnh hướng tới hoạt động của công ty.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận