Hỏi - Đáp

Vụ nghi lừa đảo như phim: Sau 4 năm có tố cáo, đòi tiền được không?

16/09/2022, 13:30

Nếu cô gái sinh năm 95 người Bắc Giang thực sự phạm tội lừa đảo thì kịch bản lừa đảo đã được xây dựng hết sức công phu với nhiều tình tiết...

Liên quan sự việc cô gái sinh năm 1995, quê ở Bắc Giang liên tục bị tố cáo lừa đảo nhiều người với số tiền lên tới cả trăm tỉ đồng trên mạng xã hội, công an tỉnh Bắc Giang và Bình Thuận cho biết, đã nhận đơn tố cáo của một nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt 1,5 tỷ đồng.

PV Báo Giao thông đã trao đổi với luật sư Nguyễn Phú Thắng - Công ty Luật Intercode (Đoàn luật sư TP Hà Nội) về cách giải quyết, bảo vệ quyền lợi người bị hại trong các vụ việc tương tự.

img

Luật sư Nguyễn Phú Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội)

Các nạn nhân nên tố giác tội phạm

Thưa ông, với các vụ lừa đảo bằng cách tạo dựng niềm tin, kêu gọi đầu tư, hoặc vay mượn hứa trả lãi cao, nạn nhân khi bị lừa có thể làm đơn tố cáo tới đâu? Cơ quan nào tiếp nhận? nên gửi tố cáo đến cơ quan công an hay gửi đơn kiện ra tòa?

Với những thông tin mà tôi nắm bắt được, thì hành vi của cô gái sinh năm 95 quê Bắc Giang có một số dấu hiệu cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích của các nạn nhân, bảo đảm trật tự trị an, bảo đảm hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm, các nạn nhân nên thực hiện ngay việc tố giác tội phạm.

Căn cứ Điều 144, Điều 145 Bộ Luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 thì nạn nhân có thể tố giác tội phạm bằng cách gửi đơn tố cáo hoặc trực tiếp tố cáo đến cơ quan điều tra nơi xảy ra hành vi lừa đảo hoặc nơi người có thực hiện hành vi cư trú để được xem xét, xác minh, làm rõ.

Để có căn cứ tố cáo, người bị hại cần có những điều kiện nào phải đáp ứng, phải có các tài liệu, bằng chứng như thế nào?

Người bị hại khi viết đơn tố cáo cần nêu rõ sự việc, hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo, thời điểm, địa điểm thực hiện hành vi, địa điểm giao nhận tài sản hoặc địa điểm ngân hàng nơi thực hiện lệnh chuyển tiền.

Khi gửi đơn tố cáo có thể cung cấp thêm các chứng minh vụ việc như: Giấy biên nhận, tin nhắn, sao kê, ghi âm ghi hình và các tài liệu khác phục vụ cho việc xác minh đơn. Trường hợp chưa thể gửi kèm các tài liệu trên thì trong quá trình xác minh, điều tra, làm rõ vụ việc nạn nhân cũng có thể cung cấp lời khai và các chứng cứ.

img

Trên mạng xã hội, nhiều người tố cáo cô gái người Bắc Giang thao túng tâm lý, chiếm đoạt tiền bằng cách lừa đảo, tạo dựng niềm tin

5 năm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự

Trong vụ việc này, có những người cho biết bị lừa cách đây đã 4 năm, vậy bây giờ có thể tố cáo tới cơ quan công an được không, thưa luật sư?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 145 BLTTHS năm 2015: “Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố”.

Đồng thời theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Như vậy, những người bị lừa cách đây 4 năm vẫn có thể tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm ra Cơ quan CSĐT ngay cả khi nhận định hành vi đó là tội phạm ít nghiêm trọng.

Người bị hại ở nhiều tỉnh thành khác nhau, nếu họ đồng loạt gửi đơn tố cáo, theo quy định, các cơ quan công an khi sẽ tiếp nhận điều tra riêng hay thế nào?

Bộ luật TTHS năm 2015 quy định cụ thể trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác tại Điều 145. Theo đó, trách nhiệm tiếp nhận tố giác được quy định như sau: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

Về thẩm quyền giải quyết tố giác được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 145 Bộ luật TTHS năm 2015, theo đó Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình.

Trong trường hợp hành vi có dấu hiệu phạm tội lừa đảo xảy ra tại nhiều tỉnh, thành khác nhau, tính chất phức tạp, theo điểm c khoản 5 Điều 163 BLTTHS năm 2015 thầm quyền điều tra được quy định như sau: "Cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra".

Như vậy đối với vụ việc này, nếu có nhiều người bị hại gửi đơn tố cáo, cơ quan điều tra Bộ Công an cần lấy hồ sơ lên để xác minh, làm rõ sự việc theo thẩm quyền sau khi yêu cầu các đơn vị điều tra cấp tỉnh tổng hợp Đơn tố cáo, lời khai ban đầu của các bị hại, người liên quan.

Việc đồng hành của Luật sư hoặc chuyên gia pháp lý hình sự là rất cần thiết trong giai đoạn xác minh, làm rõ Đơn tố cáo cũng như quá trình tố tụng sau này.

Cảnh giác trước những lời hứa hẹn siêu lợi nhuận

Theo ông, cần rút ra bài học gì từ những vụ việc giao dịch dựa vào niềm tin như thế này?

Bất cứ giao dịch nào có thể phát sinh lợi nhuận, lợi ích đều có nguy cơ đem lại rủi ro, đặc biệt giao dịch chỉ căn cứ hoàn toàn vào niềm tin và đánh giá trực quan, thì mức độ rủi ro càng nhiều hơn.

Do vậy, mọi tổ chức, cá nhân cần tìm hiểu kỹ thông tin của đối tác qua nhiều kênh khác nhau, một cách thận trọng đưa ra nhận định về mức độ rủi ro và quản trị rủi ro cho hoạt động đầu tư của mình trên nguyên tắc “Lợi nhuận càng cao rủi ro càng nhiều”.

Một điều quan trọng nữa là người dân nên đặc biệt cảnh giác với những lời hứa hẹn trả lãi cao trong thời gian ngắn. Trong tình hình kinh tế - xã hội sau dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, việc cam kết trả lãi cao trong mọi trường hợp đều không có sự đảm bảo hay khả thi nào.

Người dân phải luôn dự liệu tình huống xảy ra là mất tiền gốc để cân nhắc trước khi quyết định đầu tư.

Ông có thể đánh giá, vì sao nhiều người dễ dàng trở thành nạn nhân bị lừa tiền tỷ như vậy?

Theo tôi, nhiều người dễ dàng trở thành nạn nhân một phần vì họ chủ quan, chưa tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin của đối tác bằng phương pháp đối chiếu nhiều kênh thông tin; một phần vì thiếu kiến thức về pháp luật và đặc biệt phần lớn người bị hại mất đi sự tỉnh táo trước lời đường mật, hứa hẹn có lợi nhuận cao và vẻ ngoài siêu hào nhoáng của các “Siêu lừa”.

Tôi ví dụ trong vụ việc cô N.T.V.A người Bắc Giang này, nếu trong hoặc sau tiệc cưới, mọi người tìm hiểu xem có chuyện thực hư về việc được nhận của hồi môn là siêu xe 80 tỷ hay không, hay sự bất thường của 300 quan khách nhà gái, bố mẹ cô dâu (đóng thế) trong suốt tiệc cưới để từ đó đề cao sự cảnh giác.

Việc tìm hiểu này không hề khó khăn nhưng tại sao không ai nghi ngờ và không ai thực hiện? Thời điểm hiện tại chỉ có một, hai người có đơn tố cáo sau nhiều năm? Đây là vấn đề không bình thường nên cần phải chờ kết quả xác minh, điều tra để làm rõ sự thật.

Xét trường hợp cụ thể này, nếu cô gái sinh năm 95 người Bắc Giang thực sự phạm tội lừa đảo thì kịch bản lừa đảo đã được xây dựng một hết sức công phu với nhiều tình tiết phức tạp.

Do đó để không trở thành nạn nhân của các vụ siêu lừa dạng này, không còn cách nào khác là tìm hiểu hết sức thận trọng, tỉ mỉ để phát hiện những mẫu thuẫn, bất thường trước khi quyết định đầu tư hoặc gửi gắm tiền cho người khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.