- Vụ máy bay FlyDubai rơi ở Nga:
Thân nhân các nạn nhân vụ máy bay FlyDubai gặp nạn tại Nga |
Sau vụ tai nạn máy bay thảm khốc của hãng Hàng không FlyDubai tại Nga ngày 19/3 vừa qua khiến 62 người thiệt mạng, nhiều câu hỏi và nghi vấn còn bỏ ngỏ, trong đó có vấn đề rào cản ngôn ngữ.
Tại sao phi công cố hạ cánh?
Nghi vấn đặt ra đầu tiên đó là tại sao phi công điều khiển chuyến bay FZ981 xấu số lại bay lòng vòng, quyết định hạ cánh trong khi các chuyến bay khác chuyển hướng do thời tiết xấu, gió to và tuyết rơi dày cản tầm nhìn. Sau nỗ lực tiếp đất thất bại lần đầu tiên, phi công đã bay lòng vòng trong 2 giờ đồng hồ tại khu vực Sân bay Rostov-on-Don (Nga) sau đó tiếp tục cố tiếp đất lần hai và không thành công. Phi công cũng không hề báo tín hiệu khẩn cấp.
Trao đổi về nghi vấn này, Giám đốc điều hành (CEO) FlyDubai Gaith Al Gaith cho biết: “Dù trong trường hợp này hay trường hợp khác, phi công cần phải đưa ra quyết định điều hành và hạ cánh chuyến bay dựa trên thông tin tốt nhất mà họ có”.
Tuy nhiên, các chuyên gia có quan điểm khác. Là người chuyên phân tích về tuyến đường bay và các đoạn ghi âm từ buồng lái, chuyên gia hàng không, người sáng lập Công ty Tư vấn Martin - ông Mark Martin cho biết: “Đáng lẽ phi công nên chuyển hướng máy bay khi nỗ lực tiếp đất lần đầu tiên không thành công”. CEO Al Gaith lại phản bác giả thuyết vụ tai nạn do lỗi của phi công.
Theo ông, hai phi công đến từ Tây Ban Nha và Cyprus đều là người rất có kinh nghiệm. Tổng thời gian bay của hai người lên tới 11.000 giờ. Ông Al Gaith khẳng định: “Chúng tôi đạt tiêu chuẩn an ninh và hàng không cao nhất” và thực tế cơ trưởng chưa bao giờ đáp trượt tại Rostov-on-Don. Đồng thời, người đứng đầu FlyDubai cũng bác bỏ mọi giả thuyết như: Điều kiện thời tiết xấu không đủ để đáp máy bay; Hay máy bay hết nhiên liệu khi bay lòng vòng 2 giờ đồng hồ chờ tiếp đất lần hai.
Rào cản ngôn ngữ?
Bên cạnh đó, các chuyên gia hàng không còn đặt ra một nghi vấn khác: Liệu rào cản ngôn ngữ giữa phi công và nhân viên Đài Kiểm soát không lưu (ATC) có ảnh hưởng gì tới vụ tai nạn này?
Cách đây vài ngày, hãng tin Alarabiya phiên bản tiếng Anh từng đưa tin, đài kiểm soát không lưu đã công bố bản ghi âm trong đó có những lời nói cuối cùng của hai phi công trước thời điểm máy bay gặp nạn. Hai phi công và nhân viên ATC liên tục trao đổi bằng cả tiếng Anh và tiếng Nga. Trong đoạn ghi âm dài 7 phút, khi máy bay đến gần Sân bay Rostov-on-Don, một phi công hỏi: “Liệu thời tiết có khá hơn không?”. Phi công liên tiếp hỏi về tầm nhìn và có lời nói đáp lại là khoảng 5 km.
Mặc dù các phi công FlyDubai và nhân viên ATC luôn giao tiếp bằng ngôn ngữ chung là tiếng Anh nhưng mỗi người lại có giọng phát âm tiếng Anh khác nhau và có thể ảnh hưởng từ âm ngữ địa phương.
Ông Andrew Charlton, Giám đốc quản lý Aviation Advocacy có trụ sở tại Thụy Điển nhận định: "Theo quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), phi công và nhân viên không lưu bắt buộc phải giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh. Đó là quy định. Dĩ nhiên, họ cũng có thể nói bằng những ngôn ngữ địa phương được ICAO chấp nhận”. Tuy nhiên, ngôn ngữ này phải chính thức được ICAO cho phép sử dụng như ngôn ngữ thứ hai; Cả ATC và phi công đều phải sử dụng. Song, ATC vẫn phải kiểm soát điều hành bay bằng tiếng Anh.
Ngày 21/3, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev yêu cầu phân tích các nguyên nhân đằng sau vụ tai nạn hôm 19/3 và sửa đổi các quy định của Nga về an toàn bay nếu cần thiết. “Nếu có vấn đề về kỹ thuật thì những vấn đề này phải được phân tích. Trong phần kết luận phải đưa ra các đề xuất cho Chính phủ để có thể tiến hành một số sửa đổi về thiết bị kỹ thuật và nếu cần thì cả những quy định hiện hành trong ngành Hàng không của Nga”, ông Medvedev nói. |
Trao đổi với Gulf News, một phi công giấu tên cho biết: “Rào cản ngôn ngữ là vấn đề mang tính toàn cầu. Các tiêu chuẩn của ICAO đã hạn chế phi công chỉ nói tiếng Anh trong khuôn khổ chuyên ngành kỹ thuật. Vấn đề sẽ nảy sinh khi phát sinh cụm từ không có trong sách vở”.
“Đôi khi, ngôn ngữ và giọng nói đa dạng, khác biệt trở thành vấn đề. Đặc biệt, nếu giọng nói khác xa với yêu cầu tối thiểu của ICAO, vấn đề này đôi khi còn gây tranh cãi”, phi công trên nói tiếp. Trong một số trường hợp, việc sử dụng sai cụm từ chuyên ngành cũng có thể gây ra tai nạn hoặc sự cố.
Thông báo của ICAO về yêu cầu sử dụng thành thạo ngôn ngữ có nói: “Việc sử dụng ngôn ngữ chuyên ngành có tác động đáng kể tới an toàn bay, tất cả các bên cần phải sử dụng cùng một loại đó là ngôn ngữ ICAO”. Đối diện với những nghi ngại này, ông Al Gaith bác bỏ và kêu gọi: "Chúng ta không nên đồn đoán mà hãy chờ đợi kết quả điều tra sẽ được công bố trong vài tháng nữa".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận