Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vào lúc 14h35 ngày 15/9 tại Km449+200, đường Hồ Chí Minh thuộc thôn Thạch Quyền, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình giữa xe tập lái do anh B.V.Đ. (SN 1986, trú tại xã Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) điều khiển và một xe máy điện do một nữ sinh lớp 6 điều khiển khiến nữ sinh này tử vong vừa qua đang khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi về trách nhiệm của các bên liên quan.
Nữ sinh lớp 6 đi xe điện tử vong sau va chạm với xe tập lái
Trao đổi với PV Báo Giao thông về vụ việc, luật sư Nguyễn Viết Đức - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Sơn Bình - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội nói: "Trách nhiệm của những người liên quan trong vụ việc phụ thuộc vào nhiều yếu tố".
Luật sư Nguyễn Viết Đức - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Sơn Bình - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội
Cụ thể, luật sư Đức chia sẻ, theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008, anh Đ. là học viên thì cần tuân thủ điều kiện khi tham gia giao thông phải có giáo viên hướng dẫn bên cạnh.
Đó là, người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Người tập lái ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái”.
Trong trường hợp này, người tập lái xe và giáo viên dạy lái xe đều có mặt trên xe. Khi tham gia giao thông thì trách nhiệm điều phối, điều khiển xe thuộc về người hướng dẫn, giáo viên dạy lái xe.
Để xác định được trách nhiệm của những người liên quan phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như xe tập lái đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn hay chưa, học viên đã thực hành đủ số buổi trên sân tập trước khi lái xe ra đường, người hướng dẫn có thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình khi ngồi cạnh hướng dẫn học viên hay không?.
Vì lỗi của mình mà người dạy lái xe không kịp hỗ trợ cho học viên của mình là đã vi phạm quy tắc nghề nghiệp chứ không phải là vi phạm quy tắc tham gia giao thông đường bộ.
Người trực tiếp điều khiển phương tiện gây ra tai nạn là học viên học lái xe, họ không có đủ kinh nghiệm tham gia giao thông, là người dạy lái xe, nếu làm tròn nhiệm vụ của mình thì có thể đã không gây ra tai nạn. Dù người dạy lái xe không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng việc bạn không chủ động quan sát, điều chỉnh người học lái xe, không kịp hỗ trợ cho học viên của mình có mối quan hệ nhân quả với hậu quả xảy ra.
Trong trường hợp này lỗi của người dạy lái xe là lỗi vô ý do cẩu thả. Vì vậy, người dạy lái xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính được quy định tại Điều 129 Bộ luật hình sự 2015.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận