Ông Trầm Bê |
Ông Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); ông Phan Huy Khang, nguyên Tổng giám đốc Sacombank và các đồng phạm đã cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng tại bốn ngân hàng, với tổng thiệt hại khoảng 6.600 tỉ đồng.
Tiếp tay cho Phạm Công Danh và đồng phạm
Sai phạm của ông Trầm Bê và các đồng phạm liên quan đến Ngân hàng Tiên Phong Bank; Sacombank; BIDV và Ngân hàng Xây dựng. Ngày 1/8, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C46) đã ra các quyết định khởi tố bị can đối với 25 đối tượng, ra lệnh bắt tạm giam 16 bị can.
Trong số những người bị bắt, ngoài ông Trầm Bê (58 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng Sacombank) còn có Phan Huy Khang (SN 1973, nguyên thành viên Hội đồng tín dụng, nguyên Tổng giám đốc Sacombank); ông Nguyễn Việt Hà, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Lộc Việt; ông Đỗ Phương Nam, Phó giám đốc Công ty CP Đại Phát… Những người này đều bị bắt giam, khởi tố về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Năm 2004, ông Trầm Bê giữ chức vụ Phó chủ tịch Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southernbank). Năm 2012, ông Trầm Bê cùng con trai là ông Trầm Khải Hòa đã bất ngờ rút khỏi ban lãnh đạo của Ngân hàng Phương Nam để tham gia vào HĐQT của Sacombank. Ngày 1/10/2015, Southernbank và Sacombank đã hoàn thành các thủ tục sáp nhập theo quy định pháp luật. Đến ngày 24/2/2017, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank. |
Theo C46, ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB), nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt là Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm xảy ra tại Sacombank. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, ông Trầm Bê đã tiếp tay cho Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc gửi tiền sang Sacombank bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 công ty do Danh thành lập trên hồ sơ vay vốn tại SacomBank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỉ đồng.
Bằng thủ đoạn tương tự, các nhân viên của các ngân hàng TPBank, BIDV, VNCB cũng tiếp tay để cho Phạm Công Danh vay tiền. Theo C46, hành vi của Trầm Bê, Phan Huy Khang và các đồng phạm đã gây thiệt hại khoảng 6.600 tỉ đồng.
Theo ghi nhận của PV, khoảng 17h chiều 1/8, xe của C46 đã đến trước nhà ông Trầm Bê nằm trên đường An Dương Vương thuộc phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP HCM để làm các thủ tục khám xét nhà. Trước đó, khoảng 15h30, lực lượng C46 cũng xuất hiện tại nhà ông Phan Huy Khang ở huyện Nhà Bè, TP HCM. Sau đó, C46 tiến hành khám xét nhà ông Khang, tiến hành lập biên bản và thu giữ một số tài liệu liên quan…
Ông Phan Huy Khang |
Bảo vệ, lái xe đứng tên làm giám đốc vay tiền
Theo kết luận điều tra giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh, do có mối quan hệ từ trước, tháng 4/2013, ông Danh đã gặp trực tiếp ông Trầm Bê để đề nghị được vay tiền.
Biết Phạm Công Danh là Chủ tịch HĐQT VNCB, không thể vay tiền tại đây nên ông Trầm Bê đã đồng ý cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỉ đồng với tài sản đảm bảo là tiền gửi của Ngân hàng Xây dựng tại Sacombank. Sau đó, ông Trầm Bê đã dẫn Phạm Công Danh sang gặp Phan Huy Khang và chỉ đạo Khang cho vay 1.800 tỉ đồng. Khang đã giao cho cấp dưới của mình triển khai cho Danh vay 1.800 tỉ đồng theo chỉ đạo của Trầm Bê.
Để gấp rút vay số tiền trên, Phạm Công Danh đã lập ra 6 công ty và cho lái xe, bảo vệ, nhân viên tiếp thị… của Tập đoàn Thiên Thanh làm giám đốc của các công ty này. Phạm Công Danh còn chỉ đạo thuộc cấp dùng hồ sơ pháp nhân của 6 công ty này đến Sacombank làm thủ tục vay tiền.
Theo kết quả giám định của các cơ quan chức năng, việc Sacombank cho 6 công ty của Phạm Công Danh vay 1.800 tỉ khi chưa thẩm định nguồn vốn và nguồn trả nợ vốn vay để xác định tính khả thi, hiệu quả của phương án vay và khả năng hoàn trả nợ vay là chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện cho vay theo quy định.
Trước đó, ngày 31/7, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có thông báo quyết định khởi tố Phạm Thị Trang, còn gọi là Trang “phố núi” (43 tuổi, ngụ khu Sài Gòn Pearl, P.22, Q.Bình Thạnh, TP HCM) về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bà Trang được cho là giúp sức tích cực cho Phạm Công Danh để rút tiền Nhà nước.
Sacombank lên tiếng Chiều 1/8, Ngân hàng Sacombank đã phát đi thông cáo báo chí liên quan đến việc ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang - Nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sacombank bị khởi tố, bắt giam. Theo Sacombank, việc khởi tố ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang do có liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam. Sacombank có cho 6 công ty liên quan đến ông Phạm Công Danh vay vốn. Tuy nhiên, theo kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước, Sacombank không có thiệt hại trong việc cho vay đối với 6 công ty liên quan đến ông Phạm Công Danh. Phía Sacombank khẳng định các khoản vay trên, Sacombank đã thu hồi vốn và lãi đầy đủ từ tháng 4/2014. Ông Trầm Bê không còn đảm nhiệm bất kỳ chức vụ quản trị - điều hành nào tại Sacombank từ ngày 23/2/2017 và từ ngày 3/7/2017 đối với ông Phan Huy Khang. Hiện, Sacombank vẫn hoạt động bình thường và tăng trưởng ổn định. Yên Trang |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận