Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 7/2016 |
Nếu tới đây, Quốc hội xem xét và bãi miễn tư cách ĐBQH của ông Võ Kim Cự, thì số lượng ĐBQH khóa XIV lại tiếp tục giảm thêm. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng ĐBQH khóa XIV chỉ còn 492 người. Con số này không hẳn là điều quan trọng, mà quan trọng hơn, việc đưa một người vào Quốc hội, rồi miễn nhiệm/bãi nhiệm người đó do có sai phạm sẽ ít nhiều khiến cử tri phải băn khoăn. Băn khoăn quy trình lựa chọn của chúng ta thế nào mà vẫn để lọt những người có khuyết điểm vào đại diện cho dân tại cơ quan quyền lực cao nhất?
Từ việc không xác nhận tư cách 2 ĐBQH của nhiệm kỳ XIV và 2 ĐBQH nhiệm kỳ khóa XIII bị bãi nhiệm có thể thấy có những người muốn vào cơ quan quyền lực cao nhất vì động cơ mục đích cho riêng mình. Đó là điều dễ hiểu. Động cơ để ứng cử tham gia ĐBQH cơ bản xuyên suốt là rất tốt nhưng không phải không có những người mang động cơ cá nhân. Với những người bị bãi nhiệm, rõ ràng động cơ của họ không trong sáng. Họ muốn vào Quốc hội để có lợi cho mình, để bản thân “có giá trị cao”, được mọi người tín nhiệm, có lợi cho họ trong môi trường công tác… Đó là bài học kinh nghiệm rất lớn.
Để xảy ra việc này phải nói đến trách nhiệm của các cơ quan phụ trách về vấn đề bầu cử, giới thiệu những người ứng cử ĐBQH.
Mới đây nhất, dư luận nói nhiều về uy tín của ông Võ Kim Cự trước cử tri và đặt vấn đề ông Cự có còn xứng đáng đại diện cho dân đứng trong hàng ngũ ĐBQH? Ngay từ bây giờ, phải đặt vấn đề xem xét tư cách ĐBQH của ông Cự sớm. Việc để ông Cự làm ĐBQH ngay thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển đã khiến dư luận bức xúc. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa ông Cự vào danh sách bầu ĐBQH thời điểm đó và sau khi ông Cự trúng cử vẫn công nhận tư cách ĐBQH của ông ấy là điều “thách đố” dư luận. Lẽ ra, ngay thời điểm đó, các cơ quan hữu quan phải xem xét ngay việc này.
Việc đến thời điểm này mới kết luận xem xét trách nhiệm các tập thể và cá nhân liên quan, tôi cho là chậm và dư luận chắc hẳn cũng cho là như vậy.
Bất cứ vụ việc nào cũng không thể kết luận ngay nhưng vụ việc này lẽ ra đòi hỏi phải xử lý sớm hơn rất nhiều, khi đó chắc chắn cử tri không còn phải băn khoăn và cũng sẽ không xuất hiện những dư luận không đáng có.
Lâu nay, những người có trách nhiệm nói họ làm quy trình đầy đủ theo đúng thủ tục, nhưng đó chỉ là cách nói. Tôi cho rằng, cần phải xem xét lại cả cái quy trình ấy.
Về nhân sự, ứng cử viên vẫn còn nhiều vấn đề cần phải xem xét, cần phải đưa ra nhiều văn bản pháp luật, quy trình, thủ tục xác đáng, để không lọt những người cơ hội làm ĐBQH, làm mất uy tín cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
Sau mỗi sự việc không mong muốn thế này, sau mỗi lần để lọt người không đủ tiêu chuẩn vào đại diện cho dân, chúng ta cần ngồi lại để cùng xem xét, kiểm điểm và rút kinh nghiệm cho hoàn chỉnh, chặt chẽ hơn. Vì rõ ràng, để lọt một người không xứng đáng là cả tổ chức và cơ quan chức năng liên quan cũng đã có sai sót và khuyết điểm rồi.
Vũ Mão
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Xem thêm video về ông Võ Kim Cự trả lời VTV:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận