Ngày 5/7, ghi nhận của Báo Giao thông tại hiện trường sạt lở đường 513 nối đường ven biển ở vị trí cầu Yên Hòa (thuộc địa phận xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) cho thấy, lực lượng chức năng đã thực hiện làm tạm một phần đường phía hạ lưu sông để cho các phương tiện qua lại. Còn một phần được căng dây cảnh báo không cho người và phương tiện qua khu vực này.
Theo quan sát, sông Yên Hòa chạy qua Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2, men theo tường bao của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, dưới lòng sông trơ ra hai hàng đá kè chạy song song cách phía chân cầu khoảng gần 200m về phía thượng nguồn. Một điều đáng chú ý là theo hướng dòng chảy của sông Yên Hòa đi thẳng vào phía bãi bồi, bờ ta luy âm (vị trí xảy ra sạt lở), khu vực bãi bồi cũng bị sạt, dòng chảy nhìn bằng mắt thường hầu như không đi qua các mố cầu. Thực tế nước sông vẫn ứ đọng ở gần vị trí sạt lở còn tại các chân mố cầu khô ráo, lộ rõ cát sỏi.
Liên quan đến vấn đề này, qua tìm hiểu của PV Báo Giao thông, năm 2000, Sở GTVT Thanh Hóa làm chủ đầu tư xây dựng 1 nguyên đơn cầu Yên Hòa và phần đường Hải Hà - Nghi Sơn. Đến năm 2014, được sự đồng ý của UBND tỉnh Thanh Hóa, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp đã tiến hành xây dựng nguyên đơn 2 cầu Yên Hòa theo như thiết kế của nguyên đơn 1 và mở rộng đường về phía hạ lưu. Cùng thời điểm này, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp đã cho thảm thêm mặt đường cũ vuốt nối cầu Yên Hòa với đường ven biển.
Ông Đào Văn Bắc - cán bộ Phòng xây dựng, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp cho biết: Chúng tôi chỉ xây dựng hợp phần 2 cầu Yên Hòa với 3 nhịp và không đụng chạm đến dự án trước đó (nguyên đơn 1 cầu Yên Hòa do Sở GTVT Thanh Hóa làm chủ đầu tư).
Khi được hỏi về công tác duy tu, bảo dưỡng, kiểm tra tra các công trình đường, nhất là trong thời điểm bão số 2 đang đổ vào đất liền, ông Nguyễn Văn Thi - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp cho rằng: Về công tác duy tu bảo dưỡng, kiểm tra đường được thực hiện thường xuyên nhưng khi Nhiệt điện Nghi Sơn 2 xây dựng thì cũng đã nắn dòng chảy 1 phần cùng đó lũ từ trên núi xuống bất ngờ, xoáy sâu vào dẫn tới sạt lở. Ngay sau khi nhận được thông tin, Ban cũng đã có mặt tại hiện trường lúc rạng sáng để phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ.
Cũng theo ông Thi, ngay sau khi sự việc xảy ra, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp đã có văn bản khẩn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo diễn biến sự. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh cho phép khắc phục, xử lý cấp bách sự cố sạt lở đường đầu cầu phía Nam cầu Yên Hòa. "Sau khi sự việc xảy ra, phía cơ quan Công an cũng đã vào cuộc làm rõ", ông Thi cho biết thêm.
Trước đó, vào lúc 3h10’ sáng 4/7, đã xảy ra một vụ sạt lở mặt đường 513 tại đầu cầu phía nam cầu Yên Hòa khiến 2 người chết, 3 người bị thương.
Cụ thể, 3 nạn nhân bị thương được xác định gồm: Ông Đặng Bá Hậu (SN 1966, ngụ ở xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, bị thương nhẹ đã xuất viện trong ngày 4/7; Ông Nguyễn Bá Khải (SN 1966) và Bà Nguyễn Thị Bảy (SN 1970) đều ngụ ở xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia người bị thương nặng phải chuyển ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) điều trị. Còn ông Nguyễn Như Thắng (SN 1973) cùng vợ là bà Nguyễn Thị Tâm (SN 1973) đều ngụ tại xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia tử vong.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận