Điều tra

Vụ tai biến chạy thận: Luật sư đề nghị khởi tố GĐ Thiên Sơn

23/05/2018, 17:55

Luật sư Huế đề nghị khởi tố ông Đỗ Anh Tuấn, GĐ Công ty Thiên Sơn, đánh tan lợi ích nhóm trong y tế...

DSC_0034

Bác sĩ Hoàng Công Lương và các bị cáo Trần Văn Sơn, Bùi Mạnh Quốc (từ trái qua phải)

Cuộc tranh luận "nảy lửa" và căng thẳng giữa các luật sư trong phiên toà xét xử chạy thận diễn ra trong chiều 23/5.

Trong phiên tòa xét xử vụ án làm 9 người chết khi chạy thận tại Bệnh viện ĐK tỉnh Hòa Bình chiều 23/5, một cuộc tranh tụng "nảy lửa" đã diễn ra giữa các luật sư. Cụ thể là luật sư Nguyễn Danh Huế, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Bệnh viện ĐK tỉnh Hòa Bình và luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương đại diện theo ủy quyền của Công ty Thiên Sơn.

Tại phần đối đáp, bà Hương khẳng định Hợp đồng số 05 giữa Công ty Thiên Sơn với Công ty Trâm Anh có giá trị pháp lý. Việc Bùi Mạnh Quốc khai hợp đồng ký sau khi xảy ra sự cố không làm mất đi bản chất là Quốc đã ký hợp đồng với Công ty Thiên Sơn. Vị luật sư này cũng khẳng định xét nghiệm  AAMI là trách nhiệm của Công ty Trâm Anh.

Đáp lại quan điểm của luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương, luật sư Nguyễn Danh Huế khẳng định Bệnh viện ĐK tỉnh Hòa Bình không có trách nhiệm phải biết Công ty Trâm Anh là ai mà chỉ có trách nhiệm làm việc với Công ty Thiên Sơn.

Theo hợp đồng đã ký kết giữa hai bên, cũng như căn cứ vào Luật Đấu thầu, hành vi chuyển nhượng thầu của Thiên Sơn cho Trâm Anh là trái pháp luật theo quy định tại Điều 90 Luật Đấu thầu. Luật quy định chỉ được phép chuyển nhượng tối đa 10% giá trị hợp đồng nhưng Thiên Sơn đã bán 100% trong khi không đưa Trâm Anh vào danh sách nhà thầu phụ.

Chính vì vậy, luật sư Huế đề nghị HĐXX làm rõ trách nhiệm của Công ty Thiên Sơn.

Đặt câu hỏi xét nghiệm AAMI có cần thiết hay không, luật sư Huế đề nghị HĐXX triệu tập các chuyên gia hoặc Hội đồng chuyên môn Sở Y tế tỉnh Hòa Bình để làm rõ nội dung này.

Hợp tác giữa Thiên Sơn và Bệnh viện ĐK tỉnh Hòa Bình từ năm 2009, từ đó đến nay các máy chạy thận chưa một ngày nào ngừng nghỉ, đồng nghĩa với việc Công ty Thiên Sơn chưa một ngày nào ngừng thu tiền.

“Công ty Thiên Sơn không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vô lương tâm, vô trách nhiệm. Họ không hề có người nào đứng ra giám sát việc sử dụng vật tư thiết bị. Sự vô lương tâm này là nguyên nhân dẫn việc tử vong của 9 nạn nhân”, luật sư Huế nhấn mạnh.

Luật sư Huế cũng nhấn mạnh: “Đề nghị VKS và HĐXX buộc Công ty Thiên Sơn phải bồi thường cho nạn nhân, khởi tố hình sự với ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Sơn, đánh tan lợi ích nhóm trong y tế”, luật sư Huế nói.

Đáp lời đồng nghiệp, bà Nguyễn Thị Đinh Hương nói: “Đề nghị luật sư Huế tôn trọng thân chủ của tôi, không lăng mạ thân chủ của tôi trước Tòa”.

Bà Hương cũng một lần nữa khẳng định không có đủ cơ sở để buộc Thiên Sơn phải bồi thường cho các nạn nhân, cũng như không có đủ cơ sở yêu cầu khởi tố ông Đỗ Anh Tuấn.

Sau khi nghe lời đối đáp giữa các luật sư, ông Đỗ Đình Vận - Phó Giám đốc Bệnh viện ĐK tỉnh Hòa Bình bức xúc: “Thiên Sơn sửa chữa cho bệnh viện rất nhiều lần, nhưng tại sao không có cảnh báo, không có chương trình để chúng tôi có kế hoạch thực hiện chạy thận”.

DSC_0122

Các vị luật sư trong phần tranh tụng

Một diễn biến khác, Luật sư Nguyễn Tiến Dũng, người bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc cho biết, thời điểm xảy ra sự cố hồi tháng 5/2017, không có hợp đồng ký giữa 2 Công ty Trâm Anh và Thiên Sơn. Do đó, đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của Thiên Sơn trong vụ án này, bởi Công ty trên mới là đơn vị ký hợp đồng trực tiếp với bệnh viện.

Người bào chữa cho rằng thân chủ của ông đã sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO tại Bệnh viện ĐK tỉnh Hòa Bình hơn 20 lần. Trong những lần đó, bị cáo đều dùng các hóa chất như hôm 29/5/2017.

Theo luật sư, Bệnh viện ĐK tỉnh Hòa Bình đã không ban hành quy trình bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành hệ thống lọc thận. Do đó, trong vụ án, bệnh viện phải chịu trách nhiệm lớn nhất. Trong đó, ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc bệnh viện) phải chịu trách nhiệm chính.

Ngoài ra, một phần trách nhiệm để xảy ra sự cố thuộc về Bộ Y tế. Bởi lẽ, Bộ chưa ban hành quy định về quy trình, kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Sau khi sự cố xảy ra, Bộ Y tế mới ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan.

Nữ kiểm sát viên đáp lời, VKS thấy chưa có đủ căn cứ để quy kết trách nhiệm của những cá nhân và đơn vị liên quan như luật sư nêu. Do đó, VKS đề nghị HĐXX xem xét và xử lý trách nhiệm nếu có.

DSCN0342

Đại diện VKS 

Về trách nhiệm của Bộ Y tế, VKS thấy có những sơ hở trong công tác quản lý của Sở Y tế tỉnh Hòa Bình và Bộ Y tế. Cụ thể, công tác xã hội hóa về chạy thận chưa được kiểm tra. Do đó, cơ quan chức năng chưa có quy định cụ thể về điều kiện chủ thể được phép sửa chữa, bảo dưỡng và thay thế vật tư tiệt trùng nước đối với RO dùng cho chạy thận.

Theo đại diện VKS, việc sửa chữa và bảo dưỡng này không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên chưa được quản lý và kiểm soát chặt chẽ.

Trước đó, sáng cùng ngày, đại diện VKSND TP Hòa Bình đề nghị Hoàng Công Lương (bác sĩ khoa Hồi sức) mức án 30-36 tháng tù treo về tội Thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng; bị cáo Trần Văn Sơn 4-5 năm tù cùng tội danh.

VKS cũng đề nghị Bùi Mạnh Quốc (nguyên Giám đốc Công ty Trâm Anh) 5-6 năm tù tội Vô ý làm chết người.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.