Pháp đình

Vụ tai nạn thảm khốc ở Hòa Bình: Chủ xe có bị xử lý hình sự?

24/06/2019, 16:22

Để tài xế không có GPLX điều khiển phương tiện gây hậu quả chết người, chủ xe cũng phải chịu trách nhiệm.

img
Hiện trường vụ TNGT thảm khốc ở Hòa Bình làm 41 người thương vong

Sau khi Báo Giao thông đăng tải thông tin anh Cao Xuân Hồng (SN 1974, trú tại huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) - tài xế điều khiển xe khách BKS 27B - 003.71 (chủ xe là Công ty TNHH Long Giang) trong vụ TNGT với xe tải chở sắt vụn làm 41 người thương vong tại Hòa Bình rạng sáng 17/6 không có GPLX (bị tước quyền sử dụng) khiến nhiều người bức xúc.

Đọc giả Nguyễn Thanh Chương (Hà Nội) cho rằng: "Doanh nghiệp quá xem thường hành khách và vô tâm treo tính mạng của con người cho tài xế không có tay nghề, với chủ xe cần bị xử lý nghiêm.

Còn độc giả Trương Minh Thành (Sơn La) bức xúc: "Doanh nghiệp làm ăn cầu thả, dung túng cho một lái xe không có tâm với nghề. Việc để một tài xế đã từng bị xử phạt về lỗi giao thông, thậm chí không còn bằng nữa điều khiển xe khách chạy đường dài đèo núi là một tội ác. Pháp luật cần phải xử nghiêm doanh nghiệp và đền bù xứng đáng cho các nạn nhân.

img
Luật sư Diệp Năng Bình chỉ rõ vi phạm của doanh nghiệp Long Giang trong vụ tai nạn

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật) cho rằng, hiện tại cơ quan điều tra chưa xác định được nguyên nhân gây ra tai nạn là ô tô khách hay xe tải nên chưa thể nói được bên nào sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự và dân sự trong vấn đề này. Tuy nhiên, theo thông tin báo chí nêu, vào thời điểm xảy ra tai nạn, tài xế xe khách bị tước bằng lái xe hai tháng nhưng vẫn lái xe. Do đó giả sử trong trường hợp này, tài xế xe khách là nguyên nhân gây ra tai nạn thì theo quy định sẽ bị xử lý ra sao?

Theo quy định của pháp luật, trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Như vậy, người tài xế xe khách vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ có hình thức xử phạt là tước GPLX có thời hạn thì trong khoảng thời hạn này, sẽ không được điều khiển xe ghi trong GPLX.

Nếu vẫn tiếp tục lái xe trong thời gian đang bị tước bằng này sẽ bị xử phạt với lỗi không có giấy phép lái xe hoặc xử lý hình sự theo Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Với tình tiết định khung làm chết 3 người trở lên thì tài xế xe khách sẽ bị xử phạt từ 7 năm đến 15 năm tù. Do tài xế xe khách đã tử vong nên sẽ không khởi tố vụ án.

Tuy nhiên, trong trường hợp này tài xế xe khách đã bị tước giấy phép trong 2 tháng nhưng chủ xe vẫn giao xe cho tài xế sử dụng xe, vậy cần phải xem xét là chủ xe có biết việc nhân viên của mình bị tước giấy phép lái xe hay không? Nếu người tài xế không cho chủ xe biết thì họ chỉ chịu trách nhiệm dân sự do hành vi gây ra tai nạn của nhân viên mình. Còn nếu như họ biết thì họ lại phải chịu trách nhiệm về hình sự lẫn dân sự cụ thể theo quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Theo đó, người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thì phải chịu trách nhiệm.

Cụ thể, với tình tiết làm chết 3 người trở lên thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Ngoài ra, chủ phương tiện còn phải đền bù thiệt hại dân sự do lỗi của nhân viên mình gây ra. Trách nhiệm bồi thường cho người và tài sản bị thiệt hại do hành vi vi phạm luật giao thông của mà nhân viên gây ra được thực hiện theo quy định của Bộ Luật dân sự.

Chủ xe có trách nhiệm bồi thường cho người bị tai nạn và tài sản bị thiệt hại. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, phù hợp với mức độ thiệt hại trên thực tế.

Chiều 24/6, đại diện lãnh đạo của Công ty TNHH Long Giang đã thừa nhận với PV Báo Giao thông về việc có biết anh Cao Xuân Hồng bị tước GPLX trước khi vụ TNGT xảy ra. Nhưng theo vị đại diện này thì anh Hồng chỉ là phụ xe, còn khi anh điều khiển thì không biết.

Trước đó, như Báo Giao thông đưa tin, khoảng 00h20 ngày 17/6 tại Km 134+300 trên QL6 thuộc địa bàn huyện Mai Châu, Hòa Bình xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng giữa xe tải chở sắt vụn BKS Lào UN-8500 do Nguyễn Thư Quỳnh (SN 1991, trú tại huyện Thanh Oai, Hà Nội) điều khiển chạy hướng Sơn La - Hà Nội và xe khách giường nằm BKS 27B -003.71 do Cao Xuân Hồng điều khiển chạy theo hướng ngược lại.

Hậu quả, vụ tai nạn khiến người 3 chết và 38 bị thương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.