Dấu hiệu hình sự của hai tài xế
Án mạng xảy ra chiều 4/3 tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ (Hà Nội) khiến tài xế taxi L.X.T (SN 1980) mang thương tích dẫn đến tử vong đang được dư luận quan tâm sau khi Công an quận Tây Hồ công bố kết quả điều tra.
Theo đó, hồi 16h ngày 4/3, anh T lái taxi đến khu vực đường kè hồ Tây thì va chạm với xe máy do Trần Duy Quang (SN 2003, quê Như Thanh, Thanh Hóa) điều khiển chở bạn gái phía sau. Xe máy do Quang điều khiển bị loạng choạng sau va chạm nên giữa anh T và Quang xảy ra tranh cãi.
Sau cuộc tranh cãi, anh L.X.T mở cốp xe lấy ra một vật tày (dài khoảng 40cm) đuổi đánh Quang. Lúc đó, Quang giơ tay đỡ và đấm vào mặt rồi cầm mũ bảo hiểm đập vào đầu anh L.X.T. Khi người dân can ngăn, hai bên lên xe rời đi.
Đến 20h30 ngày 4/3, thấy sức khỏe anh T diễn biến xấu, gia đình đưa người này đi cấp cứu nhưng nam tài xế taxi tử vong tại bệnh viện vào chiều 5/3.
Theo dõi nội dung vụ án vừa được công bố, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) xác định bản chất sự việc do hai bên xảy ra va chạm giao thông, xe máy của Quang loạng choạng sau đó các bên chủ động dừng xe tranh cãi trước khi xảy ra xô xát.
Theo Thượng tá Phạm Việt Công, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, khi xảy ra va chạm giao thông người dân cần xử sự đúng quy định pháp luật.
Trường hợp bị đối phương gây gổ hành hung, cần ghi âm, ghi hình lại để gửi cơ quan chức năng xử lý. Không nên gây gổ ngược lại vì có thể gây nguy hiểm cho bản thân, ảnh hưởng giao thông chung. Nếu không kiềm chế được, rất dễ gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng người khác và phải chịu xử lý của pháp luật.
Như vậy, dù không xảy ra hậu quả thiệt hại gì nghiêm trọng về tài sản và sức khỏe, nhưng hai bên xảy ra cãi vã, đánh nhau. Xét diễn biến cho thấy anh T đã lấy vật tày đuổi đánh Quang, sau đó Quang dùng tay đỡ rồi tấn công đối phương.
"Có thể thấy do yếu thế hơn, anh T có hung khí nhưng vẫn bị Quang dùng tay đỡ, đấm trả lại và dùng mũ bảo hiểm đánh lại vào vùng đầu", luật sư phân tích và cho rằng, anh T đã tử vong nên không có căn cứ xem xét về hành vi dùng vật tày đuổi đánh Quang (có thể gây thương tích cho Quang).
Đối với hành vi đánh nhau với anh T, Quang sử dụng vũ lực dùng tay đấm, dùng mũ bảo hiểm đánh vào vùng trọng yếu trên cơ thể (vùng đầu) gây tử vong.
Trên cơ sở đó, luật sư cho rằng nghi phạm đã có dấu hiệu hành vi giết người. Bởi lẽ, Quang buộc phải nhận thức được việc dùng vũ lực tác động vào vùng trọng yếu trên cơ thể người khác là nguy hiểm đến tính mạng.
"Tôi cho rằng lỗi của Quang là cố ý trực tiếp, dẫn đến hậu quả nạn nhân tử vong. Trong trường hợp này, người bị hại cũng có một phần lỗi dẫn tới việc bị đối tượng đánh tử vong", luật sư Thơm nhìn nhận.
Đánh trả khi bị tấn công có phải là phòng vệ chính đáng?
Sau khi Công an quận Tây Hồ công bố kết quả điều tra diễn biến vụ án, một số ý kiến cho rằng sau lúc xảy ra va chạm xe, tài xế taxi L.X.T dùng vật tày đuổi đánh người lái xe máy là Trần Duy Quang. Trong lúc xô xát, Quang dùng tay và mũ bảo hiểm tấn công lại anh T. Như vậy, hành vi của Quang có phải là một hình thức phòng vệ chính đáng?
Lý giải thắc mắc này, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nạn nhân đã dùng hung khí đuổi đánh nghi phạm trước, sau đó nghi phạm tấn công lại, hậu quả dẫn đến nạn nhân nhập viện rồi tử vong.
Hiện, cơ quan điều tra chưa chứng minh được đối tượng có mục đích giết người hoặc nhận thức được hành vi có thể dẫn đến chết người, nên mới khởi tố bị can về tội cố ý gây thương tích.
Theo ông Cường, ban đầu bị can Trương Duy Quang đã phòng vệ chính đáng bằng hành động giơ tay đỡ khi bị tài xế taxi dùng hung khí đuổi đánh.
Tuy nhiên, việc Quang tiếp tục dùng tay đấm và dùng mũ bảo hiểm đánh vào vùng trọng yếu của đối phương, đó là dấu hiệu cố ý gây thương tích. Điều này sẽ được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ diễn biến, đặc biệt là bị can tấn công lại có nhằm mục đích tước hung khí trên tay nạn nhân không, hay cố ý gây thương tích cho nạn nhân.
Cơ quan điều tra cũng cần làm rõ trước khi nạn nhân sử dụng vật tày đuổi đánh bị can, họ đã có những hành vi (lời nói, hành động) như thế nào, ý chí của các bên thể hiện ra sao, có nhằm gây thương tích cho nhau hay không.
Dẫn Điều 22 Bộ luật Hình sự, luật sư chỉ ra rằng mọi công dân đều được quyền thực hiện hành vi phòng vệ chính đáng là chống trả lại một cách cần thiết đối với hành vi của người khác đang tấn công gây thiệt hại đến mình hoặc người khác.
"Việc sử dụng vũ lực trong tình huống này là để triệt tiêu vũ lực của người đang tấn công gây thiệt hại đến sức khỏe, đe dọa đến tính mạng của mình", luật sư nói.
Ngoài ra, khi xác định bản chất vụ việc là đánh nhau hay phòng vệ còn phụ thuộc vào tương quan lực lượng, phụ thuộc vào vũ khí, hung khí mà các bên sử dụng, phụ thuộc vào vị trí tấn công, cường độ tấn công, mức độ thiệt hại và thái độ sau khi sự việc xảy ra của các bên.
Theo luật sư Cường, hành vi của Trần Duy Quang đã xâm phạm đến sức khỏe của người khác, gây hậu quả nghiêm trọng.
"Quang có thể không nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến chết người, cũng có thể không mong muốn hậu quả chết người xảy ra. Do đó, cơ quan công an điều tra đối tượng này về hành vi cố ý gây thương tích là đúng", luật sư phân tích.
Đáng chú ý, luật sư Cường cho rằng nếu bị can sử dụng hung khí nguy hiểm đánh vào vùng trọng yếu, bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra thì căn cứ vào Án lệ số 47/2021/AL của TAND tối cao có thể chuyển tội danh sang tội giết người.
Theo các chuyên gia, đây là một trong những vụ án hình sự xảy ra mà nguyên nhân xuất phát từ va chạm giao thông, do thiếu kiềm chế cảm xúc của các bên dẫn đến xô xát, gây hậu quả chết người.
Vụ án này tiếp tục là bài học cảnh tỉnh về hành vi ứng xử khi tham gia giao thông. Nếu va chạm giao thông mà các bên xông vào đánh nhau, cố ý gây thương tích cho nhau hoặc cố tình xâm phạm đến tính mạng của người khác, thì rõ ràng đây là hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận