Hỏi - Đáp

Vụ tài xế tông bảo vệ tử vong: Có được phép khóa xe đỗ trong khu đô thị?

30/03/2023, 13:08

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là bảo vệ có được phép khóa bánh xe của các phương tiện vi phạm nội quy của chung cư, khu đô thị.

Vụ việc tài xế Trịnh Bá Trọng điều khiển xe ô tô tông thẳng vào một nhân viên bảo vệ của khu đô thị Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm, TP Hà Nội) chỉ vì trước đó bị nhắc nhở việc đỗ xe không đúng quy định, dẫn đến nhân viên bảo vệ này tử vong đang khiến dư luận xôn xao, phẫn nộ.

Trong vụ việc này, tài xế Trọng đã vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Nếu cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy tài xế này do thù tức với người bảo vệ và đã sử dụng phương tiện giao thông (nguồn nguy hiểm cao độ) để đâm thẳng vào, bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra hoặc mong muốn hậu quả chết người xảy ra, thì đây là hành vi giết người.

Tài xế ô tô này có thể bị xử lý hình sự về tội giết người theo điều 123 Bộ luật Hình sự (có thể phạt tù từ 12 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình) với tình tiết tăng nặng là có tính rất chất côn đồ và sử dụng phương tiện có thể gây nguy hại đến nhiều người.

img

Hiện trường vụ việc tài xế tông tử vong nhân viên bảo vệ tại khu đô thị

Qua vụ việc này, việc bảo vệ khóa bánh những phương tiện đậu đỗ tại đường nội bộ của các khu đô thị một lần nữa được cộng đồng bàn luận.

Một số người cho rằng, xe ô tô đậu đỗ tràn lan, gây cản trở giao thông tại khu đô thị, vi phạm quy chế khu đô thị nên việc lực lượng bảo vệ khóa bánh xe, xử phạt là đúng. Tuy vậy, một số ý kiến khác cho rằng, đang có hiện tượng lạm quyền khi bảo vệ tại các khu đô thị can thiệp vào tài sản riêng của người khác.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Bảo (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Khoản 2 Điều 100 Luật Nhà ở năm 2014 quy định: Đường nội bộ thuộc về phần sở hữu chung của nhà chung cư, cụ thể đây là hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nhưng được kết nối với nhà chung cư đó.

Tuy nhiên, nếu hệ thống hạ tầng kỹ thuật sử dụng vào mục đích công cộng hoặc thuộc diện phải bàn giao cho Nhà nước theo nội dung dự án đã được phê duyệt thì đây không được xem như phần sở hữu chung của nhà chung cư.

Như vậy, trong trường hợp này, nếu đường nội bộ thuộc về phần sở hữu chung của nhà chung cư, Ban Quản lý tòa chung cư có quyền thay mặt các chủ sở hữu thực hiện việc quản lý theo Quy chế quản lý nhà chung cư mà Bộ Xây dựng đã hướng dẫn trong Thông tư 02/2016/TT - BXD.

Việc đỗ xe không đúng vị trí có thể bị coi là hành vi lấn chiếm không gian và các phần thuộc sở hữu chung của khu chung cư, theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Luật Nhà ở 2014, cho nên việc áp dụng hình thức xử lý là "khóa bánh xe" là đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp thứ hai, nếu đường nội bộ là hệ thống hạ tầng kỹ thuật được sử dụng vào mục đích công cộng hoặc thuộc diện phải bàn giao cho Nhà nước, thì đường nội bộ không được coi là phần sở hữu chung của nhà chung cư.

Trường hợp này, hành động bảo vệ khóa bánh xe của cư dân, khách tới khu đô thị sẽ là trái pháp luật, xâm phạm quyền sở hữu đối với chủ phương tiện. Việc xem xét, xử lý hành vi vi phạm trong trường hợp này thuộc về chính quyền địa phương.

Trong trường hợp vụ việc xảy ra ở khu đô thị Vinhomes Ocean Park, toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật bao gồm đường nội bộ đều thuộc sở hữu của khu đô thị này nên mọi cư dân, khách tới đây đều phải tuân thủ quy định mà khu đô thị này đưa ra, thống nhất trong đó có quy định khu vực không được phép dừng, đỗ xe.

Do đó, bảo vệ khu đô thị có quyền thực hiện các biện pháp tình thế như khóa bánh xe để xử lý hành vi vi phạm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.