Thách thức lớn ngay đầu nhiệm kỳ
Theo AP, một tuần trước, Tổng thống Nga Putin vừa ăn mừng sau chiến thắng vang dội trong cuộc chạy đua vào Điện Kremlin lần thứ 5. Ông Putin khi đó được bao quanh bởi những thanh niên trẻ tuổi tràn đầy nhiệt huyết mặc những chiếc áo phông mang dòng chữ “Putin - Nga - Chiến thắng”. Tất cả đã mang đến một hình ảnh vị Tổng thống tràn đầy tự tin của nước Nga.
Một tuần sau, sự việc thảm sát bất ngờ xảy ra, Tổng thống Nga Putin xuất hiện trên truyền hình quốc gia với vẻ mặt đầy đau buồn trấn an người dân sau vụ tấn công khủng bố nhằm vào một buổi biểu diễn nhạc rock ở ngoại ô Moscow gây rúng động cả thế giới.
Hình ảnh về một vị Tổng thống Nga chủ động, mạnh mẽ và đầy bản lĩnh một lần nữa lại bị thách thức nghiêm trọng.
Ông Mark Galeotti, người đứng đầu Mayak Intelligence – công ty tư vấn tình báo hàng đầu có trụ sở tại London, Anh nhận định, vụ tấn công đẫm máu tại Crocus tác động mạnh tới hình ảnh “người bảo vệ Tổ quốc cứng rắn” của ông Putin.
Tuy nhiên, chính ông Galeotti cũng bác bỏ những cáo buộc rằng giới chức Điện Kremlin phản ứng chậm trong vụ tấn công khủng bố ở Crocus và khẳng định rất khó có thể ngăn chặn những âm mưu tấn công khủng bố như vậy.
“Sẽ rất khó để xác định được các âm mưu tấn công khủng bố có quy mô riêng lẻ như vậy. Đôi khi những tên khủng bố vẫn thành công dù bạn có một lực lượng phản gián, lực lượng an ninh tốt như thế nào đi chăng nữa” - ông Galeotti nói.
Ông Colin Clarke chuyên gia phân tích về khủng bố tại Trung tâm Soufan nhận định, những bằng chứng tại hiện trường cho thấy 4 tay súng khủng bố đều là những kẻ giàu kinh nghiệm và được huấn luyện bài bản.
“Nếu theo dõi những video của vụ tấn công này, bạn sẽ nhận thấy cách thức nổ súng, cách giữ cự ly đội hình trong suốt quá trình. Qua đó có thể thấy chúng đều được huấn luyện kỹ càng. Chúng dường như không thể là những gã từ một nơi nào đó nghe theo những lời tuyên truyền của IS và quyết định phải làm gì đó. Tôi có thể đặt cược rằng chúng đã được huấn luyện ở Afghanistan”, ông Clarke khẳng định.
Những lần Tổng thống Nga đối mặt thách thức an ninh
Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Nga Putin đối mặt với những thách thức về an ninh quy mô lớn.
Còn nhớ lần đầu tiên khi ông đảm nhiệm cương vị quyền Tổng thống Nga trong ngày cuối cùng của năm 1999, vị cựu sỹ quan tình báo KGB của Nga này đã lên tiếng khẳng định quyết tâm đánh đuổi đến cùng những kẻ khủng bố Chechen ở nước Cộng hòa Hồi giáo Chechnya thuộc liên bang Nga mà ông cáo buộc đã tiến hành hàng loạt vụ đánh bom nhằm vào các tòa nhà ở các tỉnh lân cận.
Chiến thắng tại Chechnya không chỉ giúp củng cố vị thế của Tổng thống Putin trong giai đoạn đầu nắm quyền khi nước Nga còn đang bộn bề gian khó mà còn là lời khẳng định đanh thép của ông rằng Nga không bao giờ thỏa hiệp với những kẻ tấn công khủng bố mà sẽ luôn tìm mọi cách để khiến chúng phải trả giá đắt nếu động đến sự an toàn của người dân và an ninh của Nga.
Điều này càng được củng cố rõ ràng hơn 4 năm sau đó, khi nước Nga một lần nữa phải hứng chịu một vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhằm vào một trường học ở Beslan, Bắc Ossetia hồi tháng 9/2004 khiến hơn 300 người thiệt mạng và 800 người khác bị thương. Những kẻ khủng bố sau đó đã bị các lực lượng đặc nhiệm của Nga trấn áp và bắt giữ.
Phát biểu sau thảm kịch Breslan, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh: “Như tôi đã nói rất nhiều lần, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, các cuộc bạo loạn chống đối, các hành động khủng bố. Nhưng lần này, tội ác mà những kẻ khủng bố gây ra là chưa từng có tiền lệ, phi nhân tính và tàn bạo. Đó không chỉ là thách thức đối với Tổng thống, Quốc hội hay chính quyền mà là thách thức với toàn nước Nga, toàn thể người dân Nga. Nước Nga đang bị tấn công.
Những kẻ khủng bố tin rằng chúng mạnh hơn chúng ta. Chúng nghĩ rằng chúng có thể khiến chúng ta run sợ trước sự tàn bạo của chúng, đánh gục ý chí của chúng ta và khoét sâu vào sự chia rẽ trong xã hội. Dường như chúng ta phải lựa chọn – hoặc chống lại chúng hoặc chấp thuận theo những yêu sách của chúng để mặc chúng hủy hoại nước Nga với hy vọng rằng cuối cùng chúng cũng để chúng ta yên”.
Ông Putin cũng khẳng định: “Chúng ta đã trải qua những ngày cực kỳ gian khó và đau buồn. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới tất cả những người đã thể hiện rõ sự quật cường và trách nhiệm của họ với tư cách là những công dân Nga. Chúng ta đã và sẽ luôn mạnh hơn những kẻ khủng bố nhờ tinh thần bất khuất, lòng can đảm và tinh thần đoàn kết”.
Không khoan nhượng, bất kể là ai
Tinh thần không khoan nhượng trước khủng bố này một lần nữa được ông Putin thể hiện sau vụ tấn công đẫm máu ở Crocus khiến 137 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương diễn ra ngày 22/3 vừa qua. Tổng thống Nga nghi ngờ những kẻ khủng bố này “có liên hệ với Ukraine và đang tìm cách chuồn sang nước này”.
Ông Putin cũng gọi chúng là “khủng bố quốc tế” và cam kết sẵn sàng hợp tác với bất kỳ quốc gia nào muốn đánh bại những tay súng này.
“Tất cả những kẻ giật dây, lên kế hoạch và ra lệnh tiến hành tội ác này sẽ bị trừng phạt thích đáng bất kể họ là ai và ai đang chỉ đạo. Chúng tôi sẽ tìm ra và trừng phạt bất kỳ kẻ nào đứng sau những tên khủng bố, những kẻ lên kế hoạch tàn bạo chống lại nước Nga và người dân” - nhà lãnh đạo Nga tuyên bố đanh thép.
Trái với những thông tin xác nhận từ phía Mỹ rằng IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công khủng bố nói trên, ông Putin cho biết Nga đã bắt giữ 11 kẻ tình nghi trong đó có 4 tay súng.
“Những kẻ này đã tìm cách lẩn trốn sang Ukraine nơi có một cánh cửa đã mở sẵn cho chúng vượt biên” - ông Putin nói.
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Andrei Kartapolov cảnh báo nếu Ukraine có dính dáng đến vụ việc này, Nga sẽ có câu trả lời “rõ ràng, cụ thể và chính đáng” trên chiến trường.
Tổng thống Ukraine Zelensky đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của ông Putin rằng Kiev có mối liên hệ với những tên khủng bố.
Ông Zelensky chỉ trích Tổng thống Nga đang coi vụ Crocus là cái cớ để đẩy mạnh chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine bởi trước đó ông Putin từng tuyên bố sau khi trúng cử Tổng thống lần thứ 5 rằng Nga sẽ tìm cách thiết lập vùng đệm ở Ukraine để bảo vệ người dân Nga khỏi các cuộc tấn công tầm xa hoặc xuyên biên giới. Tổng thống Putin cũng cảnh báo không làm ngơ trước các cuộc tấn công mà Ukraine tiến hành dọc biên giới với Nga.
Trong khi đó, giới chức Mỹ khẳng định họ đã chia sẻ thông tin tình báo về nguy cơ tấn công khủng bố tại Nga từ một tháng trước và nhấn mạnh Ukraine không có liên quan gì đến vụ việc này.
Nhưng theo giới chức Mỹ, lúc đó ông Putin đã phớt lờ cảnh báo của họ, cáo buộc đây là nỗ lực của phương Tây nhằm gây hoảng sợ cho người dân Nga, hạ uy tín của điện Kremlin trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Nga.
Theo giới chức Mỹ họ đã có đủ bằng chứng cho thấy Tổ chức khủng bố IS đã đứng ra nhận trách nhiệm cho vụ tấn công khủng bố ở Crocus khiến 133 người thiệt mạng. Tuy nhiên, Nga nghi ngờ Ukraine liên quan đến vụ việc trên còn Tổng thống Zelensky cũng cáo buộc Nga muốn đổ lỗi cho Ukraine về vụ khủng bố.
Giới chức Nga đang tiếp tục điều tra sau khi bắt giữ 11 kẻ tình nghi liên quan đến vụ việc. Nga đã dành một ngày quốc tang tưởng niệm những nạn nhân của vụ khủng bố. Mọi hoạt động văn hóa, giải trí tạm dừng và các tòa nhà, công trình trên toàn nước Nga đều treo cờ rủ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận