Xã hội

Vụ tàu thép 67: Ngậm ngùi nhận đền bù "bèo bọt"!

05/04/2018, 18:24

Sau 27 cuộc họp, các bên vẫn chưa đi đến thống nhất chung trong vụ tàu vỏ thép 67 hư hỏng.

anh

Do quá mệt mỏi với các cuộc họp, ngư dân có tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/CP bị hư hỏng đành phải nhận những khoản đền bù không như mong muốn.

 Sau cuộc họp cuối cùng ở Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định vào ngày 2/4, hai đơn vị đóng tàu là Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã có buổi làm việc trực tiếp với ngư dân ở các địa phương có tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/CP bị hư hỏng. 

Ngày 5/4, ông Nguyễn Công Bình, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định cho biết, 5 chủ tàu vỏ thép hư hỏng ở tỉnh này đã cơ bản thỏa thuận xong với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) về mức hỗ trợ thiệt hại do tàu hư hỏng gây ra. Tại các buổi làm việc vào ngày 3 - 4/4 tại UBND hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát với sự chủ trì của lãnh đạo UBND các huyện cùng các cơ quan, ban ngành liên quan, các ngư dân đã đồng ý với một số khoản hỗ trợ. Theo đó, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương thống nhất hỗ trợ tổng số tiền 881 triệu đồng cho cả 5 chủ tàu so với mức yêu cầu là 5,3 tỷ từ phía ngư dân.

Ngư dân Mai Văn Chương ở xã Cát Hải (huyện Phù Cát, Bình Định) ngán ngẩm: “Qua thời gian dài tàu nằm bờ tôi thiệt hại đến hơn 1 tỷ đồng. Thế nhưng doanh nghiệp không đồng ý đền bù, chỉ hỗ trợ 176 triệu đồng, lý do họ đưa ra là vì… công ty thua lỗ, hết vốn, sắp phá sản! Giờ như của đổ đi hốt lại, đành nhận được đồng nào thì được, chứ tôi quá mệt mỏi chuyện họp hành, đôi co, giờ mà khởi kiện thì tụi tôi không có thời gian hầu tòa, còn phải đi biển kiếm tiền bù lỗ nữa!”.

Ngoài ông Chương, Công ty Đại Nguyên Dương hỗ trợ cho 2 chủ tàu Nguyễn Văn Mạnh và Nguyễn Văn Lý mỗi người 136 triệu đồng, Trần Minh Vương 208 triệu đồng, Võ Tuân 225 triệu đồng. "Họ hẹn trong 1 tháng sẽ trả cho chúng tôi bằng tiền mặt, nếu không chủ tàu sẽ khởi kiện ra tòa", ông Trần Minh Vương cho hay.

Đến giờ này, vướng mắc còn chưa giải quyết được giữa ngư dân và doanh nghiệp đóng tàu là khoản lãi suất ngân hàng trong thời gian tàu nằm bờ sửa chữa. “Vẫn còn 1 điểm chưa thể đi đến thống nhất giữa các chủ tàu và doanh nghiệp đóng tàu là phân chia mức trả lãi ngân hàng trong thời gian sửa chữa tàu. Chúng tôi tiếp tục lập biên bản để báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo xử lý”, ông Lê Công Bình, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết.

Ngoài Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, hiện Công ty Nam Triệu (Bộ Công an) cũng đang thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ với 14 chủ tàu vỏ thép hỏng do công ty này đóng. 14 chủ tàu vỏ thép này thống kê thiệt hại của họ là 27,8 tỉ đồng. Theo lịch, Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu sẽ kết thúc việc thỏa thuận vào ngày 6/4 tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.