Xã hội

Vụ “tàu thép 67”: Ngư dân bị ngân hàng “giam” sổ đỏ

02/06/2017, 13:35

Để được giải ngân tiền vay đóng tàu vỏ thép, hai ngư dân ở Bình Định đã bị ngân hàng giam sổ đỏ.

Ngan-hang-giam-so-do-cua-ngu-dan-1

Tàu vỏ thép BĐ 99029 TS của ngư dân Trần Văn Hạo hư hỏng phải nằm bờ sửa chữa.

Ngân hàng "lừa" ngư dân giam sổ đỏ?

Theo phản ánh của ngư dân Trần Văn Hạo (trú phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, Bình Định) chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99029 TS ông suất 940 CV, trị giá hơn 18,7 tỷ đồng (đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu) ngày 28/8/2015, ông Hạo ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng TMCP Ngoại thương chi nhánh Bình Định vay 17,7 tỉ đồng (tương ứng 94% giá trị con tàu).

Sau khi ký hợp đồng, theo hướng dẫn của nhân viên ngân hàng, ông Hạo nộp tiền đối ứng 6% (hơn 1 tỷ đồng) và giao sổ đỏ để ngân hàng giữ. Lúc ký hợp đồng tín dụng, nhân viên ngân hàng tự viết giấy tự nguyện thế chấp sổ đỏ và hướng dẫn vợ ông Hạo là bà Nguyễn Thị Thúy Hoan ký.

“Tôi chỉ nghĩ giao sổ đỏ làm tin, đóng tàu xong sẽ lấy lại. Cũng theo hướng dẫn của nhân viên ngân hàng, tôi phải nộp gần 10 triệu đồng chi phí để hoàn thành việc công chứng sổ đỏ. Năm 2016, sau khi tàu đóng xong tôi đưa đầy đủ hồ sơ thế chấp con tàu cho ngân hàng và đòi lại sổ đỏ nhưng ngân hàng không trả” - bà Hoan nói.

“Theo quy định ngân hàng chỉ thu vốn đối ứng 5%, nhưng ngân hàng TMCP Ngoại thương chi nhánh Bình Định lại thu đến 6% nhưng lại giữ sổ đỏ của tôi. Tôi được biết tôi không phải thế chấp tài sản khác ngoài thế chấp con tàu hình thành từ vốn vay. Nhưng tàu đóng xong đã lâu mà ngân hàng vẫn không trả sổ đỏ cho tôi”, ông Hạo tiếp lời.

Ngan-hang-giam-so-do-cua-ngu-dan-2

Ngư dân Hạo đã cầu cứu khắp nơi việc bị ngân hàng giam sổ đỏ.

Theo ông Hạo, đến kỳ hạn trả nợ gốc quý I/2017 (vào ngày 10/3/2017), ông phải trả 295 triệu đồng tiền nợ gốc được trả nhiều đợt theo hợp đồng. nhưng do tàu thép liên tục hỏng ông Hạo không có tiền trả đúng hạn nên tiền vay 17,7 tỉ đồng đã bị ngân hàng chuyển sang nợ quá hạn.

Để có tiền trả nợ 2 đợt (quý I và quý II/2017), ông Hạo yêu cầu ngân hàng TMCP Ngoại thương Chi nhánh Bình Định cho vay lưu động số tiền 600 triệu đồng từ tài sản thế chấp là sổ đỏ đang bị ngân hàng giữ nhưng không được đáp ứng.

Ngư dân Trương Hoài Khánh (trú phường Đống Đa), chủ tàu cá vỏ thép số hiệu BĐ 99279 TS công suất 940 CV, trị giá 18,7 tỷ đồng đóng tại công ty TNHH MTV Nam Triệu cũng rơi vào cảnh tương tự khi phải nộp 6% tiền đối ứng trong số vốn vay 17,7 tỉ đồng và sổ đỏ cũng đã bị ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam giữ.

“Trước khi vay đóng tàu theo Nghị định 67, sổ đỏ của gia đình tôi đang thế chấp cùng món nợ 300 triệu đồng. Nhân viên ngân hàng lên nhà bảo thế chấp sổ đỏ để tạo niềm tin vay vốn đóng tàu vỏ thép nên tôi phải vay mượn khắp nơi trả hết khoản nợ đó. Lúc đó phía ngân hàng tự mang sổ đi công chứng, tôi nghĩ đóng tàu xong, ngân hàng sẽ trả lại sổ đỏ để ngư dân vay vốn làm ăn nhưng tàu đóng xong chúng tôi đòi lại sổ thì ngân hàng không trả” – ông Khánh nói.

Yêu cầu trả sổ đỏ cho ngư dân

Trao đổi với Báo Giao thông qua điện thoại, ông Nguyễn Tấn Ngọc, Phó giám đốc ngân hàng TMCP Ngoại thương chi nhánh Bình Định thừa nhận có giữ 2 sổ đỏ của ngư dân và cho rằng việc thế chấp được thực hiện theo đúng quy định?!. Tuy nhiên ông Ngọc cũng nói rằng mình là cấp phó nên không đủ thẩm quyền cung cấp thông tin cho báo chí.

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định cho biết đã đề nghị UBND TP Quy Nhơn vào cuộc làm rõ vụ việc để tham mưu UBND tỉnh ra văn bản thông báo cho Ngân hàng Nhà nước đề nghị xem xét vụ việc. 

Còn ông Phan Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế TP Quy Nhơn cho biết, sắp tới UBND TP Quy Nhơn sẽ có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Ngân hàng TMCP Ngoại thương chi nhánh Bình Định trả lại sổ đỏ cho hai chủ tàu theo quy định. "Nếu trước đây ngư dân tự nguyện giao sổ đỏ cho ngân hàng, đến lúc ngư dân muốn lấy lại thì ngân hàng phải trả mới đúng. Vì theo quy định của Nghị định 67 tài sản thế chấp không liên quan đến nhà cửa, đất đai của ngư dân" - ông Tuấn nói.

Trước đó, tại buổi làm việc giữa các bên tham gia Nghị định 67/2014/NĐ-CP do UBND tỉnh Bình Định chủ trì, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định việc giữ sổ đỏ của ngư dân là không đúng quy định. Ông Châu yêu cầu ngân hàng không đòi hỏi giữ sổ đỏ và trả lại sổ đỏ đang giữ cho ngư dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.