Pháp đình

Vụ thất thoát 1.000 tỷ tại VCB Tây Đô: Vì sao tòa bất ngờ trả hồ sơ?

21/02/2019, 19:10

Sau 2 ngày xét xử, HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ thất thoát 1.000 tỷ tại VCB Tây Đô do phát sinh tình tiết mới.

img
Các bị cáo tại phiên tòa

Ngày 21/2, bước vào ngày xét xử thứ 2 vụ đại án thất thoát hơn 1.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Tây Đô (VCB Tây Đô), các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình theo cáo trạng quy kết.

Các bị cáo trong vụ án gồm: Nguyễn Minh Chuyển (SN 1965), nguyên Giám đốc VCB Tây Đô; Trần Anh Huy (SN 1972), nguyên Trưởng Phòng khách hàng; Nguyễn Hữu Nghĩa (SN 1971), cán bộ VCB Tây Đô, cùng bị truy tố về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

8 bị cáo là giám đốc các doanh nghiệp bị đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm: Nguyễn Hùng Cường (SN 1971); Nguyễn Công Trừng (SN 1982); Võ Vũ Bình (SN 1974); Hoàng Cao Thám (SN 1984); Trang Hồng Sơn (SN 1982); Võ Hoàng Thám (SN 1987); Trịnh Minh Tú (SN 1964); Nguyễn Thanh Hùng (SN 1968).

Phiên tòa tập trung vào làm rõ hành vi vi phạm của các bị cáo. Theo đó, từ năm 2010- 2014, Nguyễn Hùng Cường, Nguyễn Công Trừng (cả hai đều là em ruột của Nguyễn Minh Chuyển) đã chỉ đạo cho anh, em trai, nhân viên Công ty Nam Sông Hậu đứng tên thành lập một số doanh nghiệp hoặc sử dụng một số doanh nghiệp đã có sẵn, gồm: Công ty TNHH Hùng Tiến; Công ty XNK Đông Tiến; Công ty TNHH TM DV XD Công trình 79; Công ty TNHH XNK Thành Vinh; Công ty TNHH Thủy Hải sản An Phúc; Công ty TNHH Thủy sản Quốc Bửu; Công ty TNHH Thủy sản Long Hải Miền Tây; Công ty TNHH TMDV Amatavina; Công ty TNHH Lâm Ngọc Linh.

Bằng các thủ đoạn gian dối như lập khống chứng từ, giả chứ ký, giả danh người khác để làm hồ sơ vay vốn chiếm đoạt hơn 243 tỷ từ VCB Tây Đô.

Tương tự Nguyễn Công Trừng, Cao Hoàng Thám, Trần Văn Anh Duy, Võ Vũ Bình, Võ Hoàng Thám, Trang Hồng Sơn, Trịnh Minh Tú, Nguyễn Thanh Hùng bằng những thủ đoạn nói trên cũng đã lập hồ sơ khống để vay vốn nhằm chiếm đoạt trên 1.000 tỷ tiền của VCB Tây Đô.

Về phía ngân hàng, Nguyễn Minh Chuyển, Trần Anh Huy, Nguyễn Hữu Nghĩa đã chỉ đạo, ép buộc cán bộ tiếp nhận hồ sơ dùng những thủ đoạn gian dối lập các hợp đồng tín dụng và hợp đồng tín dụng hạn mức.

Sau khi Trần Anh Huy và Nguyễn Hữu Nghĩa ký xác nhận trình giám đốc, Nguyễn Minh Chuyển không tổ chức họp Hội đồng tín dụng Cơ sở mà lập khống Biên bản họp sau đó chuyển cho các thành viên khác ký xác nhận để hợp thức hóa việc cho vay.

Bằng thủ đoạn này, từ năm 2010- 12/2014, Nguyễn Minh Chuyển, Trần Anh Huy, Nguyễn Hữu Nghĩa và một số cán bộ của VCB Tây Đô ký và thực hiện hiện 56 HĐTD cho 41 doanh nghiệp thuộc 06 nhóm khách hàng: Nhóm Nam Sông Hậu, Nhóm Du lịch Đại Dương, Nhóm Cơ khí Tây Đô, Nhóm An Đô, Nhóm Thép Đông Dương, Nhóm Trường Nguyên, với số tổng số tiền giải ngân là trên 2.400 tỷ gây thiệt hại cho VCB Tây Đô trên 1.800 tỷ.

Tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi vi phạm. Nguyễn Minh Chuyển, Trần Anh Huy, Nguyễn Hữu Nghĩa thừa nhận đã không thực hiện đúng theo quy chế cho vay của Ngân hàng nhà nước từ đó dẫn đến thiệt hại nói trên. Riêng Huy và Nghĩa mong HĐXX xem xét vì chỉ là người làm công ăn lương, là thuộc cấp nên phải làm theo sự chỉ đạo của cấp trên.

Tuy nhiên, chiều cùng ngày, HĐXX bất ngờ tạm hoãn phiên toà, quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung do nhóm doanh nghiệp của Trịnh Minh Tú xuất trình chứng cứ mới cho thấy giá trị tài sản thế chấp cao hơn số dư nợ. Đồng thời, toà còn yêu cầu làm rõ vai trò của từng người đối với việc tạo ra doanh nghiệp mới để đảo nợ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.