Liên quan đến vụ “Dân bức xúc vì trạm trộn bê tông gây ô nhiễm nghiêm trọng” ở Bạc Liêu mà Báo Giao thông đã phản ánh, ông Lữ Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu cho biết, có nhận được phản ánh như báo nêu và khẳng định trạm trộn bê tông tươi Đức Trọng chưa có giấy phép hoạt động. Đồng thời, cử đại diện Thanh tra Sở làm việc trực tiếp với phóng viên (PV).
Hoạt động bất chấp pháp luật
Tiếp xúc với PV, ông Nguyễn Hữu Danh, Phó Chánh thanh tra Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu cho biết, sau khi nhận được phản ánh của Báo Giao thông, Sở đã kiểm tra và có báo cáo gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo đó, ngày 28/5, Thanh tra Sở đã phối hợp với Phòng TN&MT thành phố Bạc Liêu và UBND phường 8 kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại trạm trộn bê tông tươi Đức Trọng, thuộc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư xây dựng Đức Trọng (gọi tắt là Công ty, đường 23/8, khóm 3, phường 8, TP Bạc Liêu, Bạc Liêu), do ông Trần Đức Trọng làm Giám đốc.
Tại thời điểm kiểm tra, trạm trộn đang sản xuất công suất khoảng 100-150m3/ngày. Trong khi đó, Công ty chưa có giấy phép, chưa thực hiện các thủ tục về môi trường theo quy định của pháp luật. Vì vậy, Đoàn kiểm tra đã đề nghị trạm trộn bê tông tươi Đức Trọng ngưng hoạt động, sớm hoàn thiện các thủ tục về môi trường trước khi được hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, Công ty không đồng ý và yêu cầu tiếp tục hoạt động với lý do để hoàn thành các hợp đồng đã ký kết với đối tác.
Đến ngày 2/6, các hộ dân bị ảnh hưởng bởi trạm trộn bê tông tươi Đức Trọng có đơn yêu cầu xử lý trạm trộn này gây ô nhiễm môi trường.
Tiếp nhận đơn khiếu nại của người dân, ngày 9/6, Sở TN&MT đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường, (Công an tỉnh Bạc Liêu), Phòng TN&MT TP Bạc Liêu và UBND phường 8 làm việc với ông Trần Đức Trọng.
Tại buổi làm việc, ông Trọng cho biết, năm 2014, Công ty được UBND tỉnh Bạc Liêu tạm thời chấp thuận đặt trạm trộn bê tông trên phần đất Công ty cổ phần kho vận An Phước (thuê trong Khu công nghiệp Trà Kha với thời hạn 2 năm) để thực hiện các công trình trọng điểm của tỉnh theo Thông báo số 96 ngày 24/7/2014 của UBND tỉnh Bạc Liêu, do bà Cao Xuân Thu Vân, Chánh Văn phòng UBND tỉnh ký (hiện là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu).
Từ năm 2016 đến nay, Công ty đã nhiều lần kiến nghị cho trạm trộn bê tông này tồn tại, nhưng vẫn chưa được UBND tỉnh chấp thuận, bởi không phù hợp với quy hoạch về đất đai, môi trường.
Đến năm 2018, Công ty di dời trạm trộn bê tông sang phần đất kế bên ngoài Khu công nghiệp Trà Kha do Công ty tự nhận chuyển nhượng.
“Sở đã đề nghị Công ty cho trạm trộn bê tông ngưng hoạt động, nhưng ông Trọng có xin phép được tiếp tục hoạt động trong 45 ngày để vừa hoạt động, vừa làm thủ tục về môi trường, vừa thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chúng tôi chỉ ghi nhận chứ không chấp nhận. Đồng thời, đề nghị trạm trộn bê tông Đức Trọng ngưng hoạt động, sớm hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật và giao UBND phường 8 giám sát, báo cáo kịp thời”, ông Danh cho hay.
Mặc dù đã bị đề nghị tạm ngừng hoạt động, nhưng ngày 17/6, UBND phường 8 có báo cáo về việc trạm trộn này vẫn tiếp tục hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của các hộ dân tại khu vực.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Khi PV đặt vấn đề trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm về môi trường, trạm trộn bê tông Đức Trọng có nằm trong danh sách hay không?, ông Danh nói: “Kế hoạch kiểm tra đối với những doanh nghiệp đã có đề án, giấy cam kết và có danh mục. Còn những đơn vị hoạt động theo kiểu lén lút, không hợp pháp thì địa phương phản ánh lên mình mới xử lý”, ông Danh thông tin và cho biết thêm sau khi có đơn thư phản ánh của người dân, Sở mới biết trạm trộn bê tông tươi Đức Trọng có hoạt động.
Ông Danh cũng khẳng định, trước khi Báo Giao thông điện tử có bài phản ánh (ngày 28/5/2020), Sở TN&MT không phát hiện trạm trộn bê tông tươi Đức Trọng có hoạt động.
PV tiếp tục đặt vấn đề, trạm trộn bê tông Đức Trọng hoạt động vô phép như thế trong thời gian dài, bất chấp pháp luật thì trách nhiệm thuộc về ai?, ông Danh nói: “Do nó (trạm trộn bê tông tươi Đức Trọng - PV) hoạt động “lậu” và trách nhiệm ai cũng có quyền phát hiện, nhưng cụ thể chính quyền địa phương phải nắm và phản ánh lên”.
“Dù có phân cấp Quản lý Nhà nước, nhưng trên địa bàn của anh thì anh phải có trách nhiệm báo cáo”, ông Danh nhấn mạnh.
Theo ông Danh, trong khoảng 2 năm nay, Thanh tra Sở TN&MT không nhận được đơn và không nhận được phản ánh nào của phường.
“Tôi đi qua cũng thấy trạm trộn bê tông này, nhưng không biết có hoạt động hay không. Theo bà con trước đây vẫn có trộn mà ít, có khi bà con cũng không quan tâm lắm. Từ khi khởi công xây dựng ở đường Trần Huỳnh, phường 7, TP Bạc Liêu, trạm trộn này hoạt động ngày đêm thì bà con mới ngồi lại để làm đơn yêu cầu, khiếu nại”, ông Danh thông tin.
Liên quan đến vụ việc trên, chiều 1/7, PV Báo Giao thông liên hệ với Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Bạc Liêu) để nắm thêm thông tin, nhưng cán bộ Trực ban cho biết lãnh đạo Phòng đang đi công tác không có ở đơn vị, nên hẹn khi khác sẽ liên hệ lại và cung cấp thông tin sau.
Như Báo Giao thông đã đưa tin, thời gian qua, nhiều hộ dân ở đường 23/8, khóm 3, phường 8, TP Bạc Liêu (Bạc Liêu) phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường từ trạm trộn bê tông Đức Trọng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt, do trạm trộn bê tông Đức Trọng thải ra 24/24.
Bên cạnh đó, tất cả đồ, vật dụng trong nhà như: tủ lạnh, bàn, ghế... luôn bị phủ lên một lớp bụi xi măng. Ban đên máy móc hoạt động gây ồn ào làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Điều đáng nói là mặc dù UBND tỉnh Bạc Liêu chưa có chấp thuận việc cho tồn tại hay không, nhưng Công ty vẫn cho trạm trộn hoạt động bất chấp quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và đất đai, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt, khiến người dân tại khu vực bức xúc trong một thời gian dài. Điều này cho thấy, sự quản lý lỏng lẻo địa phương cũng như các cơ quan chức năng có trách nhiệm. Từ đó, khiến dư luận hoài nghi có một “thế lực chống lưng” cho trạm trộn bê tông này hoạt động.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận