Những kẻ tham lam và vô cảm
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa quyết định khởi tố bị can, bắt giữ và khám xét đối với PGS.TS.BS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cùng 6 thuộc cấp và đồng phạm vì đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm thiết bị phòng chống dịch Covid-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.
Trong khi Đảng, Nhà nước đã sớm xác định "chống dịch như chống giặc" với sự đồng lòng, chung sức của mọi tầng lớp nhân dân, quyết đẩy lùi đại dịch Covid-19 đầy hiểm nguy vốn đã lan rộng toàn cầu thì sự việc trên không khỏi khiến dư luận bức xúc.
Nhiều người cho rằng ông Nguyễn Nhật Cảm cùng đồng phạm là những kẻ tham lam và vô cảm khi đất nước đang gồng mình trước đại dịch Covid-19.
Bàn về sự việc này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, đạo đức và nhân cách của những vị này đã xuống cấp dẫn đến vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
“Trong khi những cụ già chắt chiu tiền trợ cấp, những đứa trẻ “mổ lợn” tiết kiệm để quyên góp vào công cuộc phòng chống dịch Covid-19 thì hành động nâng khống giá thiết bị y tế của Giám đốc CDC Hà Nội và đồng phạm là những hành động vô đạo đức”, ông Hòa nói.
Hoan nghênh Bộ Công an đã kịp thời vào cuộc điều tra hành vi tham nhũng, vị Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, đây là một hành động vô cảm, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thiếu tình người, cần phải bị xử lý nghiêm minh.
"Bản án dành cho những đối tượng này phải là cao nhất trong khung hình phạt, từ đó là bài học răn đe cho những đối tượng đã và đang có ý định tham ô, nhất là tham nhũng xảy ra trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19”, ông Hòa nhấn mạnh.
Ông Hòa cũng rằng, ở phương diện nào đó, đây là hành động phá hoại công cuộc phòng chống dịch Covid-19 của chúng ta. “Là một bác sỹ, lại trên cương vị lãnh đạo như vậy, không có những sáng kiến để giúp đẩy lùi dịch bệnh thì thôi, đằng này lại câu kết để trục lợi. Tôi cho rằng đây là hành động tham ô rất trắng trợn, phi đạo đức, ăn không từ thứ gì của nhân dân. Không những vậy hành động này còn đang phá hoại công cuộc phòng chống dịch của đất nước ta”, đại biểu này bức xúc.
Bộ Công an đang điều tra việc thông đồng, gian lận, nâng khống giá trị gói thầu mua Hệ thống Realtime PCR tự động, xét nghiệm Covid-19 của CDC Hà Nội.
Theo thông tin ban đầu, nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19, CDC Hà Nội đã thực hiện mua sắm một số hệ thống Realtime PCR tự động, bao gồm các máy tách chiết mẫu, máy phân tích mẫu và phụ tùng, chi phí bảo trì từ các doanh nghiệp trên.
Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, các hệ thống Realtime PCR tự động đã được CDC Hà Nội đưa vào với giá hơn 7 tỷ đồng/hệ thống.
Trong khi đó, một số nhà cung cấp thiết bị xét nghiệm vào loại lớn trên thị trường cho biết, giá một hệ thống xét nghiệm như thế này không quá 4 tỷ đồng.
Vơ vét trong dịch bệnh là tội ác
Bất bình trước sự việc trục lợi trong việc mua sắm thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 xảy ra tại CDC Hà Nội, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng nhấn mạnh: Đây không chỉ là vi phạm pháp luật, mà đây là một tội ác.
"Theo lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ cả nước đang gồng mình, chung tay vào để đẩy lùi dịch Covid-19. Trong khi có bao nhiêu y, bác sỹ trên cả nước đang ngày đêm không quản ngại dịch bệnh để cứu người, chống sự lây lan của dịch bệnh, thì tại CDC Hà Nội lại có những cán bộ nhân cơ hội này "vơ vét" tiền bạc như vậy, đó quả thật là một tội ác", bà An nói.
Nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An đề nghị, Bộ Công an cần tiếp tục mở rộng điều tra xem còn cá nhân nào trong đường dây tham ô này nữa không? Nếu có nên xử lý nghiêm minh, từ đó mới thỏa đáng lòng mong mỏi của cả nước. Không những vậy ở những địa phương khác cần có sự giám sát, thanh kiểm tra xem có tình trạng tương tự như ở CDC Hà Nội không.
“Tôi tin rằng đây là sai phạm của một số cá nhân, không phải vì vụ việc mà có thể quy chụp hay phủ nhận những nỗ lực chung của toàn ngành Y tế Thủ đô trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19. Và vụ việc cũng không làm ảnh hưởng đến hiệu quả cũng như quyết tâm phòng, chống dịch bệnh của hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung”, bà An nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận