Ngày 28/6, TAND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Cường (40 tuổi, trú xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn) 7 năm 6 tháng tù về tội cướp tài sản, 30 tháng tù về tội bắt giữ người trái pháp luật, tổng hợp hình phạt là 10 năm tù.
Cùng hai tội danh trên, bị cáo Nguyễn Tuấn Anh (21 tuổi) bị tuyên phạt tổng hợp 7 năm tù, Dương Văn Quý (27 tuổi) và Dương Văn Cương (28 tuổi, cùng trú huyện Sóc Sơn) cùng bị tuyên phạt tổng hợp mức án 9 năm tù.
Các bị cáo trong vụ "cát tặc" tại huyện Sóc Sơn đứng trước vành móng ngựa
Tòa nhận định các bị cáo dù không có thẩm quyền bắt giữ người nhưng đã dùng vũ lực bắt, trói rồi đưa bị hại về nhà trái pháp luật. Việc lấy hai chiếc điện thoại của bị hại đủ yếu tố cấu thành tội cướp tài sản.
Hành vi của các bị cáo xâm phạm về sức khỏe, thân thể và tài sản của người khác. Trong đó, Cường đóng vai trò cao nhất, ba bị cáo còn lại với vai trò đồng phạm giúp sức.
Theo cáo trạng, rạng sáng 11/7/2018, ông Đào Công Thành (56 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội) cùng bốn người đi hai thuyền đến sông Cầu thuộc địa phận xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn khai thác cát trái phép.
Phát hiện có thuyền hút cát gần khu vực đất nông nghiệp của gia đình, Cường rủ thêm Tuấn Anh, Quý và Cương đi đuổi đánh, bắt những người hút cát.
Sau khi dùng thuyền áp sát và hô hoán, nhóm Cường cầm tuýp sắt nhảy lên thuyền khiến ông Thành và bà Nguyễn Thị Anh (30 tuổi) hoảng sợ trốn vào khoang, còn ba người khác nhảy xuống sông trốn.
Cáo trạng xác định ông Thành bị nhóm Cường dùng tuýp sắt đánh và trói lại bằng dây thừng, thu hai điện thoại. Sau đó ông Thành và bà Anh bị đưa lên bờ, đưa về nhà Cường viết tường trình.
Cường bị một người trong nhóm hút cát chém vào cánh tay, thương tích 8%, tuy nhiên cơ quan điều tra chưa làm rõ được ai gây thương tích nên tách thành vụ án khác, xử lý sau.
Trong khi đó, ông Thành bị Công an huyện Sóc Sơn ra quyết định xử phạt hành chính do có hành vi khai thác cát nhưng không có giấy phép và sử dụng thuyền không đăng ký phương tiện.
Quá trình xét xử, 4 bị cáo nhiều lần phản đối cáo trạng của Viện Kiểm soát và khẳng định, mục đích ban đầu ra bến sông chỉ muốn ngăn cản "cát tặc", khi Cường bị chém thì cả nhóm mới phản kháng rồi giữ người.
Cường và luật sư của mình cho rằng hành vi chém người là phạm tội quả tang, do vậy bị cáo hay bất cứ ai khác đều có quyền bắt giữ để giao cho cơ quan chức năng.
Về 2 chiếc điện thoại của ông Thành, nhóm bị cáo khai rằng ông Thành chủ động đưa cho Cường chứ không phải dùng vũ lực để cưỡng đoạt. Mục đích Cường cầm điện thoại của ông Thành là muốn ngăn ông này gọi thêm người đến đánh nhau, chứ không phải cướp.
Trên đường đi bệnh viện, Cường chủ động đưa 2 chiếc điện thoại cho em trai, dặn dò phải nộp cho công an ngay. Tại bệnh viện, người nhà Cường bày tỏ mong muốn giao nộp điện thoại nhưng cán bộ công an đề nghị bàn giao sau.
Về việc bắt giữ nhóm ông Thành, Cường khai chỉ dùng dây buộc trong ít phút, sau đó thả ra. Khi lên bờ, do phải đi bệnh viện nên Cường không biết gì về diễn biến việc sau đó, bao gồm việc đưa nhóm ông Thành về nhà mình.
Được triệu tập tới tòa, em trai Cường cho hay nhóm ông Thành là người chủ động đề xuất về nhà Cường để giải quyết, chứ không phải bị ép về. Khi tới nhà, hai bên ngồi viết biên bản tường trình sự việc, tiếp đó công an ập vào và đưa mọi người đi.
Tòa hỏi thêm một số người với tư cách chứng kiến sự việc. Những người này cho hay nhóm ông Thành khi ở nhà Cường đều được tự do đi lại, không bị ai đánh đập hoặc dùng vũ lực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận