Ban hành cáo trạng vụ án liên quan Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan, Viện kiểm sát (VKS) nhân dân tối cao truy tố bà Lan về 3 tội danh, gồm Tham ô tài sản, Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Liên quan vụ án, 41 cựu lãnh đạo và cán bộ Ngân hàng SCB, 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước, 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ và một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước cùng 25 bị can còn lại bị truy tố do tham ô tài sản, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.
Ngoài nêu rõ những căn cứ pháp lý cáo buộc hành vi sai phạm của 86 bị can, VKS tối cao cho biết quá trình điều tra và truy tố, trừ bà Trương Mỹ Lan và 5 bị can bị truy tố vắng mặt, 80 bị can còn lại trong vụ án đều ăn năn hối cải, thành khẩn khai nhận hành vi.
Trong đó, một số bị can phối hợp, tích cực hợp tác, giúp cơ quan tố tụng điều tra, làm rõ bản chất của vụ án. Nhiều bị can khác tự nguyện hoặc tác động gia đình nộp tiền, tài sản để khắc phục hậu quả.
Theo đó, Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cháu gái bà Trương Mỹ Lan) đã nộp khắc phục hơn 1,063 tỷ và 3.000 USD. Ông Chu Lập Cơ (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư quảng trường thời đại Times Square, chồng bà Lan) khắc phục 1 tỷ đồng.
Bị can Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước) nộp khắc phục 4,8 triệu USD cùng 10 sổ tiết kiệm có tổng số tiền hơn 10 tỷ. Bà Nhàn bị VKS truy tố tội Nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn lên đến 5,2 triệu USD.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước) nộp lại 390.000 USD. Bà Nguyễn Thị Phụng (cựu Cục phó Thanh tra, giám sát ngân hàng II) khắc phục 20.000 USD và 210 triệu đồng.
Đại gia Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) nộp khắc phục trên 650 tỷ đồng và hơn 3.300 USD. Còn bị can Dương Tấn Trước (Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất Tường Việt) nộp khắc phục hơn 52 tỷ và trả lại cho SCB trên 800 tỷ đồng.
Ngoài những cá nhân trên, hàng loạt bị can là cựu cán bộ thuộc đơn vị của Ngân hàng Nhà nước cũng được ghi nhận đã nộp khắc phục hàng trăm nghìn USD và hàng tỷ đồng.
Điển hình như bị can Vương Đỗ Anh Tuấn (cựu Trưởng phòng Thanh tra) nộp 20.000 USD; Nguyễn Văn Thùy (cựu Phó ban giám sát) nộp 21.000 USD và 60 triệu đồng. Hay như hai cựu Phó chánh Thanh tra Nguyễn Thị Phi Loan và Võ Văn Thuần, họ lần lượt nộp khắc phục 470 triệu và 1,85 tỷ đồng.
Cũng trong vụ án này, 5 bị can là các cựu lãnh đạo SCB được xác định bỏ trốn gồm: Hai cựu chủ tịch HĐQT Đinh Văn Thành và Nguyễn Thị Thu Sương, Chiêm Minh Dũng (cựu Phó tổng giám đốc), Trầm Thích Tồn (thành viên HĐQT) và Nguyễn Lâm Anh Vũ (Phó giám đốc Chi nhánh Bến Thành của SCB).
Để đảm bảo giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật, Vụ 3 VKS tối cao kêu gọi 5 bị can này đến cơ quan công an hoặc VKS nơi gần nhất đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước và thực hiện quyền tự bào chữa.
Trường hợp 5 bị can này tiếp tục bỏ trốn, VKS tối cao coi đó là từ bỏ quyền tự bào chữa và bị truy tố, xét xử vắng mặt theo quy định của pháp luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận