Như thông tin Báo Giao thông đăng tải, vừa qua VFF và Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) đã ký kết hợp đồng tài trợ. Theo đó, Vinamilk trở thành nhà tài trợ chính cho các ĐTQG trong vòng 3 năm, giá trị khoảng 20 tỷ đồng/năm chưa bao gồm hiện vật.
Trung gian trong thương vụ này là Công ty Nam Hương và theo quy định mới của VFF, các đại lý mang về hợp đồng tài trợ cho VFF được hưởng 30% giá trị hợp đồng. Như vậy, Công ty Nam Hương sẽ nhận 6 tỷ/năm tiền hoa hồng.
Sau khi những thông tin trên đến với độc giả, có rất nhiều phản ứng trái chiều xuất hiện. Đa phần không đồng tình với cách làm của VFF bởi bóng đá Việt Nam đang có giá sau những thành công liên tiếp nên việc cắt 30% hoa hồng cho bên môi giới không thực sự cần thiết. Ngoài ra, tại sao Vinamilk và VFF phải làm việc qua bên thứ ba?.
Liên quan tới sự việc trên, ông Lê Hoài Anh, Tổng Thư ký VFF dù xác nhận VFF có trích % hợp đồng cho Công ty Nam Hương nhưng điều này nằm trong thỏa thuận giữa ba bên và Công ty Nam Hương cũng phải thực hiện trách nhiệm của mình.
“VFF vừa ký kết hợp tác với một trong những thương hiệu lớn nhất Việt Nam với thời hạn 3 năm, giá trị hợp đồng khá lớn để đầu tư cho bóng đá mà chúng tôi không phải lo toan tới công tác truyền thông, nhân sự, tổ chức thực hiện quyền lợi dành cho đối tác tài trợ bởi những việc này được thực hiện bởi một công ty tiếp thị thể thao chuyên nghiệp.
Để triển khai những công việc rất quan trọng này đòi hỏi công ty tiếp thị thể thao đó phải có kinh phí để thực hiện, đảm bảo cho tính hiệu quả và sự hài lòng của đối tác. Đây là sự hợp tác rất sòng phẳng, minh bạch cho cả ba bên”, ông Hoài Anh nói.
Phía Công ty Nam Hương, bà Nguyễn Thu Hương, Tổng Giám đốc cũng xác nhận có nhận lại % từ hợp đồng giữa VFF và Vinamilk, số tiền này dùng vào việc chăm sóc, xây dựng hình ảnh cho Vinamilk. Tuy vậy, bà Hương từ chối tiết lộ cụ thể các đầu việc bởi quy định hợp đồng nêu rõ các bên phải giữ kín.
Ông V.Đ, một nhà tiếp thị thể thao chuyên nghiệp, từng có nhiều năm làm việc ở nước ngoài khẳng định: “Việc trích % ở bản hợp đồng tài trợ của Vinamilk cho VFF là bình thường, nó phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên. VFF không mất công hoặc chưa đủ sức tiếp cận các nhãn hàng thì nay có đơn vị khác họ làm thay thì họ phải nhận phần của mình. Đừng nói 30%, kể cả là 50% nếu VFF đuối thế thì vẫn phải chấp nhận. Như vậy tốt hơn nhiều không có gì”.
“Ở đây, chỉ có một vấn đề, nếu ông Nguyễn Hoài Nam, người cùng vợ đứng tên Công ty Nam Hương làm Phó Chủ tịch VFF thì mới đáng nói bởi như vậy là tiền ông chuyển từ tay này sang tay kia. Nhưng khi ông Nam xin rút tranh cử thì mọi thứ hoàn toàn bình thường, theo đúng quy luật thị trường”, tiếp lời ông V.Đ.
Trong khi đó, Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh cho rằng, không phải bộ phận vận động tài trợ của VFF hoạt động không hiệu quả mà việc hợp tác với các công ty tiếp thị thể thao chuyên nghiệp là xu thế tất yếu để thúc đẩy sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
“Các công ty tiếp thị thể thao chuyên nghiệp sẽ đồng hành với VFF không chỉ ở công tác tổ chức thực hiện quyền lợi nhà tài trợ mà còn chia sẻ chi phí tổ chức các sự kiện, các chương trình quảng cáo truyền thông đảm bảo tốt nhất quyền lợi của các đối tác tài trợ. Với sự hợp tác với các công ty tiếp thị thể thao chuyên nghiệp, VFF có điều kiện để tập trung, tăng cường hoạt động chuyên môn một cách tốt nhất. Đây cũng là xu hướng chung của sự phát triển, trong việc vận hành, phát triển bóng đá hiện đại giai đoạn hiện nay”, ông Hoài Anh nói.
Về băn khoăn liên quan tới số tiền trích lại cho bên thứ ba liệu có sự thiếu minh bạch. Vị Tổng thư ký VFF khẳng định: "Tất cả các số liệu tài chính đều được kiểm toán độc lập bởi các hãng kiểm toán có uy tín hàng đầu. Sự hợp tác vừa qua của VFF và các đối tác đều công khai minh bạch, hướng tới mô hình hoạt động chuyên nghiệp”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận