Chuyện dọc đường

Vụ VN Pharma, khi cán bộ quản lý dược tiếp tay cho thuốc giả

06/07/2019, 15:17

Tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng đối diện với mức án cao nhất là tử hình về tội làm giả dược phẩm.

img
Ngày 30/8/2017, tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định H - Capita là thuốc kém chất lượng chứ không phải là thuốc giả

Thay đổi hoàn toàn tội danh

Tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng có nguy cơ đối diện với mức án cao nhất là tử hình về tội làm giả dược phẩm với tang vật 9.300 hộp H-Capital 500mg trị ung thư giả không rõ nguồn gốc, không thể sử dụng cho người bệnh.

Tội danh này được xác định trong cáo trạng mới nhất do VKSND Tối cao vừa ban hành, thay cho tội danh Buôn lậu và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xác định trước đó.

Theo cáo trạng, giá trị lô thuốc khi nhập chỉ 5,3 tỷ nhưng các bị can đã nâng khống lên hơn 12 tỷ, qua đó chiếm đoạt gần 7 tỷ đồng.

Thuốc của "Công ty Health 2000"- một công ty ma do Hùng khai nhận, đã trúng thầu vào rất nhiều bệnh viện các tuyến như Bệnh viện Y học cổ truyền T.Ư, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện K. Đặc biệt một sở y tế ở khu vực phía Bắc đã mua tới 141.000 chai Cefotaxim 1g của "Công ty Health 2000" trong năm 2014 (theo Báo Tuổi trẻ).

Vậy làm thế nào mà lô thuốc giả của VN Pharma lại qua mặt được các cơ quan thẩm định, tuồn trót lọt vào các bệnh viện lớn nhất, uy tín nhất của Việt Nam?

Góc tối trong thị trường thuốc

Theo đó, Nguyễn Minh Hùng đã làm giả giấy tờ nhập khẩu thuốc. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tất Đạt (Trưởng phòng Quản lý kinh doanh Dược) và tổ thẩm định vẫn đánh giá hồ sơ đạt yêu cầu và đề nghị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu đơn hàng của VN Pharma.

Vì lẽ gì mà các cán bộ Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế lại để xảy ra sai sót trong thẩm định thuốc chữa bệnh - một mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng con người? Thậm chí, ngay cả khi vụ việc bị phát hiện, Bộ Y tế vẫn nhất quyết bênh VN Pharma. Họ nói thuốc điều trị ung thư H-Capital của VN Pharma không phải thuốc giả.

Trong khi đó, tổ chức Y tế thế giới WHO đã định nghĩa rõ: “Thuốc giả là sản phẩm được gắn nhãn hiệu sai một cách gian dối và có chủ đích. Thuốc giả có thể bao gồm sản phẩm đúng hoặc sai hoạt chất, không có hoạt chất hoặc không đủ hàm lượng hoạt chất hoặc với bao bì và nguồn gốc giả”.

VKS đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, làm rõ sai phạm của những cán bộ quản lý có liên quan. Tuy nhiên sẽ tách riêng thành một vụ án khác. Và sai sót của các cán bộ quản lý dược sẽ được làm rõ về tính chất, mức độ, động cơ...

Song, cũng liên quan đến vụ việc này, trong vụ án đưa và nhận hối lộ chạy án bị TAND TP Hà Nội xét xử hồi cuối 2018, VN Pharma đã lộ ra một một khoản để ngoài sổ sách hơn 10 tỷ đồng (từ việc nâng khống giá thuốc) được cho là để chi “hoa hồng” cho các bác sỹ ở bênh viện và chi cho hoạt động đối ngoại.

Lâu nay, thị trường thuốc chữa bệnh vẫn đề cập chuyện “đi đêm” trong đấu thầu hay hoa hồng bác sỹ. Thì đây, vụ thuốc ung thư giả VN Pharma đã làm lộ ra góc tối nhất, từ công tác quản lý đến kinh doanh trên thị trường này.

Chính người bệnh trả "hoa hồng"... cho bác sỹ?!

Hơn 7 tỷ đồng nâng khống giá thuốc, hay 10 tỷ đồng chi hoa hồng bác sỹ, ai là người phải trả? Chính là các bệnh nhân ung thư khốn khổ - vì khi nhận bệnh án nhiều người mang tâm lý như nhận án tử. Một tỷ lệ không nhỏ những bệnh nhân ung thư là người nghèo, phải vay mượn, thậm chí bán nhà bán cửa lấy tiền chữa bệnh.

Chưa kể, lô thuốc giả này nếu không bị phát hiện để rồi đưa vào điều trị, sức khoẻ, tính mạng của hàng trăm, hàng ngàn bệnh nhân ung thư sẽ ra sao?

Các cán bộ ngành Y tế tiếp tay cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc ung thư giả, dù cố ý hay vô tình, đều không thể chấp nhận được.

Tình trạng hàng giả lọt lưới, tuồn ra thị trường, đến người tiêu dùng với khối lượng lớn diễn ra không riêng với VN Pharma hay thị trường thuốc.

Gần đây, người dân cả nước không khỏi giật mình với vụ bóc gỡ đường dây xăng dầu giả tại Sóc Trăng. Ngay tại thời điểm phá án, cơ quan công an đã thu giữ hơn 2 triệu lít xăng giả. Trong khi đó, sản xuất, kinh doanh xăng giả diễn ra trong một thời gian dài, tại nhiều địa phương, nghĩa là có rất nhiều triệu lít xăng giả được tiêu thụ. Trịnh Sướng - kẻ cầm đầu đường dây xăng giả được biết đến là một đại gia, có quan hệ mật thiết với nhiều lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng và các cơ quan quản lý, kể cả cơ quan quản lý trực tiếp lĩnh vực này là Quản lý thị trường!

Buôn bán hàng giả không chỉ phá hoại sản xuất, mà còn làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng, người dân về công tác quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng.

Nhiều vụ việc lớn bị phát hiện đều cho thấy có sự tiếp tay của cán bộ, cơ quan quản lý như vụ VN Pharma, vụ xăng giả, hay trước đó là thuốc ung thư giả Vinaca sản xuất bằng bột than tre... Trong những trường hợp đó, tội trạng của những cán bộ, lực lượng chức năng tiếp tay cho hàng giả nguy hiểm, nghiêm trọng không kém tội trạng của đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả và phải bị xử lý đích đáng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.