Tối 6/7, mạng xã hội xôn xao với việc ô tô biển xanh vào tận cầu thang máy bay để đón người nhà ông Lương Minh Sơn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Phú Yên. Sau đó, sáng 7/7, ông Lương Minh Sơn thừa nhận ô tô biển số xanh BKS 78A - 001.14 đậu đỗ tại cầu thang máy bay tại sân bay Tuy Hòa là của đơn vị.
Theo ông Sơn, sự việc xảy ra vào chiều 14/6, khi ông cùng các cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa đi khám sức khỏe định kỳ tại TP. Hồ Chí Minh theo kế hoạch của Trung tâm chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, về lại Phú Yên. Xe công vụ của cơ quan đã vào tận cầu thang máy bay để đón ông. Lúc này, người nhà đi cùng, nên tiện thể đưa lên xe để chở về nhà.
Chiều 7/7, trao đổi với báo chí, ông Lương Minh Sơn cho biết ông đã đề nghị Công an tỉnh và các cơ quan liên quan vào cuộc để điều tra, làm rõ người phát tán thông tin liên quan đến việc xe biển xanh vào tận máy bay đón mình.
“Công an tỉnh Phú Yên đã vào cuộc để điều tra. Hiện, tôi không tiện chia sẻ thêm về các thông tin lan truyền, mọi vấn đề chờ kết luận của cơ quan điều tra”, ông Sơn nói.
Bàn về vấn đề này, TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, các cán bộ cần phải rút kinh nghiệm.
“Về phía đồng chí Phó Bí thư được sử dụng xe công đưa đón thì không có gì sai. Nhưng việc “tiện thể” đón cả người thân tại sân bay thì cũng rất dễ dẫn đến sự phản cảm đối với dư luận nhìn vào. Mình là cán bộ thì cần phải gương mẫu, xe công phục vụ ai thì chỉ nên phục vụ người đó, không nên “tiện thể” phục vụ cả người nhà như vậy. Điều này cần phải được rút kinh nghiệm để tránh các cán bộ khác cũng “tiện thể” như vậy”, bà An nói.
Về nội dung Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Phú Yên “đề nghị công an điều tra người tung tin xe công vào sân bay” bà An ngạc nhiên: “Vì sao người dân phản ánh sự việc có thật, lại bị đề nghị điều tra? Người dân có quyền giám sát điều đó và không nên làm mọi chuyện trở nên căng thẳng như vậy. Theo tôi, Tỉnh ủy Phú Yên nên có báo cáo rõ ràng về vấn đề này, để tránh dư luận bàn tán không hay”, bà An nói.
Cũng bàn về nội dung này, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng, xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN, của dân, do dân, vì dân. Do đó, Hiến pháp năm 2013 khẳng định quyền lực Nhà nước không chỉ là thống nhất, phân công, phối hợp mà còn được kiểm soát.
Đây là một nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN, Nhà nước của dân nên quyền lực phải được kiểm soát. Kiểm soát quyền lực có thể thực hiện bằng cơ chế kiểm soát bên trong Nhà nước thông qua các cơ quan Nhà nước theo luật định và thông qua cơ chế bên ngoài Nhà nước.
Đó là sự kiểm soát của các tổ chức Đảng, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, của các tổ chức xã hội và cá nhân công dân.
Cùng với nguyên tắc quyền lực thuộc về Nhân dân, thống nhất và kiểm soát trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, nguyên tắc tiếp theo được khẳng định là cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan Nhà nước có nghĩa vụ phục tùng nhân dân, giữ mối liên hệ chặt chẽ và chịu sự giám sát của nhân dân.
“Do đó, khi một người dân hay báo chí thấy một chiếc ô tô mang biển số xanh vào tận khu vực hạn chế để đón một người con gái khi họ chưa rõ sự nguồn, họ có quyền phản ánh là hoàn toàn bình thường và phù hợp”, luật sư Bình nói.
Luật sư Diệp Năng Bình cũng cho hay, Phó Bí thư tỉnh Phú Yên đề nghị Công an vào cuộc điều tra là quyền của vị này.
“Tuy nhiên, thiết nghĩ trong trường hợp này, Phó Bí thư tỉnh Phú Yên nên giải thích cho người dân được hiểu đó là người nhà cùng đi chung thì sẽ hay hơn, chứ không nên đề nghị công an vào cuộc. Bởi giải trình, chứng minh trong trường hợp này thuộc về nghĩa vụ của ông ấy”, luật sư Bình cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận