Điều tra

Vụ xe cơi thùng vượt mặt tổ liên ngành: Doanh nghiệp dùng chiêu trò đối phó

18/07/2020, 10:10

Để qua mặt chốt liên ngành, các đơn vị đã sử dụng xe cơi thùng, vận chuyển vượt khối lượng hàng khai báo trên xe.

img
Lái xe khai báo, nộp phiếu xuất kho cho tổ công tác liên ngành của UBND huyện Đại Từ.

Cơi thành thùng để chống đối chốt liên ngành

Báo Giao thông ra các ngày 12,13,14 và 16/7 liên tục đăng tải các bài viết: “Thái Nguyên: Đoàn xe chở than cơi thùng vô tư “qua mặt” chốt liên ngành”, “Xe cơi thùng “qua mặt” chốt liên ngành ở Thái Nguyên: Người trong cuộc nói gì?, “Đề nghị tạm dừng hoạt động mỏ than có xe cơi thành “vượt” mặt tổ liên ngành”, “Thái Nguyên: Xe cơi nới thùng rầm rập qua chốt vì... cân tải trọng hỏng”; phán ánh việc các xe có dấu hiệu cơi nới thành thùng vô tư lưu thông qua chốt liên ngành của UBND huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Sau khi Báo phát hành, Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo TTGT vào cuộc xử lý xe cơi nới thành thùng, vận chuyển than trên đường tỉnh 264, đoạn qua xã Phú Cường và Phú Thịnh, huyện Đại Từ. Tuy nhiên, đoàn xe trên đã có chiêu trò mới để đối phó lực lượng chức năng.

Trong đó, các đơn vị liên quan đến đoàn xe trên đã cử người canh gác, cảnh giới lực lượng chức năng. Khi xuất hiện tổ công tác của TTGT hầu hết các xe đều dừng đỗ trong mỏ gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

img
Tham gia tổ công tác liên ngành nhưng Đội CSGT Công an huyện Đại Từ không xử lý xe cơi nới thành thùng.

Do cân tải trọng của Công an huyện Đại Từ vẫn đang bị hỏng, tổ liên ngành yêu cầu các xe phải xuất trình hóa đơn, phiếu cân, lệnh vận chuyển và phiếu xuất kho hàng hóa trên xe.

Để đối phó với cách làm này, đơn vị liên quan đã chuyển sang sử dụng xe đầu kéo, có tải trọng lớn, cơi nới thêm thành thùng để chở than. Theo đó, mặc dù vẫn xuất trình phiếu xuất kho, lệnh vận chuyển, hóa đơn theo quy định. Tuy vậy, khối lượng hàng vận chuyển đều chỉ được ghi khoảng 10 tấn trong khi thực tế trên xe là khoảng 30 tấn.

Đơn cử, khoảng 15h, ngày 15/7, tổ công tác TTGT tỉnh Thái Nguyên phát hiện xe đầu kéo 20C - 073.22, kéo theo rơ-moóc 20R - 004.82, do tài xế Nguyễn Văn Vĩnh điều khiển xuất trình phiếu cân, phiếu xuất kho hàng hóa là 11,5 tấn. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, lượng hàng thực tế trên xe là 27,3 tấn.

Ngay khi phương tiện trên được giao cho tổ công tác liên ngành của UBND huyện Đại Từ xử lý thì các xe phía sau đã lập tức quay đầu về mỏ.

Sản lượng khai thác vượt cả trăm lần giấy phép

Nguồn tin từ UBND huyện Đại Từ cho biết, Công ty CP Yên Phước chỉ được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép trữ lượng địa chất là 151.396 tấn, đây là trữ lượng được xác định để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của Công ty này. Theo đó, trữ lượng khai thác được cấp phép chỉ là 136.256 tấn, công suất khai thác là 8.500 tấn/năm.

Tuy nhiên, bằng thủ đoạn vận chuyển trên, từ tháng 5/2018 đến tháng 4/2020, chỉ tính riêng khối lượng do Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Uyên Hiển (đơn vị vận chuyển than cho Công ty CP Yên Phước; có sổ sách, chứng từ đối chiếu - PV) đã là gần 700.000 tấn được vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

img
Cận cảnh thùng xe cơi nới rầm rập vận chuyển than trên đường tỉnh 264.

“Sản lượng khai thác, vận chuyển ngày càng được các đơn vị liên quan đẩy lên cao. Theo đó, 7 tháng cuối năm 2018, Công ty Uyên Hiển chỉ vận chuyển 29.417 tấn nhưng năm 2019 khối lượng vận chuyển đã lên đến 488.116 tấn; 4 tháng đầu năm 2020 sản lượng vận chuyển đạt gần 180.000 tấn.

Theo nắm bắt của chúng tôi, sản lượng than đã khai thác tồn kho, chưa vận chuyển tại mỏ than Yên Phước hiện nay vẫn còn khoảng 1,5 triệu tấn. Tuy nhiên, hóa đơn và sổ sách công ty này chỉ thể hiện con số 8.500 tấn/năm theo giấy phép khai thác được cấp để trục lợi thuế và các khoản phí liên quan”, một cổ đông của Công ty Uyên Hiển cho biết.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Châu Thị Mỹ Linh, Tổng giám đốc Công ty CP Yên Phước khẳng định: “Việc khai thác quá số lượng là chuyện bình thường, chúng tôi có quyền quy đổi, Công ty sẽ có văn bản báo cáo để nộp thuế đàng hoàng”.

Bà Châu Thị Mỹ Linh cũng cho rằng: Thực tế, đa phần sản lượng khai thác, vận chuyển hiện nay đều là đá và sít thải chứ không có nhiều than. Theo quy định than đá phải có nhiệt lượng trên 3 nghìn nhưng ở đây than khai thác ra chỉ có nhiệt lượng hơn 1 nghìn nên chỉ được gọi là sít, giá bán không cao.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Công ty CP Yên Phước chỉ được phép khai thác, vận chuyển than với sản lượng theo giấy phép được cấp. Trường hợp phát hiện khoáng sản khác hoặc vượt sản lượng cho phép thì phải báo cáo, được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Nếu thông tin sản lượng khai thác, vận chuyển trên là đúng, Đoàn thanh tra liên ngành đang được UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo thành lập, thanh tra toàn diện mỏ than trên sẽ chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định.

Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.