Điều tra

Vụ xi măng Hoàng Mai “gắn mác” Long Sơn: Công an kết luận thế nào?

04/04/2019, 13:12

CA tỉnh Nghệ An cho biết, số xi măng bị tạm giữ ngày 31/1 tại Cảng Đại Dương và trong kho Nhà máy Xi măng Hoàng Mai không phải là hàng giả.

img
Ảnh: Lực lượng chức năng Thanh Hóa kiểm tra lô hàng xi măng Hoàng Mai gắn mác Long Sơn tại kho cảng Đại Dương

Theo cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An, lô 21.000 tấn xi măng Hoàng Mai “gắn mác” Long Sơn không phải là hàng giả. Số hàng này đã được trao trả lại cho xi măng Hoàng Mai kèm theo yêu cầu “loại bỏ yếu tố vi phạm”.

Ngày 1/4, thông tin với PV Báo Giao thông về kết quả điều tra sơ bộ đối với vụ việc xi măng Hoàng Mai “gắn mác” xi măng Long Sơn xuất khẩu 21.000 tấn xi măng rời sang Philippines, Trung tá Nguyễn Quốc Thành, Đội phó Đội 2, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Nghệ An cho biết: “Qua quá trình điều tra, chúng tôi xác định số xi măng bị tạm giữ ngày 31/1 tại Cảng Đại Dương và trong kho Nhà máy Xi măng Hoàng Mai không phải là hàng giả. Tuy nhiên, lô hàng này đã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, theo Luật Sở hữu trí tuệ”.

Trung tá Thành cho biết, qua điều tra, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và dịch vụ thương mại Viết Nam có hợp đồng với 5 công ty, nhà máy ở Việt Nam để sản xuất và cung ứng xi măng cho họ xuất khẩu. Công ty Viết Nam đã làm thủ tục và được Phòng Thương mại công nghiệp Philippines cấp 21 TSMASK (nhãn hiệu) sản xuất tại 5 công ty, nhà máy kể trên. Trong đó, xi măng Hoàng Mai được cấp 5 nhãn hiệu, xi măng Long Sơn 6 nhãn hiệu (nhãn hiệu ZEBRA là của Long Sơn).

Mỗi khi có đơn hàng, Công ty Viết Nam sẽ thông báo cho phía nhà máy về số lượng, chủng loại, đồng thời cung ứng vỏ bao với nhãn như thông báo. Các nhà máy sản xuất, cung ứng cho Viết Nam thực hiện xuất khẩu theo thời gian và số lượng ấn định. “Chúng tôi đã lấy mẫu ở cả 2 lô xi măng đưa đi trưng cầu giám định tại Viện Vật liệu, Bộ Xây dựng. Kết quả giám định cho thấy, số xi măng đóng bao nhãn hiệu ZEBRA này đều đạt tiêu chuẩn ASTM C150 như công bố trên bao bì. Thêm vào đó, giá bán sản phẩm xi măng Hoàng Mai và Long Sơn tại thời điểm là tương đương nhau. Vì thế, chúng tôi xác định số xi măng bao bì ZEBRA không phải hàng giả, nhưng có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”, Trung tá Thành cho biết thêm.

Trước câu hỏi của PV về việc cơ quan điều tra đã làm rõ tại sao Xi măng Hoàng Mai, Công ty Viết Nam lại để xảy ra sự việc như trên, Trung tá Thành cho biết: Để xác định hành vi trên là cố tình hay chỉ nhầm lẫn còn phải điều tra thêm. Cơ quan điều tra cũng đang tiếp tục điều tra để xác định trách nhiệm của những cá nhân liên quan trong vụ việc. Đến nay, dù thời hạn giải quyết tố giác, tin báo tội phạm đã hết nhưng theo luật định, cơ quan điều tra có quyền gia hạn lần 2 (thêm 2 tháng).

Ông Lê Tiến Dũng, Phó giám đốc Công ty TNHH Long Sơn cho biết: “Chúng tôi chỉ mong Xi măng Hoàng Mai nắm rõ sự việc, cam kết không tái diễn việc đóng nhãn mác xi măng Long Sơn. Chúng tôi cũng sẽ không yêu cầu bồi thường hay có bất cứ kiến nghị gì khác nữa”.

Trước đó, giữa tháng 3, Báo Giao thông có bài “Bắt quả tang xi măng Hoàng Mai giả danh Long Sơn xuất khẩu”, phản ánh việc vào cuối năm 2018, Công ty Viết Nam đặt Nhà máy Xi măng Hoàng Mai sản xuất lô 21.000 tấn xi măng xuất khẩu để xuất đi Philippines. Khi lô hàng được đưa ra cảng thì bị lực lượng chức năng giữ lại kiểm tra, phát hiện đóng vỏ bao ZEBRA của Long Sơn. Cùng thời điểm, Công an tỉnh Nghệ An nhận được tin báo từ phía Nhà máy Xi măng Hoàng Mai về việc phát hiện trong nhà máy có hơn 1.500 tấn xi măng đóng bao nhãn hiệu ZEBRA.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.