Thị trường

“Vua bánh mỳ” kể chuyện làm ăn với những thương hiệu lớn nhất thế giới

03/01/2021, 12:37

Để trở thành đối tác làm ăn với những thương hiệu lớn nhất thế giới, quãng đường mà ông chủ ABC Bakery đã trải qua không hề đơn giản.

img

Ông Kao Siêu Lực (ảnh trên), Chủ tịch Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) được mệnh danh là “vua bánh mì Việt”. Tuy nhiên, để trở thành đối tác làm ăn với những thương hiệu lớn nhất thế giới như: McDonald’s, Lotteria, KFC, BurgerKing, Jollibee, Popeys, PizzaHut... như hiện nay, quãng đường mà ông chủ ABC Bakery đã trải qua không hề đơn giản.

Bánh phải được tạo ra từ “những người vui vẻ”

Trong hàng trăm thương hiệu đình đám như McDonald’s, Starbucks, Swensens, BurgerKing, Texas… mà ông đang phân phối bánh, thương hiệu nào đòi hỏi khắt khe, khiến ông phải mất thời gian nhất để chinh phục?

Khoảng 5 năm trước, McDonald’s về Việt Nam. Họ đã sợ Việt Nam không làm nổi bánh cho họ vì các tiêu chuẩn rất cao. Không chỉ có an toàn vệ sinh hay bánh ngon là đủ, mà phải tính toán được từng loại bánh chiều cao bao nhiêu, chiều rộng bao nhiêu, làm sao để khi khách hàng há miệng cắn vừa đủ… Tất cả những tiểu tiết đó họ đo bằng milimét.

Điều đáng nói, các tiêu chuẩn của họ không được nói ra mà tự mình phải đi tìm hiểu. Ban đầu khi làm việc với McDonald’s chúng tôi đưa ra mẫu bánh, họ không đồng ý. Nhưng không hiểu vì lí do gì, sau đó họ mời mình qua HongKong, qua Malaysia, nơi McDonald’s đã có mặt và chỉ nói một câu: “Như thế này mới đạt tiêu chuẩn”.

Sau khi nghiên cứu, tôi phát hiện chất lượng bánh của mình đạt, quy trình đạt, vệ sinh an toàn thực phẩm đạt, chế độ đãi ngộ cho nhân viên đạt… nhưng chỉ là do máy móc bị cũ.

Vậy có gì đâu, nhưng họ không nói ra, chỉ cần nhập máy mới với giá 400.000 USD về là làm được. Những mẻ bánh làm ra, sau đó được đem đi HongKong thử… cứ như vậy sau 2 tuần làm thử ABC Bakery đã chinh phục được McDonald’s. Khi tìm hiểu kỹ và qua quá trình thử nghiệm, họ mới mới giao công thức cho mình.

Chỉ cần đạt các tiêu chuẩn chất lượng bánh nhưng tại sao đối tác lại quan tâm cả tới chính sách của công ty với nhân viên, hay máy móc phải mới?

Ngoài chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm thì các đối tác ngoại sẽ có hàng trăm những tiêu chí tưởng là không liên quan nhưng đôi khi lại là yếu tố quyết định.

Chẳng hạn, họ tìm hiểu nhân viên của ACB có phải làm việc tăng ca không, có được đãi ngộ phù hợp không, chỗ ăn ở của nhân viên có được đảm bảo không. Và sau đó là khi giao bánh nhân viên phải vui vẻ, từng khay bánh khi đem về đã được vệ sinh sạch sẽ nhưng khi đem đi lại phải rửa thêm một lần nữa.

Đến chiếc xe chở bánh cũng phải sạch sẽ, khi giao bánh nâng lên đặt xuống phải nhẹ nhàng, thời gian phải đúng giờ… Nếu có bất kỳ lí do gì chưa đạt, họ đặt câu hỏi liệu mình có khắc phục được không trước khi đặt bút ký.

Với người Việt, đôi khi đối tác quan tâm chi tiết quá đến thu nhập, cuộc sống người lao động, vốn được coi là nội dung nội bộ của DN?

Tưởng như vậy, nhưng không phải vậy. Một lần đối tác ngoại nhờ tôi tìm một thương hiệu trứng gà cho sản phẩm của họ. Tôi đã dắt khách hàng tới gặp cơ sở trứng gà Ba Huân, cũng là thương hiệu uy tín trên thị trường.

Tất cả mọi thứ theo tiêu chuẩn đều tưởng rằng đạt, cho đến lúc về họ bảo: “Anh Kao à, chỗ này được nhưng có một thứ không đạt yêu cầu. Cái chuồng gà theo tiêu chuẩn chỉ được nuôi 2 con mà ở đây họ nuôi 4 con. Khi cho thức ăn, hai con gà còn lại phải tranh ăn với hai con còn lại. Vậy 2 con gà còn lại sẽ không được “zui”.

Những quả trứng này được đẻ ra bởi những con gà không “zui zẻ”. Nên khi khách hàng của tui ăn trứng cũng không được cảm thấy thoải mái, “zui zẻ”. Chỉ cho đến khi họ tìm được những đối tác tạo ra những quả trứng đạt chuẩn an toàn và “zui zẻ” thì họ mới đặt vấn đề dài hạn. Dĩ nhiên, sau đó họ cũng tìm được đơn vị đáp ứng được các tiêu chuẩn đó.

Chỉ mua loại “nhất phẩm” để làm bánh

img

Ông Kao Siêu Lực (trái) kiểm tra chất lượng bánh

Các thương hiệu quốc tế yêu cầu rất cao với nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Vậy, ABC Bakery có tiêu chuẩn gì trong việc lựa chọn nguyên liệu đầu vào?

Tất cả nguyên liệu đầu vào để dùng làm bánh cho ABC Bakery tôi cũng yêu cầu không kém gì các yêu cầu mà các thương hiệu ngoại. Chẳng hạn ở Việt Nam, nhiều người quan niệm, quả gì chín quá thậm chí là loại 2, loại 3 thì dùng để làm bánh. Nhưng với tôi nguyên liệu gì đắt nhất, ngon nhất, là loại nhất phẩm thì mới được dùng để làm bánh.

Cụ thể, ông làm thế nào để thuyết phục nhà cung cấp đảm bảo nguyên liệu đạt được loại nhất phẩm?

Chẳng hạn với các loại bánh về sầu riêng, không chỉ sầu riêng sạch là đủ tiêu chuẩn.

Thông thường, nhiều nhà vườn sau 70 ngày tính từ ngày cây ra trái người ta sẽ hái xuống và chờ vài ba ngày quả sẽ chín. Với những trái sầu riêng như thế này tuy sạch nhưng chất lượng chưa đạt, trái sầu chỉ có mùi mà thôi.

Còn sầu riêng tôi mua, được yêu cầu ghi chép từng cây ra quả, đếm đủ 90 ngày mới hái xuống thì mới vận chuyển tới cho tôi. Khi hái xuống để 1-2 ngày hết nhựa thì quả sẽ thơm nức và rất ngon vì đủ ngày.

Trước đây, tôi cũng từng làm bánh bằng sầu riêng Musang King - Malaysia nhưng thực tế sầu riêng Musang King đâu ngon bằng sầu riêng Ri6 của Việt Nam.

Chỉ khác nhau là Musang King được người ta “hát” lên, còn Ri6 thì không. Vậy nên tôi sẽ gắn lên bánh của ACB cùng với thương hiệu sầu riêng Ri6 của Việt Nam ra thế giới. Tôi nói với bà con, mua sầu riêng là cho tôi ăn. Tôi là tổng giám đốc mà đã ăn thì chất lượng phải ngon. Nên trái sầu riêng của tôi phải là đắt nhất. Bánh ngon nhất phải được làm từ loại nhất phẩm.

Năm 2020, ông là người sáng chế ra thương hiệu bánh mì thanh long. Sau đó, chính ông lại công bố công thức cho mọi người. Điều này có đi ngược lại với những điều gọi là “bí mật” kinh doanh?

Đầu năm khi đi tìm những vườn sầu riêng ngon làm bánh, tôi gặp một người nông dân chạy ra túm lấy tay nói “hãy cứu lấy 3.000 tấn thanh long của bà con”. Lúc ấy thanh long chỉ bán với giá 4.000 đồng/kg, nhưng 3.000 tấn không thể xuất khẩu đi được, trong khi các vườn đang vào mùa chín tiếp.

Thấy mà tội nghiệp, nhưng giúp thế nào? Tôi quay xe trở về Sài Gòn và nghĩ nếu mua 1-2 tấn cho công nhân ăn thì cũng không giúp về lâu dài được.

Rồi tôi nghĩ tới việc dùng thanh long làm bánh. Ngay ngày hôm sau tôi họp, yêu cầu chuẩn bị bột, men, thanh long và tự tay vào làm. Sau 4 ngày thì mới thành công cho ra được sản phẩm. Ngày đầu tiên tôi dùng thử 300kg thanh long để làm bánh ra bán. Sau 3 ngày số lượng thanh long tiêu thụ lên 1 tấn và sau đó 2,5 tấn/ngày.

Hiệu ứng bánh mì thanh long được người dân ủng hộ. Tôi nghĩ ABC Bakery nếu bán cũng chỉ giúp được một chút thôi. Muốn giúp được bà con thì cần cả nước đều làm. Đêm hôm đó tôi công bố công thức lên mạng và nhận hướng dẫn nếu ai không biết. Sau đó tôi cũng nhận được nhiều lời cảm ơn và như thế là đủ.

Chẳng lâu sau đó, thanh long từ giá 4.000 đồng/kg thành 25.000 đồng/kg. Giá thanh long đắt chính là mục tiêu của tôi, tôi làm cho nông dân được giá vì đây là nông sản của Việt Nam. Và tôi mong muốn bánh mì thanh long là thương hiệu, văn hoá riêng của người Việt. Cho đến nay riêng về thanh long ABC Bakery đã cho ra tổng cộng 7 loại bánh mì khác nhau…

Năm nay, hầu như DN nào cũng chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19, nhưng ABC Bakery vẫn duy trì tăng tưởng và còn tạo thêm tiếng vang trên thị trường. Nguyên do có đến từ việc tiêu thụ bánh mì thanh long?

Đúng ra do dịch Covid-19 nên ngành nghề nào cũng đi xuống hết, thậm chí có ngành nghề phải đóng cửa. Nhưng may mắn chúng tôi có bánh mì thanh long bù đắp lại nên nhân viên vẫn duy trì việc làm đều đặn. Đặc biệt hàng năm xuất khẩu trước đây của ABC Bakery mỗi tháng là 12-13 container, nhưng nay vì dịch mà ABC Bakery lại xuất khẩu lên tới 18 container/tháng…

Cảm ơn ông!

Ông Kao Siêu Lực sinh năm 1963 trong một gia đình gốc Hoa tại Campuchia (quê quán ở Quảng Đông, Trung Quốc), sang Việt Nam đầu những năm 1980.

Năm 1984, ông cùng vợ là bà Dư Đức Phát sáng lập thương hiệu bánh Đức Phát. Tuy nhiên, năm 2007, ông ly hôn và nhượng lại thương hiệu này cho vợ, bắt đầu gây dựng thương hiệu ABC Bakery.

Ông Lực hiện là Chủ tịch Hiệp hội Bánh mì quốc tế khu vực Đông Nam Á. Sản phẩm của ABC Bakery đã có mặt tại Anh, Nhật, Mỹ, Úc… ABC Bakery có chuỗi hệ thống 35 cửa hàng, trong đó 23 cửa hàng tại TP HCM, 6 tại TP Nha Trang, 3 tại TP Đà Nẵng..., tổng số lao động khoảng 300 người. Hiện, ABC Bakery đang là nhà cung cấp cho khoảng hơn 40 thương hiệu ngoại như: McDonald’s, Lotteria, KFC, BurgerKing, Jollibee, Popeys, DunkinDnonuts, Texas, The Bizza, PizzaHut… Tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X vừa qua, ông là một trong những đại diện cho giới doanh nhân tham dự Đại hội.

Dù không tiết lộ con số cụ thể, nhưng ông Lực cho biết, năm 2019, riêng mảng xuất khẩu chiếm 16% tổng doanh thu của ABC Bakery. Năm 2020, tuy xuất khẩu tăng mạnh nhưng mảng nội địa giảm tới 80% do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.